Đẩy mạnh hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Phong trào “Bình dân học vụ số”.
Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã khẳng định rõ: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Kế hoạch hành động số 334-KH/TU, trong đó xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung Nghị quyết số 57-NQ/TW trên địa bàn tỉnh. Một số nghiệm vụ chính quan trong cần được các cấp, các ngành tập trung thực hiện trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của tỉnh Lào Cai.
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách và mô hình tổ chức: Kiện toàn bộ máy tổ chức khoa học và công nghệ theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động cho cơ sở. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của tỉnh liên quan đến khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích tinh thần khởi nghiệp công nghệ, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới. Thành lập Hội đồng tư vấn cấp tỉnh, thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành liên cấp, giao rõ trách nhiệm đơn vị thực hiện, kiểm tra giám sát. Áp dụng linh hoạt cho vùng dân tộc thiểu số, biên giới; quy định hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ vùng cao.
Thứ hai, đầu tư và phát triển hạ tầng số đồng bộ và thông minh, trong đó quan tâm đến: xây dựng trung tâm dữ liệu tỉnh; mở rộng phủ sóng internet tốc độ cao, 5G đến các xã vùng cao đặc biệt ưu tiên đến vùng lõm sóng, vùng đông đồng bảo dân tộc thiểu số; Xây dựng trung tâm điều hành thông minh triển khai quản lý đô thị thông minh.
Thứ ba, xây dựng Chính quyền số hiện đại, đồng bộ tập trung vào: số hóa thủ tục hành chính; kết nối tích hợp liên thông các cơ sở dữ liệu (dân cư, đất đai, doanh nghiệp, an sinh xã hội, y tế…); ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong một số hoạt động như: dự báo thiên tai, quản lý tài nguyên, giáo dục đào tạo, y tế…
Thứ tư, phát triển hạ tầng nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo hiện đại. Tỉnh Lào Cai sẽ xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm phục vụ trực tiếp cho thế mạnh của tỉnh: công nghệ sinh học ứng dụng trong dược liệu, nông nghiệp hữu cơ vùng cao; công nghệ xanh cho chế biến nông sản và khoáng sản; ứng dụng (AI, IoT) phục vụ du lịch thông minh, logistics và nông nghiệp số.
Định hướng nghiên cứu ứng dụng sát với thực tiễn. Tỉnh Lào Cai sẽ tập trung hỗ trợ các đề tài, dự án nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực: Nông nghiệp vùng cao, dược liệu bản địa, bảo vệ môi trường, y tế cộng đồng; Ứng dụng IoT, GIS (Hệ thống tích hợp quản lý liên quan đến vị trí địa lý), AI vào tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp, cảnh báo thiên tai, giám sát môi trường. Mọi nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải được xét duyệt kỹ lưỡng, đảm bảo khả năng ứng dụng thực tiễn và tạo ra giá trị gia tăng rõ rệt.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khao học và công nghệ: Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng trung tâm R&D, phòng thí nghiệm công nghệ. Đặt hàng doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tăng cường cơ chế hợp tác công - tư trong chuyển giao công nghệ, đầu tư sáng tạo.
Nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực KH&CN. Tỉnh xác định phải đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như: AI, dữ liệu lớn, IoT, logistics, công nghệ sinh học ứng dụng: Xây dựng chương trình đào tạo, học bổng STEM tại các trường phổ thông, chuyên nghiệp. Hợp tác với đại học, viện nghiên cứu lớn trong và ngoài nước để thu hút chuyên gia, giảng viên, nhà nghiên cứu, kể cả đội ngũ trí thức Lào Cai đang công tác tại trung ương và quốc tế.
Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và liên kết vùng trong đó nghiên cứu 1 số định hướng như: Mở rộng hợp tác với Đại học Thái Nguyên, Đại học quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ, các tổ chức quốc tế… Nghiên cứu tổ chức hội chợ công nghệ, diễn đàn khoa học – đổi mới sáng tạo vùng Tây Bắc; Tham gia các chương trình liên kết vùng trong nông nghiệp, du lịch, giáo dục, y tế.
Tăng đầu tư công và thu hút đầu tư cho khoa học và công nghệ: Đến năm 2030, chi ngân sách địa phương cho khoa học và công nghệ chiếm 1,5%, tiến tới 3% vào năm 2045. Khuyến khích thành lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu, quỹ đổi mới sáng tạo, cơ chế đặt hàng đề tài có hiệu quả.
Thứ năm, tiếp nối Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới đã khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và yêu cầu phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là giải pháp then chốt để tỉnh bứt phá khỏi các hạn chế cố hữu về địa hình, kết nối và chênh lệch vùng miền. Vì vậy phải thúc đẩy kinh tế số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Mở rộng các nền tảng du lịch số, thương mại điện tử trong sản phẩm OCOP; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số quy trình sản xuất…
Kiến tạo hạ tầng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện đại và chuyên nghiệp. Tỉnh sẽ nghiên cứu xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Lào Cai, là hạt nhân trung tâm của hệ sinh thái. Trung tâm sẽ kết nối không gian làm việc chung, vườn ươm doanh nghiệp, phòng thí nghiệm công nghệ và tổ chức các sự kiện, diễn đàn đổi mới sáng tạo thường xuyên. Song song đó, sẽ phát triển các vườn ươm chuyên biệt như: Vườn ươm khởi nghiệp dược liệu và nông nghiệp công nghệ cao. Chương trình tăng tốc khởi nghiệp du lịch thông minh tại Sa Pa.
Hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính và cơ chế. Tỉnh sẽ nghiên cứu xúc tiến thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh, theo mô hình đồng tài trợ cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư tư nhân. Đồng thời, xây dựng cơ chế tín dụng ưu đãi, bảo lãnh vay vốn, miễn giảm thuế phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt trong những năm đầu hình thành.
Thúc đẩy sáng tạo thông qua cơ chế thử nghiệm linh hoạt – sandbox. Lào Cai sẽ triển khai sandbox (các mô hình cơ chế thử nghiệm có kiểm soát) đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực đặc thù như: Fintech tại khu kinh tế cửa khẩu. Du lịch cộng đồng ở Sa Pa, Bát Xát, Nông nghiệp công nghệ cao ở vùng cao biên giới.
Đầu tư phát triển nguồn nhân lực và văn hóa khởi nghiệp. Nghiên cứu đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy của các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích hình thành mạng lưới cố vấn khởi nghiệp từ các doanh nhân, chuyên gia có kinh nghiệm để đồng hành cùng các bạn trẻ. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, tôn vinh các tấm gương điển hình, từng bước xây dựng văn hóa “dám nghĩ, dám làm”, coi đổi mới là một phần thiết yếu trong phát triển xã hội.
Kết nối mạnh mẽ liên vùng và quốc tế. Tỉnh đặt mục tiêu hình thành mạng lưới khởi nghiệp Tây Bắc, liên kết với các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên. Đồng thời mở rộng hợp tác với các thành phố, đối tác quốc tế như TP.HCM, Singapore, Vân Nam (Trung Quốc)... nhằm trao đổi, học hỏi và đưa startup Lào Cai ra khu vực và thế giới.
Phát triển các sản phẩm đổi mới sáng tạo gắn với thế mạnh địa phương. Tỉnh Lào Cai khuyến khích các startup khai thác thế mạnh của Lào Cai để tạo ra sản phẩm đặc trưng, có giá trị gia tăng cao, như: Chuỗi sản phẩm dược liệu sạch từ tam thất, atiso, thảo quả… Ứng dụng công nghệ trong du lịch cộng đồng và văn hóa dân tộc. Chế biến sâu nông sản vùng cao. Sàn thương mại điện tử và dịch vụ logistics biên giới.
Thứ sáu, lấy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm đòn bẩy chiến lược cho từng ngành kinh tế trọng điểm: Đối với Công nghiệp chế biến - chế tạo: Lào Cai là địa phương có trữ lượng lớn apatit, đồng, sắt, đất hiếm. Tuy nhiên, giá trị gia tăng từ khai thác thô còn thấp. Vì vậy cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại chế biến sâu, giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Đối với Kinh tế cửa khẩu, logistics: Trong xu hướng hiện đại hóa giao thương quốc tế, cần nghiên cứu đầu tư xây dựng mô hình Cửa khẩu thông minh Lào Cai – Hà Khẩu dựa trên nền tảng công nghệ số: tự động hóa quy trình khai báo, kiểm tra; kết nối cơ sở dữ liệu song phương; ứng dụng blockchain và AI trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa…
Du lịch xanh, du lịch thông minh: Các điểm đến như Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý… cần từng bước số hóa dữ liệu di sản, lễ hội, dịch vụ lưu trú; triển khai ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động, hỗ trợ du khách tra cứu thông tin, đặt dịch vụ, phản hồi chất lượng; phối hợp phát triển bản đồ du lịch số, hệ thống camera thông minh tại các khu du lịch trọng điểm, nền tảng tương tác thực tế ảo để quảng bá hình ảnh Lào Cai tới thị trường trong nước và quốc tế.
Nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp xanh: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ IoT, cảm biến môi trường, hệ thống tưới thông minh, giám sát dinh dưỡng cây trồng tại các mô hình trồng dược liệu, rau ôn đới, chè hữu cơ. Đồng thời, xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc, nhật ký điện tử sản xuất giúp nông sản Lào Cai tiếp cận thị trường xuất khẩu chất lượng cao. Việc ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong quy hoạch vùng trồng cũng giúp tối ưu hóa sử dụng đất và tăng hiệu quả sản xuất.
Thứ bảy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số; tổ chức các chương trình hợp tác đào tạo công nghệ thông tin với các trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong nước; khuyến khích đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng số cho thanh niên, phụ nữ vùng cao.
Hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu lớn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học quốc gia Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông để tổ chức các khóa đào tạo công nghệ thông tin, dữ liệu số, an toàn mạng ngay tại địa phương. Tổ chức lớp học số vùng cao, dạy kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh, bán hàng online, tiếp cận dịch vụ công cho người dân ở Si Ma Cai, Bắc Hà, Văn Bàn. Thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, cử cán bộ trẻ, giáo viên trẻ về xã hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, giáo dục và y tế. Đào tạo ngoại ngữ ứng dụng tiếng Trung, tiếng Anh cho phụ nữ, thanh niên vùng du lịch và biên giới để phục vụ du khách, mở rộng giao thương. Đồng thời, tỉnh sẽ xây dựng quỹ học bổng kỹ năng số, hỗ trợ học sinh giỏi, học sinh dân tộc thiểu số theo học các khóa lập trình, tin học ứng dụng qua nền tảng trực tuyến.
Thứ tám, tăng cường hợp tác quốc tế và liên kết vùng trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo: Thúc đẩy xây dựng khu công nghiệp qua biên giới, cửa khẩu thông minh theo cam kết cấp cao Việt - Trung; tăng cường hợp tác phát triển công nghệ sinh học, nông nghiệp số với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; huy động các tổ chức quốc tế hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho chương trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 57-NQ/TW, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số, một trong những nội dung trọng tâm là cần thực hiện rộng khắp Phong trào “Bình dân học vụ số” - một sáng kiến xã hội hóa mạnh mẽ được học tập từ phong trào “Bình dân học vụ” xóa nạn mù chữ trong toàn dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát động 80 năm trước đem ánh sáng tri thức đến với nhân dân; “Bình dân học vụ số” hôm nay đặt mục tiêu phổ cập kiến thức, kỹ năng số đến từng người dân, từng hộ gia đình. Chuyển đổi số thành công không chỉ nhờ vào công nghệ, mà trên hết là nhờ con người biết sử dụng công nghệ. Đây không chỉ là một phong trào mang tính giáo dục cộng đồng, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ cho phương châm “Không ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số”. Từ đây mỗi người dân Lào Cai sẵn sàng tự tin làm chủ cuộc sống trong môi trường số.
Để phong trào “Bình dân học vụ số” trở thành cuộc vận động lớn, lan tỏa rộng khắp và đi vào chiều sâu, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Đồng thời, cần huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội, sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ, tổ chức xã hội, đặc biệt là đoàn viên thanh niên, giáo viên, sinh viên, lực lượng tình nguyện viên trong công tác đào tạo, hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân.
Tăng cường truyền thông hướng tới người dân, lưu ý quan tâm đến đối tượng yếu thế là người dân vùng sâu, vùng xa, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, khuyết tật. Các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh (Báo Lào Cai, Cổng thông tin điện tử…) cần đổi mới hình thức tuyên truyền: sử dụng ngôn ngữ giản dị, hình ảnh trực quan, video minh họa ngắn gọn, phát qua loa truyền thanh cơ sở, mạng xã hội (Zalo, Facebook, YouTube...), tổ nhóm cộng đồng... để người dân dễ nghe, dễ hiểu, dễ làm theo. Đồng thời, phát động các chiến dịch truyền thông sáng tạo như “Ngày hội toàn dân học tập số”, “Tuần lễ công dân số”, “Câu chuyện chuyển đổi số mỗi bản làng” để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ từ cơ sở.
Các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” với trọng tâm là gắn chặt với đời sống thực tiễn của người dân và theo từng nhóm đối tượng cụ thể. Lồng ghép nội dung đào tạo, phổ cập kỹ năng số vào các chương trình như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, giáo dục thường xuyên, cải cách hành chính.
Tổ chức các lớp học tại nhà văn hóa thôn, hướng dẫn cách bán hàng qua mạng xã hội, sử dụng ví điện tử, tra cứu thông tin thị trường, thời tiết nông vụ. Triển khai mô hình “Chợ phiên số”, tổ chức các buổi tập huấn sử dụng Zalo để kết nối tiêu thụ nông sản, hướng dẫn đặt lịch khám bệnh trực tuyến, hướng dẫn sử dụng ứng dụng VNeID… Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng số, an toàn thông tin mạng, sử dụng AI trong học tập qua câu lạc bộ công nghệ số, lồng ghép vào môn học tin học và giáo dục công dân. Tập trung sử dụng các phần mềm quản lý sản xuất, kinh doanh, kỹ năng thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số trong các ngành đặc thù của Lào Cai như du lịch, nông nghiệp, logistic, các kỹ năng đảm bảo an toàn số. Triển khai chuyên đề “Đảng viên tiên phong học tập kỹ năng số”, tập huấn sử dụng các nền tảng số hành chính.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy mạnh mẽ vai trò kết nối, giám sát và thúc đẩy phong trào từ cơ sở, lấy việc nâng cao năng lực số cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm. Tổ chức các đợt khảo sát, đánh giá nhu cầu học kỹ năng số của người dân theo từng nhóm đối tượng.
Hành trình chuyển đổi số là hành trình dài và khó khăn đối với Lào Cai, nhưng cũng là cơ hội để tỉnh bứt phá vươn lên, rút ngắn khoảng cách với các tỉnh, thành phố phát triển trong cả nước. Với ý chí, quyết tâm và khát vọng vươn lên của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh, cùng với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự đồng hành của toàn hệ thống chính trị, tỉnh Lào Cai sẽ thành công trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó Phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ trở thành niềm tự hào mới của Lào Cai trên bản đồ chuyển đổi số quốc gia./.