Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề về phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025.

Năm 2022, là năm thứ 02 triển khai Đề án số 02-ĐA/TU về phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025; các cấp, các ngành, địa phương đã rất chủ động, tích cực triển khai thực hiện, các chỉ tiêu năm 2022 cơ bản đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. 

Sản xuất nông nghiệp năm 2022 đạt kết quả tốt. Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm ước đạt 340,3 tấn, bằng 109,8% mục tiêu đề án, giá trị canh tác đạt 88 triệu đồng/01 ha, bằng 88% mục tiêu đề án, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong tỉnh và một phần cung cấp thị trường ngoài tỉnh. Các địa phương tập trung triển khai thực hiện chủ trương chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp an sinh sang phát triển nông nghiệp hàng hóa; các cây trồng chủ lực theo Nghị quyết 10-NQ/TU đều có sự phát triển rõ nét; diện tích sản lượng cây trồng chủ lực tiếp tục được duy trì, mở rộng. Bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng sản xuất chè ước hết năm 2022 đạt 7.346 ha tại Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà đạt 101,7% kế hoạch, bằng 115,4% cùng kỳ. Vùng sản xuất dược liệu hàng năm đạt 573ha, đạt 107,1% kế hoạch. Vùng sản xuất dứa ước đạt 2.060 ha, đạt 108,1% kế hoạch; vùng sản xuất chuối 3.174 ha, đạt 91,6% kế hoạch tại Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng.…Đồng thời, tập trung phát triển các sản phẩm tiềm năng như cây ăn quả ôn đới, rau trái vụ, cây hoa…, tăng cường liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, do đó chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định. Sản lượng thịt hơi các loại cả năm ước đạt 67.300 tấn, bằng 98,2% mục tiêu đề án. Diện tích nuôi trồng thủy sản ao, hồ nhỏ 2.250 ha, đạt 100% kế hoạch năm, sản lượng thủy sản các loại đạt 11.805 tấn, đạt 107,3% mục tiêu đề án. Công tác trồng rừng đảm bảo chất lượng, tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 96,2% mục tiêu đề án. Trong năm 2022 dự kiến lũy kế toàn tỉnh có 62/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 69,1% mục tiêu đề án, nhưng đến nay nhiều tiêu chí không đạt, dưới chuẩn; 04 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao; 2 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 50% mục tiêu đề án.

anh tin bai

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường cùng các đại biểu tham quan vườn ươm cây giống theo hướng hữu cơ của hộ gia đình

anh Hoàng Văn Trường ở bản Pác Mạc xã Vĩnh Yên

Trong tổng số 13 mục tiêu Đề án, có 05 chỉ tiêu đạt 100% và vượt mục tiêu đề án, 05 chỉ tiêu đạt trên 70% so với mục tiêu đề án, 02 chỉ tiêu đạt trên 50% so với mục tiêu đề án, 01 chỉ tiêu đạt dưới 50% so với mục tiêu đề án (chỉ tiêu về sắp xếp ổn định dân cư thiên tai). Tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án cả giai đoạn: 12.701 tỷ đồng, trong đó đã huy động và triển khai thực hiện được: 3.357 tỷ đồng, đạt 26,4% tổng nhu cầu vốn.

Trong năm 2022, việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới:

 Doanh nghiệp sản xuất nông, lâm nghiệp còn nhiều khó khăn về vốn và khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, khoa học kỹ thuật công nghệ cao; việc tích tụ ruộng đất cho sản xuất hàng hóa khó thực hiện do cơ chế và nhận thức của nhân dân còn nhiều hạn chế.

Tiến độ triển khai thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới tại các địa phương còn chậm do căn cứ vào tiêu chuẩn chung của Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp của trung ương và điều kiện thực tế triển khai thực hiện chương trình tại địa phương; với các chỉ tiêu, tiêu chí mới trong bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 của trung ương để triển khai thực hiện tại các địa phương rất khó khăn, do mức độ đạt chuẩn cao, nhiều chỉ tiêu khó thực hiện tại các vùng đồng bào dân tộc ít người. Đồng thời, các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là các xã thuộc khu vực III, hiện đang được thụ hưởng các cơ chế chính sách hỗ trợ của trung ương, sau khi phấn đấu về đích nông thôn mới sẽ là xã thuộc khu vực I, nên một bộ phận nhân dân có tư tưởng không muốn phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nông thôn tại các xã.

Việc triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp khó khăn do chưa có đầy đủ, đồng bộ hệ thống văn bản hướng dẫn từ Trung ương. Một số dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng tiến độ triển khai còn chậm do trình tự, thủ tục đầu tư liên qua đến nhiều sở, ngành và các quy hoạch, giải phóng mặt bằng nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện; một số dự án chủ đầu tư là người ngoại tỉnh, nên không có mặt thường xuyên để triển khai dẫn đến tiến độ thực hiện còn chậm. Mặt khác, vẫn còn một số dự án nhà đầu tư chưa chủ động liên hệ, phối hợp để triển khai thực hiện.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên bảo đảm hoàn thành các mục tiêu năm 2023 và cả giai đoạn đến năm 2025; cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 01-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy về phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025, Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Xây dựng kế hoạch, tiến độ cụ thể, đưa các chỉ tiêu thực hiện chiến lược vào giao chi tiêu kế hoạch hàng năm để làm căn cứ thực hiện, kiểm tra, giám sát. Khai thác tiềm năng, lợi thế, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong đó, tập trung phát triển 06 ngành hàng chủ lực (Sản xuất chè, dược liệu, cây chuối, cây dứa, chăn nuôi lợn, cây quế), phát triển kinh tế đồi rừng và ngành hàng tiềm năng địa phương có giá trị cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Gắn vùng nguyên liệu với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy, cơ sở chế biến sâu nông, lâm sản để nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Trước mắt, thời gian tới cần tập trung thực hiện hiệu quả 5 nội dung đột phá, bao gồm: (1) Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; (2) Chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị, để phát triển sản xuất hàng hóa; (3) Đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với chế biến, liên kết sản xuất; (4) Thực hiện giao đất, giao rừng, quy chủ rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp; (5) Đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới.

Trịnh Xuân Quyết – Phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn