27/05/2025
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn - xã hội, củng cố thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chức, tạo tiền đề phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên đị bàn tỉnh Lào Cai có nhiều đổi mới, đa dạng và xã hội hóa ngày càng cao; đã xây dựng, duy trì, nhân rộng, phát huy hiệu quả nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự hòa giải ở cơ sở. Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tổ chức định kỳ hàng năm thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, kịp thời biểu dương, động viên nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Công tác phối hợp giữa Công an với Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng Quân sự, Biên phòng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, đạt kết quả thiết thực, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn toàn tỉnh. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, kiện toàn kịp thời đảm bảo trong sạch, vững mạnh, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhất là các lực lượng ở cơ sở được quan tâm xây dựng, đầu tư kinh phí, trang thiết bị cần thiết để hoạt động.
Bên cạnh nững kết quả dã đạt được, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc còn một số hạn chế, đó là: Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân tham gia phong trào ở một số địa bàn còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả. Có lúc, có nơi, việc kiểm tra, đánh giá hoạt động của mô hình chưa được thực hiện thường xuyên, việc nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở một số cơ sở chưa được quan tâm chú trọng, hình thức dẫn đến còn có mô hình tự quản về an ninh, trật tự hoạt động kém hiệu quả, phải thanh loại. Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tuy được đầu tư, quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng với tình hình thực tế của địa phương.

Dự báo thời gian tới, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, trọng tâm là các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm sẽ tiếp tục tập trung lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, việc thiếu am hiểu về pháp luật, kiến thức phòng, chống các loại tội của Nhân dân... để hoạt động chống phá, thực hiện hành vi phạm tội...
Trước tình hình đó, để xây dựng, củng cố và nâng cao hơn nữa chất lượng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; trong thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang tỉnh cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp sau:
Thường xuyên đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác xây dựng phong trào, phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tinh thần đoàn kết của toàn dân trong tham gia nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đổi mới công tác xây dựng phong trào, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong trong tình hình mới, trọng tâm là Kết luận số 44-KL/TW của Ban Bí thư.
Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao cảnh giác cho quần chúng nhân dân trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, tuyên truyền lập “Nhà nước riêng”, các hoạt động tuyên truyền, phát triển tôn giáo trái pháp luật… của các thế lực thù địch, đối tượng phản động. Thông tin kịp thời các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; tình hình, kết quả, kinh nghiệm đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và nâng cao năng lực bảo vệ an ninh, trật tự cho quần chúng nhân dân.
Thường xuyên đổi mới nội dung, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kết hợp chặt chẽ phong trào thi đua yêu nước khác; quan tâm, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các địa bàn chiến lược, địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo…; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; xây dựng thôn, tổ, khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục an toàn về an ninh, trật tự.
Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; tăng cường quản lý, giáo dục người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư; kết hợp chặt chẽ giữa vận động quần chúng với tấn công trấn áp tội phạm. Khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trong Nhân dân, các vụ khiếu kiện ngay tại cơ sở, gắn với chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng Công an, Quân đội, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Quan tâm xây dựng lực lượng Công an nhân dân; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; lực lượng Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục; các tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn an ninh, trật tự trong sạch, vững mạnh, thực sự làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc./.
Hoàng Mạnh Quyền - Chuyên viên Phòng Tổng hợp