Xây dựng Lào Cai trở thành địa bàn quan trọng về hợp tác và giao lưu kinh tế quốc tế của vùng và cả nước
Cùng với xu thế hội nhập chung của đất nước, trong những năm qua, công tác đối ngoại của tỉnh Lào Cai luôn được quan tâm, chú trọng phát triển. Với mục tiêu hoạt động đối ngoại để góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao vị thế của tỉnh với các địa phương trong toàn quốc cũng như với bạn bè quốc tế, Lào Cai đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, tăng cường hợp tác quốc tế và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025
xác định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu
nghị hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Kết
hợp hài hòa giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Chính quyền và đối ngoại Nhân dân.
Tăng cường các hoạt động đối ngoại, trong đó xác định hợp tác, đối ngoại về
chính trị, kinh tế, văn hóa và quản lý biên giới lãnh thổ là trọng tâm; xây
dựng Lào Cai trở thành địa bàn quan trọng về hợp tác và giao lưu kinh tế quốc
tế của vùng và cả nước”. Để triển khai thực hiện Nghị
quyết Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 18 Đề án trọng tâm, trong đó có Đề án số 11 “Mở rộng
đối ngoại, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế, giai đoạn 2020 – 2025”, trong
đó xác định các mục tiêu ưu tiên, gồm: (1) Coi trọng hợp tác toàn diện, đi vào
chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; (2) Tăng cường
mở rộng quan hệ với các địa phương, đối tác nước ngoài; (3) Tranh thủ các nguồn
lực đầu tư, tài trợ từ nước ngoài; (4) Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm
công tác đối ngoại tại các cơ quan, địa phương trong tỉnh. Với sự nỗ lực của
các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và địa phương, trong những năm qua,
công tác đối ngoại của tỉnh đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Một là, quan hệ hợp
tác hữu nghị giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc phát triển đi vào
chiều sâu.
Trong thời gian qua, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Lào
Cai và tỉnh Vân Nam ngày càng được củng cố và mở rộng trên các lĩnh vực: an ninh, chính trị,
kinh tế, văn hóa – xã hội. Hai tỉnh đã xây dựng được cơ sở hợp tác tin
cậy, mang lại hiệu quả thiết thực cho cả hai bên. Tháng 11/2015, tại Hà
Nội, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao hai nước, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai và Bí thư Tỉnh ủy Vân
Nam đã ký kết Thỏa thuận triển khai giao lưu hữu nghị Đảng
bộ địa phương giữa Tỉnh ủy Lào Cai và Tỉnh ủy Vân Nam. Tiếp đó, tháng 8/2017, Lào Cai là
tỉnh đầu tiên trên tuyến biên giới ký kết Thỏa thuận thiết lập quan hệ hữu nghị
với tỉnh Vân Nam. Đây là cơ sở để hai bên tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác hữu
nghị toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới hai nước.
Trên cơ sở mối
quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh, các địa phương của hai bên đã chủ
động thiết lập mối quan hệ chặt chẽ và hiệu quả. Đến nay
đã có 6 cặp huyện, thành phố của hai tỉnh ký kết Thỏa thuận thiết lập quan hệ hữu
nghị; 06 cặp thôn bản hai bên biên giới và 10 đồn biên phòng của tỉnh Lào
Cai với 19 đơn vị biên phòng của tỉnh Vân Nam tổ chức kết nghĩa hữu nghị. Đây
là một điểm sáng về công tác đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân, đã
được triển khai nhân rộng trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc.
Lào Cai cũng tích cực, đi đầu trong triển khai thực
hiện các nội dung hợp tác trong Nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Lào Cai,
Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và Hội
nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng,
Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc). Được sự hỗ trợ của Ban Đối ngoại
Trung ương và Bộ Ngoại giao, tháng 5 năm 2021, tỉnh Lào Cai đăng cai tổ chức
thành công Hội nghị trực tuyến giữa Bí thư Tỉnh ủy 4 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang,
Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc), mở thêm
một kênh đối ngoại có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy các nội dung hợp
tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), mang lại hiệu quả thiết thực cho cả hai Bên.
Hai là, quan hệ hợp tác giữa tỉnh
Lào Cai với Vùng Nouvelle Aquitaine (Pháp) bước sang giai đoạn mới.
Tháng 3/2017, tỉnh Lào Cai cùng với tỉnh Thừa Thiên Huế (Việt Nam) và vùng
Nouvelle Aquitaine (Pháp) ký kết Thỏa thuận khung hợp tác giữa 3 địa phương
giai đoạn 2017–2019. Tháng 01/2021, tỉnh Lào Cai và Vùng Nouvelle Aquitaine
(Pháp) tiếp tục ký Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2020-2023, trong đó có 04 trục
hợp tác chính gồm: (i) Bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thiên
nhiên; (ii) Tiếng Pháp và đào tạo chuyên nghiệp; (iii) Du lịch sinh thái và thể
thao mạo hiểm; (iv) An toàn thực phẩm, nông nghiệp sinh thái và lâm nghiệp. Đây
đều là những nội dung hợp tác rất thiết thực với tỉnh Lào Cai trong giai đoạn
hiện nay.
Ba là, quan hệ đối
ngoại của tỉnh tiếp tục được mở rộng.
Tháng 7/2017, nhân chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch
nước tới Cộng hòa Belarus, tỉnh Lào Cai đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với tỉnh
Brest (Cộng hòa Belarus) dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo hai nước. Trong đó,
tỉnh Lào Cai đề xuất, kêu gọi các nhà đầu tư Belarus tham gia vào các dự án sản
xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, logistics, thương mại và các dự án
đang kêu gọi đầu tư khác của tỉnh.
Bốn là,
duy trì mối quan hệ tốt với các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế.
Thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng về đa phương hóa, đa
dạng hóa quan hệ quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tỉnh Lào Cai luôn Lào Cai luôn duy trì tốt
mối quan hệ với Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, qua đó kêu gọi, vận động các
dự án hỗ trợ cho các địa phương trong tỉnh, đồng thời phối hợp giải quyết tốt
các vụ việc lãnh sự xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Tích cực hợp tác chặt chẽ với các tổ chức đã và đang tài trợ, đầu tư vào
Lào Cai, nhất là trong khu vực kinh tế trọng điểm, lĩnh vực nông nghiệp, nông
thôn, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường, các chương trình xoá đói giảm nghèo
như: WB, AFD, ADB, JICA (Nhật Bản), KOICA (Hàn Quốc), Samaritan’s Purse, OXFAM,
SNV, GVI…, nhằm tranh thủ sự trợ giúp của chính phủ các nước, các tổ chức quốc
tế và tổ chức phi chính phủ nước ngoài thông qua các nguồn viện trợ ODA, NGO.
Năm là, hoạt động kinh tế đối ngoại đóng góp mạnh mẽ cho sự
nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Thông qua việc tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, kinh tế đối ngoại của
tỉnh Lào Cai trong những năm qua đã đạt được một số kết quả nhất định,
đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hoạt động ngoại thương của tỉnh phát triển khá
mạnh, trở thành động lực thúc đẩy nội thương và các ngành kinh tế khác phát
triển, làm sôi động thị trường khu vực cửa khẩu. Cửa khẩu quốc tế Lào Cai
đang thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc và các nước
ASEAN đến kinh doanh xuất nhập khẩu và du lịch, lượng người và hàng hoá lưu
thông qua cửa khẩu ngày càng tăng cao. Kim ngạch xuất nhập
khẩu của tỉnh tăng mạnh, giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng
trưởng giá trị xuất nhập khẩu qua khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu
đạt trên 20%, đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước. Từ năm 2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19,
nên hoạt động mậu dịch biên giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tuy nhiên, tổng giá
trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2020 vẫn đạt trên 3,2
tỷ USD; năm 2021, đạt trên 3,6 tỷ USD.
Về thu hút nguồn vốn từ bên ngoài, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Lào Cai thu
hút được 39,75 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính tới thời điểm hiện
tại, tỉnh Lào Cai có 23 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 571,52
triệu USD. Thu hút
nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh
Lào Cai là 24 dự án, trong đó có 02 dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn
lại. Hiệu quả các chương trình, dự án ODA đem lại rất thiết thực, góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng nông thôn và
nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở các xã miền núi khó khăn, đặc
biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước
ngoài nhằm trợ giúp phát triển cộng đồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện điều
kiện sống, sinh hoạt, làm việc cho người dân, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng
xa, vùng khó khăn của tỉnh.
Trong thời gian qua, tình hình
thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt, sự bùng phát
của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội của các quốc
gia trên thế giới và Việt Nam, trong đó có tỉnh Lào Cai. Nhằm
thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai
đoạn 2021-2025, tỉnh Lào Cai xác định một số nhiệm vụ về công tác đối ngoại trong thời gian tới như sau:
1. Tăng cường kết nối, xúc tiến, quảng bá phục vụ phát triển kinh tế
Tích cực, chủ động triển khai các dự án hợp tác với các đối tác, địa phương
nước ngoài như: Công trình Cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực Bát Xát,
Việt Nam - Bá Sái, Trung Quốc; dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến đường sắt kết
nối từ ga Lào Cai (Việt Nam) đến ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc)... Tăng cường các
hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại tại các địa bàn trọng điểm và một số đối
tác tiềm năng. Tăng cường tiếp xúc, hợp tác với các cơ quan đại diện các nước đối
tác, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam
nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thông qua đó thu hút đầu tư và các
nguồn viện trợ phát triển cho tỉnh.
2. Tăng cường hợp tác trong lĩnh
vực chính trị, an ninh, quốc phòng, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển
kinh tế
Tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ hợp tác hữu
nghị toàn diện với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), triển khai
thực hiện có hiệu quả các biên bản, thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai tỉnh; duy
trì tiếp xúc và thăm hỏi giữa lãnh đạo hai tỉnh nhằm tăng cường sự tin cậy,
hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện
giữa hai bên.
Tích cực tham gia các chương trình quảng bá địa
phương tại nước ngoài, qua đó thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác với các địa
phương nước ngoài, nhất là của Nhật Bản, Hàn Quốc.
3. Thúc đẩy
giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa – xã hội
Thúc đẩy giao lưu hợp tác trên các lĩnh vực: y tế,
giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch; thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi, chia
sẻ kinh nghiệm quốc tế trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng
cường hợp tác trong công tác quản lý lao động qua biên giới.
Quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của
Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại, trong những năm qua, quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc
tế của tỉnh Lào Cai đã liên tục được mở rộng và thu được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào
việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.
Những kết quả đạt được trong công tác đối ngoại trong
những năm qua đã khẳng định quan điểm, định hướng đúng đắn trong công tác mở
rộng đối ngoại và hợp tác quốc tế của tỉnh Lào Cai trong giai đoạn hiện nay. Đó
cũng là tiền đề để
Lào Cai đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác đối ngoại trọng tâm trong thời
gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại
hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII,
đưa Lào Cai trở thành địa bàn quan trọng về
hợp tác và giao lưu kinh tế quốc tế của vùng và cả nước.