Hiệu quả từ công tác dân vận ở Lào Cai
Sau 3 năm triển khai Đề án “Nâng cao năng lực, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công tác vận động quần chúng giai đoạn 2011 - 2015” ở Lào Cai, đến nay, công tác dân vận trên địa bàn đã có những cách làm hay, sáng tạo, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác dân vận trong thời kỳ mới.
Hướng mạnh về cơ sở

 

Từ điều kiện cụ thể của địa phương, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2015, Tỉnh ủy Lào Cai đã phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công tác vận động quần chúng giai đoạn 2011 - 2015”. Trên cơ sở đó, Tỉnh uỷ Lào Cai đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giao cho UBND tỉnh, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc, bám sát chương trình hành động của Tỉnh uỷ, các chỉ thị, nghị quyết, các chương trình, dự án đầu tư của Trung ương, chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể của từng ngành, từng cấp nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án.

 

Việc chỉ đạo triển khai, thực hiện Đề án thời gian qua luôn gắn bó chặt chẽ với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”, “Về công tác dân tộc”, “Về công tác tôn giáo” thể hiện qua sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc đề xuất, xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chính sách liên quan đến đoàn kết toàn dân, công tác dân tộc, công tác tôn giáo, vừa mở rộng đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.

 

Các cấp, các ngành đã tăng cường hướng về cơ sở, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị làm công tác dân vận, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kịp thời giải quyết những bức xúc từ cơ sở; giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội để quần chúng hiểu rõ, không nghe, không tin, không làm theo các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết và gây mất ổn định về chính trị, xã hội.

 

Do đặc thù của địa phương có trên 64% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và có nhiều tôn giáo hoạt động trên địa bàn, địa phương đã chú trọng quan tâm chỉ đạo thực hiệu có hiệu quả Nghị quyết 30a, các chương trình của Chính phủ cũng như các chế độ, chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó, đời sống của người dân nơi đây tiếp tục được cải thiện.

 

Đặc biệt, thông qua việc tổ chức hội nghị biểu dương những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và tổ chức gặp mặt các đại biểu, người có uy tín của dân tộc Mông, dân tộc Dao để biểu dương, phát huy vai trò của người có uy tín và trưng cầu ý kiến trong việc phát triển kinh tế - xã hội, vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu, xây dựng nông thôn mới, phòng ngừa ngăn chặn di cư tự do… là cách làm hay, sáng tạo, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả công tác dân vận trong thời kỳ mới.

 

Công tác dân vận thể hiện rõ nét trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tổ chức triển khai có hiệu quả, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tham gia hưởng ứng tích cực. Thông qua việc thực hiện Quy định số 08-QĐ/TU của Tỉnh uỷ Lào Cai về một số nội dung tự giác đi đầu, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp trong việc học tập và làm theo, ký giao ước thi đua thực hiện, đến hết năm 2012, toàn tỉnh đã có 12.964 cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh đăng ký thực hiện Quy định, việc gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động của cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp nói riêng trong thời gian qua đã thực sự có nhiều chuyển biến tích cực.

 

Với phương thức hướng mạnh công tác vận động quần chúng về cơ sở theo phương châm "gần dân, sát cơ sở", tỉnh nắm chắc tình hình xã; huyện nắm chắc tình hình thôn, bản; xã nắm chắc tình hình từng hộ dân, theo đó, cấp uỷ từ tỉnh đến cơ sở đã phân công các đồng chí uỷ viên phụ trách từng địa bàn huyện, xã, thôn, trọng tâm là giúp đỡ các xã xây dựng nông thôn mới. Chẳng hạn, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thành lập các tổ giúp việc cho lãnh đạo giám sát các xã trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới; các xã, phường, thị trấn phân công đảng viên giúp đỡ các hộ đói, nghèo. Đây thực sự là bước đột phá trong công tác dân vận, bởi thông qua phương thức này, đã tăng cường hiệu quả lãnh đạo của cấp uỷ đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể; từng bước khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân.

