Hiệu quả thiết thực từ một Nghị quyết giảm nghèo bền vững
        Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU  của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020, cùng với triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương đã tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo, tổ chức, cá nhân thay đổi cách nghĩ, cách làm và làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo từ trên 42% năm 2016 giảm xuống còn 12% năm 2020; thu nhập bình quân/người tăng cao. Si Ma Cai là huyện vùng cao duy nhất không còn xã lõi nghèo.

Nghị quyết số 22-NQ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai là Nghị quyết chuyên đề thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo sáng tạo của tỉnh trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng và hệ thống chính trị đối với huyện Si Ma Cai. Trong 06 năm qua, từ một huyện khó khăn của tỉnh, nghèo nhất cả nước, song với những chủ trương, quan điểm, định hướng đúng đắn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, sự quyết tâm phấn đấu nỗ lực của các cấp, các ngành đạt được những kết quả to lớn; tạo ra những bước đột phá để huyện Si Ma Cai giảm nghèo nhanh, bền vững. Các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt, cụ thể:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) duy trì ở mức cao, trung bình đạt 10,7%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tích cực trong từng ngành, gắn sản xuất với liên kết thị trường.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn có sự chuyển biến mạnh, khai thác tốt lợi thế, tập trung phát triển một số loại cây, con có giá trị kinh tế cao gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã tạo thương hiệu cho các sản phẩm đặc hữu của địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên 01 đơn vị canh tác đạt 38 triệu đồng/ha/năm (tăng 3 triệu đồng so với mục tiêu Nghị quyết), thu nhập bình quân đầu người đạt 31,5 triệu đồng/người/năm (vượt 11,5 triệu đồng so với mục tiêu Nghị quyết). Bước đầu đã chuyển đổi cơ cấu nội ngành nông nghiệp từ trồng trọt cho giá trị thấp sang chăn nuôi hàng hóa cho giá trị kinh tế cao hơn, tập quán chăn nuôi gia súc của người dân đang từng bước chuyển từ thả rông sang nuôi nhốt.

Tỷ lệ giảm nghèo đạt và cao hơn mục tiêu Nghị quyết đề ra, bình quân giảm trên 10%/năm, là huyện nghèo duy nhất không có các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 40% trở lên theo Nghị quyết số 20-NQ/TU; Thu nhập bình quân đầu người (năm 2013 mới có 9,6 triệu đồng/người/năm đến năm 2020 thu nhập bình quân/người/năm đạt 31,5 triệu đồng, vượt MTNQ).

Chất lượng giáo dục đào tạo từng bước được nâng lên, cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị được quan tâm. Duy trì tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát, kiểm soát dịch bệnh, trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm.

Kết cấu hạ tầng được thực hiện tốt; quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ từ trường học, trạm y tế, hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt... đến năm 2020, 100% các thôn bản đã có đường giao thông được cứng hóa, đi lại thuận tiện kể cả vào mùa mưa, đạt 100% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Các công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư đã phát huy tác dụng to lớn, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội của huyện, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo toàn huyện.

Hệ thống chính trị được huyện quan tâm củng cố; công tác điều động, luân chuyển cán bộ được quan tâm và thực hiện tốt đã góp phần nâng cao năng lực của hệ thống chính trị cơ sở. Cán bộ, công chức cấp xã cơ bản đã được củng cố và đạt chuẩn theo quy định. Quốc phòng, An ninh trật tự xã hội trên địa bàn được giữ vững.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác giảm nghèo của huyện Si Ma Cai trong giai đoạn vừa qua vẫn còn tồn  tại một số hạn chế như: Giá trị sản xuất trên ha canh tác tăng chậm (mới đạt 38 triệu đồng/ha), việc chuyển đổi cây trồng chậm, thu nhập thấp, giá cả nông sản không ổn định (ngô hàng hóa); tỷ lệ che phủ rừng còn thấp. Việc sử dụng nguồn vốn 2 tỷ đồng/xã/năm còn nhiều lúng túng, một số xã giải ngân còn chậm. Dự án đầu tư phát triển chăn nuôi giai đoạn 2015-2020, mới đạt khoảng 18,7% so với Kế hoạch được duyệt.  Công tác quản lý trật tự đô thị, đất đai còn hạn chế; vẫn còn tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, tảo hôn còn xảy ra; tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh chưa cao; mục tiêu khó đạt đó là: tỷ lệ bác sỹ/10.000 dân đạt 7 bác sỹ.

Trong giai đoạn tới, để giảm nghèo huyện Si Ma Cai tiếp tục thực sự hiệu quả, thực chất và bền vững, huyện Si Ma Cai tập trung triển khai thực hiện một số nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm:

Tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa nhằm tạo thu nhập bền vững cho nông dân thông qua việc thực hiện hiệu quả các dự án, mô hình như: dự án Ngân hàng bò, Dự án đầu tư phát triển chăn nuôi; phát triển mở rộng diện tích cây ăn quả ôn đới (mận Tả van, Lê xanh, Lê Tai nung, Sơn tra); Phát triển cây dược liệu (Tam thất, Đương quy, Ý dĩ ..); phát triển diện tích rau trái vụ nhằm tăng thu nhập cho nhân dân. Nhân rộng các giống vật nuôi bản địa được thị trường ưa chuộng (vịt Sín Chéng, gà đen, lợn địa phương) nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm bản địa. Cân đối các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới để nâng cao chất lượng dạy và học. Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, khắc phục tình trạng tảo hôn, sinh con thứ ba trên địa bàn. Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là cấp xã. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ và nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, từ đó làm thay đổi dần nhận thức của người dân trong việc tránh trông chờ ỷ lại vào nhà nước mà tự mình vươn lên làm giàu. Tích cực chỉ đạo chuyển đổi mạnh cơ cấu nội ngành nông nghiệp, cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, có liên kết thị trường. Thực hiện nhanh việc chuyển đổi các cây trồng có giá trị kinh tế cao, nâng cao hệ số sử dụng đất, nhằm nâng cao giá trị canh tác trên một đơn vị sử dụng đất. Tiếp tục đào tạo nghề cho lao động nhằm tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, nâng cao trình độ lao động. Tiếp tục đầu tư chương trình giảm nghèo bền vững; đầu tư phát triển các thành phần kinh tế tư nhân, tăng cường phát triển các mô hình hợp tác xã; ứng dụng khoa khọc kỹ thuật, ưu tiên đầu tư giống cây trồng, vật nuôi tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, phát triên thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đỗ Quang Thắng
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn