Mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động với nhiều mục tiêu phấn đấu ở mức cao.

Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm nội dung nghị quyết được triển khai sâu rộng, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số; cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu việc triển khai phải bảo đảm tính toàn diện, quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với nhiều giải pháp đột phá và liên kết chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, lĩnh vực; bám sát các điều kiện kinh tế, xã hội và nguồn lực của tỉnh Lào Cai; đúng tiến độ, hiệu quả, điều chỉnh kịp thời khi phát sinh vấn đề. Mục tiêu, kết quả phải đo lường được và có sản phẩm cụ thể. Phối hợp hiệu quả giữa ngân sách nhà nước, nguồn lực xã hội và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai chương trình.

Mục tiêu tổng quát là phát huy vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Lào Cai, xây dựng môi trường sống và làm việc số hóa toàn diện. Đưa Lào Cai trở thành địa phương tiên phong trong ứng dụng và phát triển công nghệ số, đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, hội nhập quốc tế.

Kết hợp giữa công nghệ số, tăng trưởng xanh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí carbon, thích ứng và phòng chống biến đổi khí hậu. Nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI) thông qua cải thiện giáo dục, y tế, thu nhập và an sinh xã hội, xây dựng một xã hội thịnh vượng, văn minh và bền vững.

Các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 được xác định: 100% cán bộ, công chức, viên chức và trên 80% người dân nông thôn, 100% người dân đô thị, 100% doanh nghiệp, hợp tác xã được tuyên truyền, đào tạo về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. 100% cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo hướng thực tế, thực hành và thực nghiệm; 100% học sinh, sinh viên được cá thể hóa giáo dục trên môi trường số.

Phủ sóng 5G tiến tới 6G toàn tỉnh. Xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu cấp tỉnh đạt chuẩn quốc gia, tích hợp công nghệ điện toán đám mây và dữ liệu lớn (Big Data). Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh đối với thành phố Lào Cai và các phường thuộc thị xã Sa Pa và các khu đô thị trọng điểm của tỉnh: thị trấn Bắc Hà mở rộng, Bảo Hà - Tân An, Đô thị khu vực cảng hàng không Sa Pa, thị trấn Bát Xát mở rộng, khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Chú trọng thu hút tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến lược của tỉnh, có ít nhất 1 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam hoặc 1 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Lào Cai.

Nghiên cứu hình thành quỹ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, xây dựng các vườm ươm khởi nghiệp tại Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai, Trường Cao đẳng Lào Cai, Trường THPT Chuyên Lào Cai và một số trường trọng điểm.

Kinh tế số đóng góp tối thiểu 20% GRDP của tỉnh. Tỷ trọng thương mại điện tử trong kinh tế số, tỷ trọng GRDP lĩnh vực du lịch, dịch vụ cao hơn mức trung bình của cả nước. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt mức cao trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. 100% doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh và quản trị.

Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt trong các hoạt động kinh tế - xã hội đạt tỷ lệ 80%. Bảo đảm 100% người dân có khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tăng cường các nền tảng số trong y tế, giáo dục, văn hóa, và các lĩnh vực thiết yếu. Phấn đấu tăng 10 bậc chỉ số phát triển con người (HDI).

Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40%. Số văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp được cấp tăng 30% so với giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ khai thác thương mại đạt 8%. Đến năm 2030, tối thiểu 50% lao động được trang bị kỹ năng số cơ bản và 20% có kỹ năng số chuyên sâu.

Tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các lĩnh vực: nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp xanh, văn hóa, y tế, giáo dục, du lịch, thương mại nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Hệ thống tổ chức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được sắp xếp lại bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo, hướng tới nâng cao mức tự chủ. Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu khu vực trung du và miền núi phía Bắc về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo tăng gấp 2 lần so với năm 2025.

Đưa hoạt động chỉ đạo, quản lý và điều hành của các cơ quan trong hệ thống chính trị, 100% hoạt động tác nghiệp của các cơ quan điều hành khối chính quyền lên môi trường số; kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung kết nối liên thông với hệ thống quốc gia.

Phát triển trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng của tỉnh để bảo vệ dữ liệu cá nhân và tổ chức. Đào tạo đội ngũ chuyên gia an toàn, an ninh mạng đủ năng lực bảo vệ hạ tầng số của tỉnh. Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu và an toàn thông tin; ngăn chặn hiệu quả tội phạm công nghệ cao, lừa đảo trên môi trường số.

Bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách địa phương hằng năm cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu phát triển.

Tầm nhìn đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển, có thu nhập cao. Tỉnh Lào Cai trở thành một trung tâm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu khu vực trung du, miền núi phía Bắc, với các đặc điểm nổi bật sau:

Các hoạt động của hệ thống chính trị được vận hành trên nền tảng số, bảo đảm minh bạch, hiệu quả và phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, thuận tiện. Đạt mức độ hiện đại hóa cao trong quản lý công, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và blockchain để đưa ra quyết định chính xác, kịp thời.

Kinh tế số chiếm trên 40% GRDP của tỉnh, với hạ tầng số đồng bộ, hiện đại. Các doanh nghiệp trên địa bàn ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh và quản lý, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Người dân Lào Cai sử dụng công nghệ số trong mọi khía cạnh cuộc sống như học tập, y tế, giải trí, giao tiếp và làm việc. Các dịch vụ công trực tuyến được cá nhân hóa, đáp ứng tối đa nhu cầu của từng người dân và tổ chức.

Chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII) và Chỉ số chuyển đổi số (DTI) đứng thứ 20 trở lên trong các tỉnh, thành phố.

 

 

Nguyễn Huy Long – Phó trưởng Phòng Tổng hợp.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn