Tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS
Thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX; Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 19/6/2006 của Tỉnh ủy khóa XIII “về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”;…, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức, tinh thần, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thay đổi tích cực, có nhiều chuyển biến thân thiện hơn, không còn sự kỳ thị, phân biệt của cộng đồng đối với người bị HIV/AIDS như trước. Số người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS mới đang có xu hướng chững lại, giảm nhẹ trong những năm gần đây, 9 tháng đầu năm năm 2021 số người nhiễm HIV mới là 44 (năm 2020 là 88, năm 2015 là 200), số bệnh nhân AIDS mới là 10 (năm 2020 là 19, năm 2015 là 508).

Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030; Tỉnh ủy Lào Cai đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 91-CTr/TU ngày 17/12/2021 với một số chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể: Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS; giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự,... trên địa bàn tỉnh; chấm dứt dịch AIDS trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai vào năm 2030. Mở rộng và duy trì hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt: 70% vào năm 2025; 80% vào năm 2030. Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt: 90% vào năm 2025; 95% vào năm 2030; giám sát chặt chẽ dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS: tỷ lệ người nhiễm HIV còn sống quản lý được trên địa bàn được điều trị ARV đạt: 90% vào năm 2025; 95% vào năm 2030 và tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; tiến tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030. Củng cố, tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, trong giai đoạn tới, tỉnh Lào Cai cần tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Rà soát, bổ sung chủ trương, chính sách, quy định, chương trình, kế hoạch của các cấp các ngành, đơn vị liên quan đến  công tác phòng, chống HIV/AIDS.  Xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị; là một tiêu chí để đánh giá hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị và đảng viên hằng năm và trong xây dựng cơ quan, đơn vị, tổ dân phố, thôn, bản, gia đình văn hóa.

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS. Thống nhất quan điểm chỉ đạo đây là nhiệm vụ quan trọng đi đầu nhằm tác động hiệu quả, thay đổi nhận thức, hành vi trong phòng, chống HIV/AIDS tới mọi đối tượng, cộng đồng dân cư, từng gia đình, từng người dân, nhất là thanh, thiếu niên và nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường tuyên truyền, vận động sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật; khuyến khích, thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; tài trợ từ các chương trình, dự án, các tổ chức quốc tế, các nhà hảo tâm cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình, kế hoạch công tác y tế; lồng ghép, phối hợp các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự của địa phương, ngành, đơn vị. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, nhất là những nơi, những điểm nóng, hoặc có dư luận từ Nhân dân về các hoạt động vi phạm pháp luật có liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS. Xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo các cấp về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Kết hợp chặt chẽ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các hoạt động phòng, chống ma túy, mại dâm, các tệ nạn xã hội khác liên quan.

Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị và cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS. Lồng ghép, phối hợp hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch công tác, phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương, sở, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị, như: Với các chương trình xóa đói giảm nghèo, giới thiệu việc làm, hỗ trợ cho người nhiễm HIV sống và hòa nhập cộng đồng,.... và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố, thôn, bản, cơ quan, đơn vị văn hóa,... Các sở, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị rà soát, bổ sung chương trình, quy chế, kế hoạch phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống HIV/AIDS theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp thực tiễn với công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác liên quan. Lập kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo chức năng nhiệm vụ đơn vị mình. Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra và các biện pháp can thiệp giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV, đặc biệt là trong các cơ sở dịch vụ giải trí, cơ sở lưu trú,...

Nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tập trung triển khai rộng rãi, linh hoạt và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chuyên môn kỹ thuật y tế trong phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường các can thiệp giảm tác hại và phòng ngừa lây nhiễm HIV, chú trọng nhóm đối tượng ưu tiên. Nâng cao chất lượng điều trị người nghiện ma túy; đa dạng các mô hình điều trị nghiện ma túy, cấp phát thuốc tại tuyến cơ sở; triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho các nhóm nguy cơ cao. Chủ động theo dõi, giám sát và dự báo kịp thời tình hình dịch HIV/AIDS; triển khai nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin, các sáng kiến mới trong phòng, chống HIV/AIDS. Ưu tiên triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các địa bàn có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, các cơ sở giam giữ, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đa dạng hóa dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, cộng đồng và tự xét nghiệm HIV. Đẩy mạnh việc kết nối các dịch vụ, từ dự phòng, tư vấn, xét nghiệm đến điều trị HIV/AIDS và các hỗ trợ xã hội cần thiết khác. Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS; phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở; mở rộng chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng. Mở rộng độ bao phủ điều trị HIV/AIDS; huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS; phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở; mở rộng chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công tác phòng, chống HIV/AIDS. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ y tế công tác phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; bảo đảm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, tuyến xã. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trình độ cao, chuyên gia đầu ngành về phòng, chống HIV/AIDS. Kiện toàn và củng cố tổ chức, bộ máy, bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ công tác phòng, chống HIV/AIDS từ tuyến tỉnh đến huyện, tuyến xã; đồng thời, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS các tuyến.

Đầu tư bảo đảm ngân sách cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước, ngân sách tỉnh cho công tác phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với thực tiễn tình hình dịch bệnh, bảo đảm tính đồng bộ, bền vững các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gắn liền với thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Rà soát, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách huy động tốt các nguồn lực xã hội, nguồn viện trợ quốc tế. Mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả theo quyền lợi của người bệnh tham gia Bảo hiểm Y tế; có cơ chế phù hợp để 100% người nhiễm HIV tham gia Bảo hiểm Y tế. Điều phối và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục triển khai chính sách trợ cấp xã hội cho trẻ em bị nhiễm HIV, người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Đỗ Quang Thắng – Phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn