Phát huy lợi thế cửa ngõ trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để thu hút đầu tư

Lào Cai là một tỉnh vùng cao, biên giới ở phía Bắc của Việt Nam, với nhiều lợi thế riêng có, Lào Cai đã và đang là điểm đến thành công của các Nhà đầu tư: Lào Cai có vị trí địa kinh tế, địa chính trị, là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường tỉnh Vân Nam và miền Tây Nam, Trung Quốc; có hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, liên quốc tế gồm: Đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy và tương lai gần có đường hàng không; Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai với tổng diện tích gần 16 nghìn ha có cơ sở hạ tầng, dịch vụ tương đối đầy đủ và là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Chính phủ đầu tư; khu du lịch quốc gia Sa Pa với bản sắc văn hóa phong phú, nhiều địa bàn có độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, ngoài ra Lào Cai có thế mạnh trong phát triển công nghiệp do có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng lớn như: apatit, sắt, đồng… cùng với hệ thống các nhà máy luyện kim, sản xuất phân bón, hóa chất quy mô lớn, hiện đại.

Với vị trí vô cùng quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Lào Cai luôn là cầu nối giữa Việt Nam, các nước ASEAN với Miền Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc. Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) đang thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu và du lịch. Trung Quốc đang tích cực triển khai xây dựng khu hợp tác qua biên giới tiếp giáp với Việt Nam, tạo cho Lào Cai trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, hợp tác thương mại giữa Vùng và cả nước với Trung Quốc. Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đang thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN đến đầu tư kinh doanh, mở rộng nhiều chương trình hợp tác, kết nối hiệu quả với Vùng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Về xuất nhập khẩu, trong nhiều năm qua, tỉnh Lào Cai luôn phát huy tối đa lợi thế cửa khẩu quốc tế để thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu. Giữ vững và tăng thị phần đối với các sản phẩm, thị trường xuất khẩu truyền thống, đồng thời tích cực phát triển các sản phẩm, thị trường xuất khẩu mới. Tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu giai đoạn 2010 - 2020 đạt  22,41 tỷ USD phân theo loại hình: Xuất khẩu đạt 10,049 tỷ USD, nhập khẩu đạt 7,76 tỷ USD, các loại hình khác đạt 4,601 tỷ  USD.

Để phát huy vai trò đầu mối giao thương, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt hạ tầng khu vực khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) – Hà Khẩu (Trung Quốc) cũng như một số khu vực cửa khẩu khác. Trong nhiều năm qua, tỉnh Lào Cai đã phát huy tối đa lợi thế khu kinh tế cửa khẩu và hệ thống cửa khẩu biên giới để phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ cửa khẩu.

Phấn đấu đưa dịch vụ cửa khẩu trở thành lĩnh vực dịch vụ quan trọng của tỉnh đảm bảo nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các tỉnh trong vùng, cả nước và của các nước ASEAN thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại của cả nước, của các nước ASEAN với Trung Quốc qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tập trung phát triển khu kinh tế cửa khẩu và hệ thống cửa khẩu biên giới, trọng tâm là khu thương mại Kim Thành; nghiên cứu hình thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới để thực hiện tốt vai trò “cầu nối” giữa Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Tây Nam Trung Quốc về phía Bát Xát. Nghiên cứu mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai khi đáp ứng đủ điều kiện. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ trong Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tập trung nâng cao chất lượng các dịch vụ cửa khẩu.

Mặc dù, với vị trí địa kinh tế quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, tuy nhiên việc phát triển Khu kinh tế tỉnh Lào Cai vẫn còn nhiều hạn chế, do nhu cầu đầu tư phát triển của khu kinh tế cửa khẩu lớn nên tỉnh Lào Cai còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ. Đặc biệt, tỉnh Lào Cai còn gặp khó khăn trong thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh tại khu kinh tế cửa khẩu. Bên cạnh những khó khăn, trên cơ sở thừa hưởng những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2010 – 2021 và trong vai trò phát huy lợi thế vị trí cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và là cầu nối với thị trường Tây Nam Trung Quốc, tỉnh Lào Cai tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng và phát triển mạnh các loại hình dịch vụ ở cửa khẩu như:

 Ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa: Cảng hàng không Sa Pa; đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sa Pa; đường Cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 2, đầu tư  nâng cấp xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Xây dựng các phương án quy hoạch kết nối đường sắt vào các kho bãi hàng hóa đầu mối để triển khai thực hiện đầu tư ngay khi có điều kiện. Xây dựng trung tâm logistics tại Lào Cai, có vị trí gần vùng nguyên liệu và dễ dàng kết nối với đường thuỷ nội địa, đường bộ, đường sắt; có thể tích hợp nhiều loại kho chuyên dùng cho từng mặt hàng và tích hợp các bãi đỗ container. Phát triển cảng cạn (ICD) là đầu mối tổ chức vận tải container, xuất nhập khẩu bằng container kết nối với 3 phương thức vận tải là thuỷ, bộ, sắt để phục vụ hàng hoá cho các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành trong Vùng.

 Phấn đấu đưa Khu kinh tế cửa khẩu và hệ thống cửa khẩu biên giới của tỉnh Lào Cai trở thành “cầu nối” quan trọng trong mối quan hệ thương mại giữa các tỉnh trong vùng, cả nước và của các nước ASEAN với Trung Quốc.

Đẩy mạnh công tác thu hút, mời gọi đầu tư, trong giai đoạn tới tỉnh Lào Cai hướng tới thu hút khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa rộng như: Các dịch vụ logistics, đối với các dịch vụ kho bãi, giao nhận - vận chuyển, hải quan, vận tải, đóng gói sản phẩm hàng hóa... đáp ứng nhu cầu XNK hàng hóa.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy hoạt động hợp tác kinh tế thương mại giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), xây dựng tỉnh Lào Cai đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh phát triển của Vùng trung du, miền núi phía Bắc, năm 2030 Lào Cai trở thành tỉnh khá của cả nước, năm 2045 là tỉnh phát triển của cả nước; trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch, tài chính, viễn thông, logistics, đối ngoại của vùng Tây Bắc.

Trịnh Xuân Quyết
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn