Tỉnh ủy Lào Cai lãnh đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Xác định công tác dạy nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là một trong những giải pháp xóa đói, giảm nghèo bền vững góp phần phát triển nông nghiệp xanh, xây dựng nông thôn mới. Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 19-CT/TW, Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền,  triển khai thực hiện đến toàn bộ đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Công tác kiện toàn hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tập trung triển khai thực hiện. Để nâng cao chất lượng, tập trung nguồn lực, tinh giảm đầu mối cơ sở dạy nghề công lập, năm 2014 tỉnh Lào Cai tiến hành sáp nhập trung tâm giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên giải thể 02 Trung tâm dạy nghề của Tỉnh Hội phụ nữ và Tỉnh đoàn Lào Cai; sáp nhập các trường cao đẳng, trung cấp công lập trên địa bàn tỉnh thành trường Cao đẳng Lào Cai. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Để nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; đến nay, hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được đầu tư xây dựng, sửa chữa để bảo đảm công tác dạy, học và thực hành. Trong 10 năm qua, mỗi Trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập được đầu tư thiết bị dạy từ 03 đến 07 nghề theo danh mục được UBND tỉnh ban hành. Cùng với đó việc xây dựng chương trình, giáo trình đáp ứng nhu cầu thực tiễn cũng được triển khai đồng bộ;  Đến nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã sửa đổi, bổ sung, thay thế 275 chương trình, 283 giáo trình dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.

Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được tăng cường phát triển và nâng cao chất lượng; hiện nay tổng số cán bộ quản lý, nhà giáo làm việc trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 478 người. Trong đó có 382 giảng viên, hầu hết nhà giáo có khả năng vừa giảng lý thuyết, vừa hướng dẫn thực hành. Ngoài ra, có gần 500 giáo viên thỉnh giảng đủ điều kiện dạy các lớp nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới ba tháng.

 Đổi mới hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển tiếp tục được quan tâm, nâng cao hiệu quả. Hằng năm các huyện, thị xã, thành phố tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số; nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh,... Công tác điều tra xây dựng kế hoạch được thực hiện từ các thôn, bản. Việc khảo sát nhu cầu học nghề giúp cho việc mở các lớp dạy nghề sát với yêu cầu thực tế của từng địa phương. Phương pháp, hình thức dạy nghề được đổi mới theo hướng lấy người học là trung tâm; tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học. Chú trọng đánh giá kỹ năng nghề đảm bảo học sinh, sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo có khả năng thực hành nghề nghiệp đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng và thị trường lao động. Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nhiều hình thức dạy nghề được thực hiện như dạy tập trung, dạy tại cơ sở sản xuất kinh doanh, liên kết giảng dạy,...

Công tác dạy nghề đối với các xã xây dựng nông thôn mới; hoạt động dạy nghề của trung tâm học tập cộng đồng được triển khai hiệu quả, bám sát yêu cầu thực tiễn. Tỉnh đã chỉ đạo gắn việc dạy nghề cho lao động nông thôn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững. Tập trung mở các lớp đào tạo nghề cho người lao động tại 143 xã xây dựng nông thôn mới (nay là 127 xã) và các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%. Đến hết năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt trên 64%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 56,89%. Mô hình mở lớp đào tạo đa dạng từ đào tạo tập trung tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến tổ chức đào tạo ngay tại địa phương (nhà văn hóa - trung tâm học tập cộng đồng) đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề; gắn đào tạo với thực tiễn sản xuất; gắn lý thuyết với thực hành. Đặc biệt là cơ bản các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg được tổ chức tại nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng của các xã.

Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, việc xã hội hóa công tác dạy nghề được đẩy mạnh; thực hiện liên doanh, liên kết các trình độ đào tạo; thực hiện phân luồng, khuyến khích học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học nghề. Thông qua xã hội hóa đã huy động được nhiều nguồn lực chăm lo sự nghiệp dạy nghề, đặc biệt là quan tâm các đối tượng chính sách, người nghèo,… Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề được đẩy mạnh, giúp người dân thay đổi tư duy nhận thức về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Nhiều gia đình đã đầu tư kinh phí tham gia học tập ngắn hạn tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như học nghề: lái xe ô tô, công nghệ ô tô, các nghề dịch vụ làm đẹp, hướng dẫn du lịch, gò hàn, nhôm kính,... Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã hỗ trợ đối với người học thông qua nhiều hình thức như: hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo; địa điểm, trang thiết bị thực hành; chỗ ăn, nghỉ cho người học trong quá trình thực hành, thực tập tại cơ sở,...

Với sự triển khai quyết liệt, đồng bộ, trong giai đoạn từ năm 2012 đến hết năm 2020 đã có 11.429 lao động nông thôn/tổng số 137.108 người đã được học nghề (chiếm 74,7%). Trong đó: đào tạo từ 6 tháng đến cao đẳng là 18.672 người; đào tạo từ 6 tháng trở xuống là: 81.842 người. Số lao động nông thôn được hỗ trợ kinh phí khi tham gia học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 39.156 người. Riêng năm 2021 đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 10.500 người/KH 10.500 người, đạt 100% KH năm 2021 (đạt 60,87% CK năm 2020). Có 8.460 lao động nông thôn tham gia học nghề (đào tạo từ 6 tháng đến cao đẳng là 2.586 người; đào tạo từ 6 tháng trở xuống là: 5.874 người), tỉ lệ người dân tộc thiểu số học nghề đạt 63,9%. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung từ 65% (Năm 2020) lên 65,8% (Năm 2021), tăng 0,8%.

Trong thời giai đoạn tới, xác định công tác dạy nghề cho lao động nông thôn tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội; tạo việc làm tăng thu nhập, giảm nghèo cho nhân dân; Tỉnh Lào Cai cần tiếp tục tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp:

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong việc tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động ngông thôn, phát triển kinh tế xanh, bền vững góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, thực hiện chính sách hỗ trợ lao động nông thôn tham gia học nghề. Trong đó đặc biệt ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người dân các xã xây dựng nông thôn mới, xã phát triển du lịch, làng nghề,… Phối hợp tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao năng suất lao động và ổn định thu nhập cho người dân.

Đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với lao động nông thôn. Tuyên truyền những kết quả nổi bật về dạy nghề cho lao động nông thôn; xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; những mô hình sản xuất tiên tiến, tiêu biểu trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua. Tuyên truyền thực hiện hiệu quả các nghị quyết, đề án của Tỉnh ủy, địa phương về phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2020-2025. Đổi mới nội dung, hình thức, tuyên truyền trên nhiều phương tiện thông tin như báo, đài, mạng xã hội,...

Đổi mới, nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần: tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề đảm bảo đủ về số lượng, nâng cao chất lượng và kỹ năng dạy nghề; nghiên cứu mời đội ngũ cán bộ, công chức, nghệ nhân, những gương sản xuất giỏi tham gia dạy nghề; khuyến khích liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phối hợp xây dựng bản đồ quy hoạch ngành nghề trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng dạy nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp gắn với phát triển tiềm năng, thế mạnh của địa phương và xuất khẩu lao động,…Sử dụng hiệu quả đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thực hành đã được trang bị. Tham mưu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hành theo hướng hiện đại. Tích cực xã hội hóa công tác dạy nghề tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu làm việc và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo; hình thành cơ sở dữ liệu về cung cầu thị trường lao động. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Phát huy vai trò của các đơn vị sử dụng lao động, người sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp. Chuyển đào tạo giáo dục nghề nghiệp từ đào tạo theo năng lực sẵn có của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sang đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động và xã hội; gắn đào tạo giáo dục nghề nghiệp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của từng lĩnh vực, của từng địa phương, của các doanh nghiệp và với nhu cầu việc làm của người lao động.

 

Đỗ Quang Thắng - Chuyên viên phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn