Thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 38-CT/TW); Tỉnh ủy Lào Cai ban hành kế hoạch để lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tố quốc, các tố chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đến năm 2030 và những năm tiếp theo phù hợp với điều kiện thực tế và mục tiêu, kế hoạch phát triến kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tổ chức quán triệt, tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng bằng các hình thức đa dạng, phù hợp; nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong xây dựng, phát triển tỉnh Lào Cai và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các cơ quan thông tin, truyền thông phản ánh, thông tin kịp thời về gương điển hình, những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng được thương hiệu, có sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa, dịch vụ có uy tín trên thị trường; đồng thời đấu tranh, ngăn chặn, phê phán những biểu hiện không chấp hành các quy định về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, các hành vi vi phạm pháp luật, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đối với hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp về chuyển đổi số; mã số mã vạch; truy xuất nguồn gốc; hệ thống quản lý, công cụ quản lý tiên tiến. Tiếp tục củng cố tổ chức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng chỉ một đầu mối để quản lý thống nhất với chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Quang cảnh Hội nghị tập huấn kiến thức về hệ thống quản lý chất lượng
Nghiên cứu cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ, công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Chú trọng hỗ trợ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng của tỉnh; làm tốt công tác dự báo nhu cầu, kế hoạch phát triển về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, trong đó chú trọng đến nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp. Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng chuyển hình thức kiểm soát đối tượng, công đoạn cụ thể sang quản lý chuỗi sản phẩm, từ khâu nghiên cứu tiền sản xuất, tổ chức sản xuất đến tổ chức phân phối, lưu thông, tiêu dùng và xuất khẩu sản phẩm hàng hóa bảo đảm tuân thủ pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Nâng cao chất lượng, tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Quy hoạch, phát triển hệ thống hạ tầng tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng đồng bộ, hiện đại; phát triển tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo đúng quy định pháp luật và phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh công tác khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa để hình thành cơ sở dữ liệu tổng quan về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong các ngành, lĩnh vực để nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế của tỉnh. Chú trọng đầu tư trang thiết bị thử nghiệm nhanh, kiểm định, đo lường lưu động phục vụ công tác kiểm tra đặc thù trong một số lĩnh vực quan trọng của đời sống kinh tế - xã hội để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm có tính chất công nghệ cao của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”. Thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường công bố hợp chuẩn, hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa phù hợp theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế và đặc biệt là công bố tiêu chuẩn cơ sở ở mức sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao hơn các yêu cầu quy định của nhà nước.
Đẩy mạnh hỗ trợ triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các ngành lĩnh vực theo định hướng chung của địa phương (Hệ thống quản lý và lưu trữ thông tin truy xuất nguồn gốc của địa phương; hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, hàng hóa của địa phương). Phát triển mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, đáp ứng các yêu cầu của bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để phục vụ nhu cầu về đo lường của các tổ chức, doanh nghiệp.
Tăng cường nguồn lực, đầu tư cho hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cho các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, trong đó tập trung nâng cao năng lực để thử nghiệm các chỉ tiêu kỹ thuật đối với sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, sản phẩm hàng hóa thế mạnh của tỉnh đáp ứng yêu cầu công tác quản lý chất lượng trong giai đoạn hiện nay. Đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; xây dựng một trung tâm hoạt động dịch vụ tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trọng điểm khu vực Tây Bắc đạt chuẩn quốc gia và quốc tế tại tỉnh.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Phát triển, xây dựng dữ liệu số về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; tạo nguồn lực, chia sẻ dữ liệu thông suốt đáp ứng yêu cầu quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác sử dụng, tương tác công việc khi có nhu cầu. Ưu tiên xây dựng các nền tảng số về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, đánh giá sự phù hợp, hàng rào kỹ thuật trong thương mại; mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa... Khuyên khích xã hội hóa tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng để giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhất là việc đầu tư phát triển tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm,...đạt chuẩn quốc gia và quốc tế.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, giám sát bảo đảm an toàn chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; chủ động phòng, chống tiêu cực trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Thành lập kênh tiếp nhận thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hoá không đạt chất lượng đối với sản phẩm nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Kịp thời khen thưởng và có biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác các hành vi vi phạm quy định pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhất là trong việc trao đổi thông tin, xử lý chồng chéo, vi phạm trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Đẩy mạnh hội nhập hợp tác trong các lĩnh vực về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm với các cơ quan Trung ương và các địa phương có năng lực kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; nâng cao tỷ lệ sản phẩm, hàng hóa sản xuất của tỉnh phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế. Chủ động, tích cực hội nhập hợp tác quốc tế về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, tuân thủ các điều ước, các thỏa thuận quốc tế có liên quan mà Việt Nam tham gia. Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo; cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn, công nghệ mới, nhất là của Trung ương, các địa phương, các quốc gia có năng lực kiểm định tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tiên tiến./.