 

Thi đua dân vận khéo

 

Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Lào Cai chú trọng thực hiện trên cả 3 lĩnh vực: Kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới. Đến nay, một số mô hình đã xây dựng hiệu quả, có sức lan toả trên địa bàn. Tiêu biểu là mô hình "Câu lạc bộ tuyên truyền ngăn chặn tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương" tại xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai của Đoàn Thanh niên; mô hình “Làng bản an ninh, trật tự xã hội” của Hội Cựu chiến binh; mô hình “Dân vận khéo” trong việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn tại các xã Cam Đường, Hợp Thành của thành phố Lào Cai…

 

Đặc biệt, Hội Phụ nữ tỉnh nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả; phát triển, củng cố tổ chức hội và hội viên, hướng mạnh về cơ sở, tập trung thực hiện tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững. Đến nay, Hội đã vận động tiết kiệm được 2,5 tỷ đồng cho 2.321 hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế gia đình; xây dựng 6 ngôi nhà “Mái ấm tình thương”; tổ chức 85 buổi tuyên truyền về phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em cho hơn 4.200 lượt người tại các xã biên giới; thành lập mô hình tự quản đường biên, mốc giới tại xã Trịnh Tường (Bát Xát)…

 

Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh tuyên truyền, tuần tra đảm bảo an ninh biên giới và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; tăng cường gắn bó với nhân dân thông qua các chương trình hành quân dã ngoại kết hợp giúp đỡ nhân dân tu sửa nhà cửa, làm đường giao thông, khám bệnh cho nhân dân, giao lưu văn nghệ, thể thao; tích cực đi đầu trong việc giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức học tập, tiếp thu các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận. Trong năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức Hội thi “Cán bộ Dân vận khéo năm 2013” với thành công ấn tượng; qua đó, đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu về xây dựng thế trận lòng dân từ công tác dân vận.

 

Mô hình Ban Tuyên-Vận - một sáng tạo từ cơ sở

 

Với sự sáng tạo từ cơ sở, Lào Cai đã tạo đột phá trong công tác dân vận, đó là việc thành lập mô hình Ban Tuyên-Vận xã, phường, thị trấn và tổ Tuyên-Vận thôn, bản. Tổ dân phố tại 36 xã, phường thực hiện điểm.

 

Bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2012, đến nay, tại các xã, phường thực hiện thí điểm mô hình này đã vận động nhân dân đóng góp được trên 30 tỷ đồng; có 3.580 hộ dân hiến gần 197 nghìn m2 đất để xây dựng đường giao thông, nhà văn hoá, trường học; nhiều gương điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng nông thôn mới đã được các cấp có thẩm quyền ghi nhận biểu dương.

 

Thực tiễn thực hiện thí điểm cho thấy, những xã điểm có mô hình Tuyên-Vận thì công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở cơ sở đều mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là trong việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới và xoá đói giảm nghèo. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đã góp phần làm thay đổi nhận thức, hành động của các tầng lớp nhân dân trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

 

Đánh giá hiệu quả đạt được của mô hình và yêu cầu thực tiễn, từ tháng 4/2013, Tỉnh uỷ Lào Cai đã ban hành Kế hoạch mở rộng mô hình Tuyên-Vận, nâng tổng số đơn vị thực hiện mô hình Tuyên-Vận trong toàn tỉnh lên 76 xã, phường, thị trấn.

 

Bên cạnh đó, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Năm 2012, toàn tỉnh có 1.319/2.199 khu dân cư văn hoá (tăng 94 khu so với năm 2011) và số hộ đạt gia đình văn hoá chiếm 73,8% so tổng số hộ trong tỉnh. Hơn nữa, các tầng lớp nhân dân luôn hăng hái hưởng ứng tham gia ngày hội “Đoàn kết toàn dân” trong dip kỷ niệm ngày Mặt trận dân tộc thống nhất vào ngày 11/8 hàng năm.

 

Bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác dân vận ở Lào Cai, trước hết là có sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng các cấp, sự tạo điều kiện của chính quyền cùng với sự phối hợp thường xuyên, đồng bộ của các cấp, các ngành; đội ngũ cán bộ trong hệ thống dân vận, Mặt trận và các đoàn thể không ngừng tu dưỡng, rèn luyện học tập, nâng cao trình độ, năng lực công tác thực tiễn để làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và thực hiện tốt công tác dân vận khéo.

 

Làm tốt công tác dân vận chính là phát huy sức mạnh nội lực của toàn dân vào việc khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà Đảng bộ Lào Cai đã đề ra; đồng thời, tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư và góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân vào việc xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, củng cố quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân ./.

 Tác giả: Theo dangcongsan@cpv.org.vn
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn