Một số đổi mới trong công tác Dân vận của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Bảo Yên.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trong công tác xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là “Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác dân vận”, chú trọng đổi mới công tác dân vận, trọng tâm là đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nắm tình hình nhân dân. 

Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác dân vận, đồng thời bám sát các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội của Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, hệ thống dân vận các cấp trong huyện Bảo Yên đã tập trung tham mưu cho cấp ủy nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận theo hướng “đổi mới, gần dân, trọng dân”, gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác dân vận được tập trung, đẩy mạnh hướng về cơ sở. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXII đã ban hành Đề án số 10- ĐA/HU “Nâng cao hiệu quả công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền vận động huyện Bảo Yên, giai đoạn 2020 – 2025”; Đề án số 07- ĐA/HU “Đổi mới hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Bảo Yên, giai đoạn 2020 – 2025”. Ngay sau khi Đề án được ban hành, BTV Huyện ủy đã triển khai, quán triệt kịp thời và ban hành Chương trình thực hiện các hoạt động dân vận tại cơ sở, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện” và tổ chức thực hiện định kỳ hàng năm. Các hoạt động dân vận được trực tiếp thực hiện tại cơ sở và được chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu khảo sát thực tế, xác định các nội dung phần việc phải thực hiện tại từng địa bàn; huy động sự chung tay hỗ trợ về kinh phí, ngày công của các cơ quan, ban ngành, địa phương, doanh nghiệp, CBCC và người dân, trong đó chú trọng vào việc tuyên truyền, vận động Nhân dân.

anh tin bai
 Huyện ủy Bảo Yên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân, chính quyền địa phương bị ảnh hưởng do hoàn lưu bão số 3.

Các hoạt động tại cơ sở được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chú trọng vào việc tham gia lao động vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại, xử lý rác thải, trồng hoa, trồng cây xanh, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp; tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn; tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân; xóa nhà tạm cho hộ nghèo; hướng dẫn nhân dân chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh... các công trình, phần việc phù hợp, góp phần xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2021 đến nay, huyện và các cơ sở tổ chức được 126 Chương trình ra quân thực hiện các hoạt động dân vận tại cơ sở huy động được sự ủng hộ về vật chất và ngày công trên trị giá gần 10 tỷ đồng thực hiện các công trình, phần việc với trên 20.000 lượt cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và Nhân dân tham gia (Cấp huyện tổ chức được 05 Chương trình).

 Đổi mới mạnh mẽ công tác dân vận chính quyền thông qua Mô hình Dân vận khéo xây dựng “Chính quyền thân thiện”. Triển khai xây dựng mô hình được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2025; hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung công tác "Chính quyền thân thiện” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trọng tâm là làm tốt các bước công khai, dân chủ, vận động Nhân dân đồng thuận trong giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính; giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của Nhân dân.  “Chính quyền thân thiện” được vận hành dưới mô hình Dân vận khéo và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, thực hiện từ nhiều hành động nhỏ, nhiều việc làm cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện. Các hoạt động của chính quyền thân thiện đã góp phần tháo gỡ, giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nổi bật như: Năm 2022-2023, là huyện đứng top đầu khối các huyện, thị xã, thành phố về chỉ số cải cách hành chính; chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong tỉnh; huyện triển khai thực hiện đầu tư xây dựng 137 tuyến đường với tổng chiều dài 283,75Km, có 2.180 hộ gia đình, cá nhân tham gia hiến trên 649.003m2 đất, tài sản trên đất, đóng góp ngày công lao động, tổng số ủng hộ quy ra tiền được 55.599,7 triệu đồng. Mức thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ giảm hộ nghèo đa chiều của đều tăng, đạt và vượt chỉ tiêu; hoàn thành giải phóng mặt bằng Cảng hàng không Sa Pa với tổng 290 hộ/263,26 ha đất. Đã bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ đủ điều kiện và giải ngân số tiền 250 tỷ đồng đạt 100% kế hoạch giao….Năm 2024, Huyện nâng cao chất lượng mô hình qua việc tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng chính quyền thân thiện với 4 trụ cột là: (1) Hoạt động chính quyền công khai, minh bạch, thân thiện; (2) Môi trường công sở văn minh, thân thiện, hiện đại; (3) Cán bộ của chính quyền chuyên nghiệp, thân thiện vì Nhân dân phục vụ; (4) Người dân cơi mở, thân thiện và phối hợp với cán bộ của cả hệ thống chính trị trong các hoạt động công vụ.

Xây dựng các mô hình, phong trào Dân vận khéo phát huy được vai trò chủ thể của mỗi người dân, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ những tập tục lạc hậu, giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự…. Mô hình “Khu dân cư đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa mới”, 100% các xã có đồng bào Mông sinh sống tổ chức các cuộc phát động huy động hệ thống chính trị cùng người dân bắt tay thực hiện. Các hoạt động của mô hình được trực tiếp thực hiện tại cơ sở và được chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu khảo sát thực tế, xác định các nội dung phần việc phải thực hiện và tiêu chí cần đạt sau khi xây dựng mô hình tại từng khu dân cư. Sau đó đưa ra họp thôn bản để xin ý kiến bà con. Trong quá trình thực hiện, huy động sự chung tay hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành, địa phương, cán bộ, công chức và người dân,… Tham gia mô hình bà con đồng bào cùng ký cam kết “Không còn hủ tục lạc hậu”; “không theo tổ chức bất hợp pháp, đạo lạ”; “không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; “chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật”; “tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới”…Với những cách làm thực tế, cụ thể, cầm tay chỉ việc, cán bộ cùng đồng hành cùng người dân để bắt đầu thay đổi từ những việc rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Sau thời gian ngắn xây dựng mô hình, bà con đồng bào Mông nơi đây đã dần dần hình thành thói quen mà trước đây rất ít làm hoặc chưa bao giờ làm như: dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, làm hàng rào xung quanh và di chuyển chuồng trại ra xa nhà để không bị ô nhiễm; không vứt rác, túi nilong và vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi; đào rãnh thoát nước chung; trồng hoa xung quanh nhà, đường làng để đẹp hơn; hàng tuần bà con cùng nhau dọn dẹp đường làng, ngõ xóm; sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa như múa khèn, múa gậy sinh tiền… Đặc biệt, Khu dân cư Nặm Mèng thuộc bản Tổng Kim, xã Vĩnh Yên bà con đã hiến trên 1.200 m2 đất, hơn 1.000 cây quế và hàng trăm ngày công để thực hiện trên 750m đường bê tông xi măng; đóng góp kinh phí và ngày công làm tuyến đường nội thôn dài trên 600m, hiến gần 300m2 đất để những năm sau tạo khu sinh hoạt chung và nhà truyền thống… với mục tiêu là xây dựng khu dân cư có hạ tầng đáp ứng được nhu cầu của người dân; đời sống người dân ấm no, hạnh phúc; bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Mông được giữ gìn và phát triển; khu dân cư trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của các thôn đồng bào Mông ở các địa phương trong và ngoài huyện.

 Phong trào dân vận khéo “10 phút góp phần cải thiện môi trường”, với các tiêu chí cụ thể cho Thôn bản; công sở làm việc; trường học. Sau một thời gian triển khai, Huyện ủy tiếp tục ban hành Quy định tạm thời về tiêu chí chấm điểm, bình chọn, khen thưởng đối với các thôn, bản, tổ dân phố trong thực hiện phong trào tại hội nghị tuyên vận hằng tháng. Đến nay, 100% các chi, đảng bộ trực, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt các xã, thị trấn tổ chức nhiều hoạt động thực tế với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo CBCC, Nhân dân, hội viên, đoàn viên, học sinh tham gia thực hiện phong trào. Theo đó, các hoạt động đi vào nề nếp như duy trì việc thực hiện vệ sinh công sở hàng ngày tại các cơ quan, đơn vị; các hoạt động ra quân tại các thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư để dọn dẹp vệ sinh môi trường, di chuyển chuồng trại ra xa nhà ở; dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa gọn gàng, trồng đường hoa, phân loại, thu gom, và xử lý rác thải theo quy định,…

anh tin bai

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực hưởng ứng phong trào "10 phút góp phần cải thiện môi trường".

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân”. Công tác tiếp xúc, đối thoại trên địa bàn huyện đã được quan tâm thực hiện có hiệu quả, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, tăng cường củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Trong năm 2020-2025, thực hiện quy chế số 17-QC/TU, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện, từ năm 2020-2023, Thường trực Huyện ủy tổ chức 18 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, trong đó có 16 cuộc định kỳ với các chuyên đề cụ thể sát với yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, ban ngành, tâm tư nguyện vọng cũng như các vấn đề Nhân dân đang quan tâm, bức xúc và 02 cuộc đột xuất (Năm 2021: 09 cuộc, Năm 2022: 05 cuộc, năm 2023: 04 cuộc); UBND huyện tổ chức 119 cuộc; tại các xã, thị trấn tổ chức được 167 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân (Năm 2021: 53 cuộc, Năm 2022: 54 cuộc; năm 2023: 12 cuộc) với hàng nghìn ý kiến, kiến nghị của Nhân dân. Sau các cuộc tiếp xúc, đối thoại, các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người dân được Thường trực Huyện ủy ra thông báo chỉ đạo UBND huyện, các cơ quan, phòng ban liên quan trả lời, giải quyết kịp thời, dứt điểm.

Công tác tuyên truyền, vận động trong đồng bào DTTS, tôn giáo được tăng cường. Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức triển khai, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sớm đi vào cuộc sống của đồng bào DTTS, tôn giáo; giới thiệu một số tín đồ tiêu biểu trong các tôn giáo, người uy tín trong đồng bào DTTS tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp, làm hạt nhân trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Hàng năm, tổ chức gặp mặt, tiếp xúc đối thoại, cung cấp thông tin với các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo, già làng, trưởng bản, người uy tín trong đồng bào DTTS để cung cấp thông tin và lắng nghe ý kiến, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân từ đó có phương pháp, nội dung lãnh chỉ đạo kịp thời, phù hợp; tổ chức đăng ký thi đua giữa các giáo họ, điểm nhóm tôn giáo: Không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Bên cạnh đó, Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo thực hiện các nội dung dân vận cụ thể, thiết thực góp phần tháo gỡ các vướng mắc tại địa phương, như: Thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động GPMB các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện, trực tiếp chỉ đạo công tác dân vận tham gia quy hoạch xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tái định cư trên địa bàn; thực hiện mô hình “Dân vận khéo” triển khai thực hiện Nghị Quyết số 08-NQ/HU, Đề án 05-ĐA/HU về xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô, giai đoạn 2022 – 2025; tổ chức Diễn đàn “Dân vận khéo gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc” trong các nhà trường...

Phát huy truyền thống công tác dân vận của Đảng, với những cách làm mới, sáng tạo, kịp thời công tác dân vận của hệ thống chính trị trong toàn huyện đang tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu quả, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, không những góp phần làm khởi sắc bộ mặt nông thôn mà còn góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân ở các xã đặc biệt khó khăn; trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương được ổn định, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; tạo sự ổn định chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Đỗ Quang Thắng – Phó phòng Tổng hợp.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn