Nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/ 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động, đề ra nhiều mục tiêu phấn đấu cao, trong đó xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đạt được các mục tiêu đề ra, với một số điểm nổi bật.

Quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban. Thành lập ban chỉ đạo của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị do người đứng đầu làm trưởng ban. Người đứng đầu phải gương mẫu trong việc nâng cao nhận thức, tích cực ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành và tạo động lực cho toàn bộ cán bộ, nhân viên. Nhiệm vụ về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một phần không thể thiếu trong chương trình công tác của các cấp, các ngành, các địa phương.

Tổ chức hội thảo, tọa đàm, và chương trình truyền thông tại địa phương với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực. Phát động chiến dịch tuyên truyền; đẩy mạnh truyền thông qua các nền tảng số với nội dung trực quan; tổ chức các cuộc thi trực tuyến, các cuộc thi sáng tạo về giải pháp công nghệ; thát động thi đua. Xây dựng mô hình số: “Xã số - dịch vụ công trực tuyến toàn trình”; "Huyện thông minh với quản lý tập trung dữ liệu"; "Sở thông minh - Quản trị số toàn diện"; "Đơn vị sự nghiệp số - Hiệu quả, minh bạch, hiện đại"; "Phòng ban số - Quản lý và vận hành hiệu quả"; "Tổ chức chính trị - xã hội số - Cầu nối giữa chính quyền và nhân dân"; "Doanh nghiệp số - Tăng trưởng bền vững, sáng tạo và hiện đại"; "Trường học thông minh - Nền tảng giáo dục số"; "Y tế hiện đại - Sức khỏe số"; "Thôn, tổ dân phố kết nối - Cộng đồng số gắn kết". Mô hình vườn ươm khoa học, công nghệ; mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Mô hình chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ.

Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện cơ chế, chính sách; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

 

Ưu tiên sửa đổi các quy định hạn chế quyền tự chủ trong nghiên cứu, phát triển công nghệ và sử dụng nguồn lực tài chính cho đổi mới sáng tạo; bổ sung cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân thử nghiệm công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới; đề xuất các quy định hỗ trợ đặc thù cho phát triển nhân lực tỉnh Lào Cai trong việc triển khai chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ.

Triển khai chính sách thuê chuyên gia. Nghiên cứu chính sách đủ mạnh để thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; thu hút, đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Cải cách quy trình quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, bảo đảm phù hợp với từng loại hình nghiên cứu. Giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học cho các tổ chức, cá nhân. Phân bổ ít nhất 3% tổng chi ngân sách hàng năm cho phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số tại tỉnh. Áp dụng cơ chế quỹ trong việc tài trợ cho các dự án nghiên cứu, phát triển công nghệ và chuyển đổi số. Xây dựng cơ chế khuyến khích mua sắm công đối với các sản phẩm, giải pháp công nghệ do doanh nghiệp địa phương phát triển.

Phủ sóng mạng di động 5G tiến tới 6G trên địa bàn toàn tỉnh; tích hợp cảm biến và công nghệ IoT vào các công trình hạ tầng thiết yếu; phát triển các cụm công nghiệp IoT di động; triển khai hệ thống giám sát và điều hành đô thị thông minh, tích hợp công nghệ IoT và AI.

Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm khu vực tại Lào Cai. Thành lập Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; phát triển Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông trở thành đơn vị chủ lực về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đủ năng lực ứng dụng, triển khai, từng bước làm chủ công nghệ số, nền tảng số, hạ tầng số; làm đầu mối điều phối, giám sát, thu thập dữ liệu, cung cấp thông tin hỗ trợ điều hành của các cấp chính quyền; kết nối chính quyền với người dân; hỗ trợ, phục vụ người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ số; triển khai nền tảng số tới người dân doanh nghiệp góp phần thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đối số trên địa bàn tỉnh.

Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đẩy mạnh phương thức giáo dục tích hợp Khoa học, Kỹ thuật, Công Nghệ, Toán học (STEM) và nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hợp tác với các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao. Tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng số ngắn hạn và trung hạn cho công nhân, nông dân, và nhân viên các doanh nghiệp. Cung cấp khóa học trực tuyến miễn phí hoặc hỗ trợ chi phí cho người dân để tiếp cận kiến thức số.

Xây dựng chương trình học bổng, ưu đãi học phí dành cho giảng viên, nghiên cứu viên, học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển các chương trình đào tạo đặc biệt dành cho tài năng trẻ trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, blockchain. Hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn để triển khai chương trình đào tạo chuyên sâu, kết hợp thực hành tại doanh nghiệp. Liên kết với các tổ chức quốc tế để đưa các chương trình đào tạo tiên tiến về địa phương. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực, thông qua hình thức tài trợ hoặc hợp tác tổ chức đào tạo.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh

Phát triển nền tảng chính quyền số, triển khai hệ thống giám sát và điều hành thông minh tại tỉnh. Áp dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và blockchain để tối ưu hóa quy trình quản lý công.

Ứng dụng công nghệ số trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của các cấp ủy đảng. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, và quản trị. Tăng cường khuyến khích sử dụng giao dịch không dùng tiền mặt. Đẩy mạnh ứng dụng sản xuất thông minh trong các ngành trọng điểm như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, và logistics. Khuyến khích phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, và ứng dụng di động phục vụ cho nhiều ngành kinh tế. Tích hợp công nghệ vào dịch vụ du lịch, tạo nền tảng đặt phòng, thanh toán, và hướng dẫn du lịch thông minh. Xây dựng bản đồ số và hệ thống thông tin du lịch số để quảng bá điểm đến của tỉnh.

Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình thông quan hàng hóa. Phát triển nền tảng số kết nối các cơ quan hải quan, doanh nghiệp logistics và các bên liên quan. Triển khai hệ thống giám sát thời gian thực tại cửa khẩu, quản lý lưu lượng phương tiện, và tối ưu hóa hoạt động thương mại qua biên giới. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu địa phương kết nối với các nền tảng thương mại số toàn cầu. Triển khai các hệ thống thuế điện tử để tự động hóa việc kê khai, thu thuế và hoàn thuế.

Phát triển các nền tảng giáo dục trực tuyến, y tế từ xa, và các dịch vụ số phục vụ đời sống người dân. Xây dựng hệ sinh thái số an toàn, thúc đẩy phát triển mạng xã hội Việt Nam và văn hóa số phù hợp với bản sắc dân tộc.

Hợp tác với các tổ chức quốc tế để phát triển công nghệ và đào tạo nhân lực số. Liên kết với các tỉnh, thành phố khác để triển khai các dự án số hóa liên vùng. . Quy hoạch và xây dựng khu công nghiệp tập trung bảo đảm hạ tầng cho hoạt động của các doanh nghiệp ICT, thu hút các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông và phần mềm. Thu hút các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào các dự án chuyển đổi số tại tỉnh Lào Cai.

 

Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Triển khai các chương trình phát triển tài sản trí tuệ; nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá; truy suất nguồn gốc; thông báo, hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật (TBT) trong thương mại. Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh và quản trị. Cung cấp các chương trình tư vấn, đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Xây dựng các mô hình thí điểm doanh nghiệp chuyển đổi số thành công để nhân rộng. Khuyến khích sử dụng các nền tảng số quốc gia và địa phương trong quản lý doanh nghiệp và giao dịch thương mại.

Phát triển mô hình câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh. Kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp với các quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư.

Tổ chức các chương trình đào tạo về thương mại điện tử. Hỗ trợ kinh phí để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ. Hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp tham gia các dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Ứng dụng triển khai hệ thống năng lượng tái tạo tại các khu công nghiệp. Xây dựng hệ thống lưu trữ năng lượng để bảo đảm hoạt động liên tục. Áp dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng nước và xử lý chất thải công nghiệp hiện đại. Xây dựng hệ thống quản lý tài nguyên, theo dõi mức tiêu thụ và phát thải khí nhà kính.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Tích cực tham gia thiết lập quan hệ hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước về các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ sinh học, và công nghệ bán dẫn. Tổ chức các hội thảo quốc tế để trao đổi kiến thức về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài thành lập văn phòng, trung tâm nghiên cứu và phát triển tại tỉnh Lào Cai; mời gọi các doanh nghiệp công nghệ quốc tế đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như năng lượng tái tạo, AI, IoT… và sản xuất thông minh. Hợp tác với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc về dữ liệu số và kinh tế số trong các khuôn khổ hợp tác. Thu hút các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào các dự án chuyển đổi số tại tỉnh Lào Cai.

Hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế trong phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ sạch. Triển khai các dự án bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, giảm phát thải carbon với sự hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài. Số hóa dữ liệu tài nguyên rừng để chuẩn bị các điều kiện trao đổi quốc tế trong giao dịch tín chỉ carbon.

Giám sát và đánh giá. Tạo lập cơ chế giám sát chặt chẽ và hệ thống đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm trong quá trình thực hiện các chương trình. Khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ trong các chương trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Xử lý nghiêm các sai phạm, chậm trễ hoặc lãng phí trong thực hiện các chương trình. Đưa ra các biện pháp khắc phục cụ thể đối với những lĩnh vực, dự án còn yếu kém./.

 

Nguyễn Huy Long – Phó trưởng Phòng Tổng hợp.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn