KHI NGHỊ QUYẾT BẮT NGUỒN TỪ CUỘC SỐNG
Công cụ điều hành hữu hiệu trong mỗi nhiệm kỳ Đại hội được hiện thực hóa lý luận và thực tiễn cuộc sống chính là những nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI đã cụ thể hóa chủ đề của Đại hội bằng các nghị quyết chuyên đề, coi đó là kim chỉ nam cho công tác lãnh đạo điều hành, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chủ trương trúng, đủ, kịp thời

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, các đảng bộ trực thuộc đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành các Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong đó, đã ban hành 16 nghị quyết chuyên đề và các chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy… Khắc phục tình trạng chung chung, dàn trải, điểm nổi bật ở các nghị quyết chuyên đề nhiệm kỳ này là đều được xây dựng dựa trên cơ sở xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh cùng với tầm nhìn chiến lược dài hạn của các đồng chí lãnh đạo. Đơn cử như, Nghị quyết 26-NQ/TU về thu hút nguồn nhân lực hình thành từ chính quan điểm về việc thu hút nguồn nhân lực có chất lượng từ trong nước và quốc tế vào địa phương thay vì phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. Đến nay, đã có những tín hiệu tích cực về giáo dục quốc tế (Trường Quốc tế Canada), tiến tới hình thành bệnh viện quốc tế, nguồn nhân lực về du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế… Hay như, Nghị quyết 10-NQ/TU cũng xuất phát từ những chuyến đi thực tế tại cơ sở, của các đồng chí lãnh đạo tỉnh về với thôn bản, nắm bắt tâm tư nguyên vọng của người dân, đã hướng đến mục tiêu sinh kế và an sinh xã hội của người dân, người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Qua 02 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU, khẳng định, Nghị quyết bước ra từ cuộc sống và cuộc sống đã được đưa vào nghị quyết; đồng thời khẳng định sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số… 

anh tin bai

Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Năm 2023 sắp kết thúc, cũng là khoảng thời gian để nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ đã đi qua. Những kết quả của từng nghị quyết chuyên đề đã khẳng định được hiệu quả từ việc xây dựng cho đến hiện thực hóa nghị quyết chuyên đề vào cuộc sống, minh chứng rõ nét cho công tác lãnh đạo, điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong 03 năm qua (2021-2023) đã có sự năng động, sáng tạo, đi vào cụ thể thực chất. Hầu hết nội dung các nghị quyết chuyên đề đã tập trung vào các vấn đề then chốt, đủ để phủ rộng cho cả nhiệm kỳ trong công tác lãnh đạo điều hành. Từ kết quả trong thực hiện các mục tiêu nghị quyết đề ra, đều khẳng định rõ việc chú trọng xây dựng nghị quyết chuyên đề chính là giải pháp hữu hiệu nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng.

Đến nay, trong 16 Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, có 01 nghị quyết ban hành năm 2020, 06 nghị quyết ban hành năm 2021; 05 nghị quyết ban hành năm 2022 và 04 nghị quyết mới ban hành năm 2023. So với nhiệm kỳ trước, các nghị quyết chuyên đề ở nhiệm kỳ này đã có sự sáng tạo, đổi mới, không chỉ còn là các nghị quyết lĩnh hội tư tưởng chỉ đạo từ nghị quyết, chỉ thị của Trung ương mà đã tập trung vào các vấn đề xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong phát triển kinh tế văn hóa xã hội của tỉnh. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có sự tập trung trí tuệ, lựa chọn những khâu then chốt, lĩnh vực đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, để chỉ đạo các bộ phận tham mưu giúp việc xây dựng, ban hành các nghị quyết chuyên đề đúng, trúng và đủ. Đặc biệt hơn, những nghị quyết chuyên đề trong nửa đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025 được xây dựng theo một quy trình chặt chẽ hơn, đầu tư công sức và phát huy trí tuệ tập thể cũng như có sự tham gia sát sao của người đứng đầu, trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

Khi nghị quyết được ban hành, đã giao cụ thể đến từng đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh ủy phụ trách từng nghị quyết chuyên đề, từ khâu chỉ đạo đến kiểm tra, giám sát thực thi các nghị quyết chuyên đề, mà không giao chung chung như những nhiệm kỳ trước. Trong đó, có Nghị quyết 10-NQ/TU về nông nghiệp nông thôn và Nghị quyết 20-NQ/TU về chuyển đổi số, đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết và trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban…

anh tin bai

Đồng chí Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Ngay sau khi nghị quyết chuyên đề được ban hành, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, các đảng bộ trực thuộc đã chỉ đạo ban hành chương trình hành động và hằng năm đều ban hành các kế hoạch để triển khai thực hiện. Trong đó, đã đưa ra các mục tiêu, giải pháp và phân công, trách nhiệm đối với các sở, ngành liên quan và các địa phương trong việc thực hiện. Không chỉ có Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, mà việc xây dựng nghị quyết chuyên đề đã được nhiều cấp ủy địa phương coi là một trong những giải pháp hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ khó khăn, đột xuất.

Đến nay, cơ bản các nghị quyết chuyên đề đã được triển khai thực hiện quyết liệt từ khâu lãnh đạo điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự năng động sáng tạo của mỗi địa phương, đơn vị, ngành chức năng trong tổ chức thực hiện, Do đó, ở mỗi nghị quyết, đều đã đạt được một số mục tiêu nhất định, đề ra cho nửa chặng đường. Điểm nổi bật đó là việc ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tạo sức bật cho nông thôn mới, các giải pháp mà nghị quyết đưa ra đã được các địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tế của địa phương. Nghị quyết đã tạo sự năng động, chủ động của các ngành, nhất là các địa phương, bởi chủ trương đã có, việc cụ thể hóa như thế nào phụ thuộc vào các ngành và địa phương. Do vậy, các ngành và địa phương đã phối hợp chặt chẽ hơn, chủ động hơn trong việc triển khai các nội dung thay vì trông chờ chỉ đạo của tỉnh.  

Nhận diện khó khăn cần tháo gỡ

Bên cạnh những gam màu sáng, tươi sắc trong bức tranh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Lào Cai nửa nhiệm kỳ đã qua cũng vẫn còn có những mảng trầm. Đó là những khó khăn, cần tháo gỡ ở mỗi địa phương, đơn vị trong khâu triển khai thực thi nghị quyết chuyên đề, để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống. Đơn cử như nhóm nghị quyết cho địa phương: thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát. Tình trạng chung của các địa phương là kết quả triển khai các nhiệm vụ chưa thực sự như mong muốn, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, một số mục tiêu năm 2023 của các địa phương đạt thấp; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, triển khai thực hiện một số dự án, công trình còn chậm, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch. Đặc biệt, chưa nghiên cứu, đề xuất, xây dựng, thực hiện các mô hình, cơ chế, chính sách riêng để tạo đột phá cho địa phương mình... chưa kêu gọi được nhiều nhà đầu tư tiềm năng, gắn bó lâu dài với địa phương.

Nguyên nhân chủ quan là do tinh thần trách nhiệm, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong triển khai công vụ; còn đùn đẩy, không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; một số cán bộ lãnh đạo quản lý chưa phát huy hiệu quả vai trò người đứng đầu. Trong điều hành không huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, cấp cơ sở không chấp hành nghiêm chỉ đạo của cấp trên; công tác phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan tư pháp của tỉnh còn chưa tốt; công tác phối hợp giữa các phòng, ban, giữa các cán bộ địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ còn chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư chưa khoa học, chưa dứt điểm các vấn đề nổi cộm trên địa bàn, có việc gây bức xúc cho công dân. Chưa có phương án tổng thể, đồng bộ, giải pháp toàn diện trong việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; công tác chỉ đạo không dứt diểm, không thống nhất; bố trí sử dụng cán bộ chưa khoa học, nhiều cán bộ chưa nắm vững chính sách, pháp luật, thiếu quyết liệt, không đưa ra được phương án giải quyết công việc; công tác nắm thông tin từ cơ sở còn chưa kịp thời...

Quyết liệt hành động

Thời gian của nửa cuối nhiệm kỳ, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết chuyên đề, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc, cấp ủy đảng các cấp tăng cường học tập, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết; từ đó xác định việc quan tâm triển khai thực hiện các nghị quyết là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Chỉ đạo, yêu cầu các đảng bộ trực thuộc, cấp ủy đảng phải thực sự vào cuộc quyết liệt, chi tiết, cụ thể hơn nữa trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay; gắn chặt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các Nghị quyết trên với các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chủ trì và phối hợp thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của từng Nghị quyết theo nhiệm vụ đã được phân công.

Chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc tổ chức, thực hiện các Nghị quyết của Ban chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay để kịp thời tham mưu với Tỉnh ủy các giải pháp chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhằm triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của các Nghị quyết. Đồng thời, đề nghị qua việc đánh giá kết quả thực hiện từng Nghị quyết sẽ lấy làm cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên hằng năm và cả nhiệm kỳ.

Đồng thời thành lập một số Ban chỉ đạo và phân công các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng ban; phân công các đồng chí Ủy viên ban Thường vụ, Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh để trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo các Nghị quyết theo nhóm lĩnh vực như: nhóm Nghị quyết đối với 03 địa phương (Sa Pa, Bát Xát, thành phố Lào Cai); nhóm Nghị quyết về chất lượng dân số và nguồn nhân lực; nhóm Nghị quyết về doanh nghiệp, quản lý khoáng sản; nhóm Nghị quyết về văn hóa, con người, du lịch; nhóm Nghị quyết về an ninh chính trị…

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương, sở ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phải “đúng vai, thuộc bài” trong chỉ đạo tổ chức thực hiện; cần quyết liệt, năng động sáng tạo, vận dụng hiệu quả vào thực tiễn địa phương, lĩnh vực. Trong đó, lãnh đạo ở cấp nào, lĩnh vực nào thì phải có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng…

Kết quả thực hiện 16 nghị quyết chuyên đề, khẳng định sự năng động, đổi mới trong cách lãnh đạo, điều hành, chọn vấn đề then chốt, lĩnh vực đột phá và xuất phát yêu cầu từ thực tiễn cơ sở, hướng mạnh mọi hoạt động về cơ sở, những nghị quyết chuyên đề, những chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai trong nửa nhiệm kỳ qua, cho thấy, đã đưa hiện thực cuộc sống vào nghị quyết, cũng từ đó để nghị quyết đi vào cuộc sống, khắc phục tình trạng lý luận suông, văn bản giấy tờ…

Những kết quả đó là tiền đề và nền móng vững chắc cho việc tiếp tục thực hiện hiệu quả và thành công các nghị quyết chuyên đề trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Trước mắt, trong năm 2024, thực hiệu chủ đề “Đoàn kết - Kỷ cương - Hành động - Hiệu quả - Phát triển”; đồng thời tiếp tục phấn đấu trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc.

 

 

 

Đ/c Hoàng Quốc Bảo - UV BCH, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn