Trong 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về công tác dân số trong tình tình mới”, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác dân số trong việc xây dựng con người mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, do đó thường xuyên quan tâm lãnh, chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới, đầu tư chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
Các cấp ủy đảng, chính quyền của huyện quan tâm và triển khai công tác dân số và phát triển bằng những biện pháp thiết thực, hiệu quả. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân số; thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân. Nhận thức của toàn xã hội về công tác dân số đã có những bước chuyển biến mới trở thành một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của các cấp ủy đảng và chính quyền, các đoàn thể và tổ chức xã hội; từng bước tạo được sự cam kết của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và dư luận xã hội ủng hộ rộng rãi việc thực hiện chính sách dân số.
Đưa tiêu chí về dân số vào công tác xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ văn hóa, đánh giá cán bộ đảng viên, chi bộ, đảng bộ... đề cao tính tiên phong gương mẫu của mỗi cán bộ đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách và công tác dân số, nhất là trong việc nên sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn cộng đồng. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp liên ngành, đề cao trách nhiệm tham gia của các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể trong tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu về Dân số và phát triển. Huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư, cá nhân và các tổ chức chính trị, xã hội tham gia “về công tác dân số trong tình hình mới”. Tích cực kiểm tra công tác chăm sóc sức khỏe, dân số - kế hoạch hóa gia đình. Đổi mới công tác truyền thông, vận động về dân số là yêu cầu cần thiết đối với công tác dân số trong tình hình mới. Đó là đổi mới nội dung, phương thức truyền thông, vận động về dân số và phát triển. Duy trì và nhân rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả và xây dựng các mô hình truyền thông về dân số và phát triển phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cho vị thành niên, thanh niên, người chưa kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, các nhóm dân số đặc thù. Ưu tiên truyền thông tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng mức sinh thấp, vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao. Lựa chọn nội dung và hình thức truyền thông về dân số và phát triển phù hợp với người dân.

Tổ chức tuyên truyền về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Trường THPT Bát Xát
Công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số đã được đổi mới bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú, hấp dẫn phù hợp với từng vùng, đối tượng góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với công tác dân số. Phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về “Công tác dân số trong tình hình mới”; về Luật Dân số; Nghị định 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số, Luật Hôn nhân và gia đình cùng các chủ trương, chính sách, quy định của tỉnh về công tác Dân số- Kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, xây dựng và tổ chức các chương trình truyền thông hưởng ứng sự kiện như: Ngày dân số thế giới (11/7); Ngày dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về dân số (26/12), Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam...
Hằng năm các cơ quan, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo công tác dân số huyện đã chủ động, phối hợp cùng cơ quan liên quan đưa nội dung công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trong chỉ đạo và hoạt động tại cơ sở. Tổ chức thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 theo hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, phát huy lợi thế dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số. Thực hiện chính sách, pháp luật về dân số gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc. Nâng cao hiệu lực pháp lý trong quản lý và tổ chức thực hiện, bảo đảm đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người dân, triển khai toàn diện các nội dung của công tác dân số. Thực hiện có hiệu quả Chiến lược dân số trong tình hình mới; thực hiện tốt chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; khuyến khích và tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội. Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi. Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng. Những xã có mức sinh cao (trên 2,3 con) cần tiếp tục tuyên truyền, vận động và thực hiện các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích để người dân sinh ít con hơn; những xã, thị trấn có mức sinh thấp (dưới 1,8 con) cần tuyên truyền, vận động và thực hiện các biện pháp khuyến khích người dân sinh đủ 2 con nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn huyện. Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh theo hướng chi tiết, cụ thể, phù hợp với chế tài xử lý mạnh hành vi vi phạm, khắc phục tình trạng lạm dụng khoa học, công nghệ lựa chọn giới tính thai nhi và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong ngăn ngừa và phát hiện vi phạm. Đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Hướng dẫn đưa chính sách dân số vào hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố phù hợp với các quy định của pháp luật.
Chỉ đạo nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, mở trung bình 02 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng tư vấn cho cán bộ dân số; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ y tế hàng năm; đảm bảo nguồn nhân lực tại tuyến huyện và xã cung cấp đầy đủ các phương tiện tránh thai, đẩy mạnh tiếp thị xã hội, xã hội hóa các phương tiện tránh thai, mở rộng các loại hình dịch vụ gắn với triển khai thực hiện gói bảo hiểm y tế cơ bản cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại của mọi nhóm đối tượng, nhất là vị thành niên, thanh niên. Thực hiện cập nhật thường xuyên hệ thống thông tin thống kê chuyên ngành dân số: Cung cấp thông tin, số liệu dân số đáp ứng nhu cầu sử dụng của mọi cơ quan, tổ chức trong toàn huyện, phục vụ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới phương thức cung cấp, đưa dịch vụ tới tận người sử dụng. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ y - sinh học, công nghệ thông tin trong triển khai và quản lý dịch vụ dân số. Chỉ đạo UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Phòng Văn hoá – Thông tin chủ trì, phối hợp với Trung tâm Y tế, phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2021- 2030 trên địa bàn huyện Bát Xát; lồng ghép hoạt động vận động thể lực và đảm bảo dinh dưỡng hợp lý với phong trào quần chúng và hoạt động thể thao, văn hoá tại cộng đồng; tăng cường tuyên truyền về lợi ích của hoạt động thể dục, thể thao quần chúng đối với sức khoẻ.
Hằng năm kiện toàn lại tổ chức bộ máy làm công tác dân số theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương; Thực hiện quản lý chuyên môn thống nhất; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho viên chức dân số và cộng tác viên dân số mới là 02 lớp/năm (100 học viên); hiện tại các trạm y tế đạt 16/21 viên chức đã được đào tạo qua lớp dân số cơ bản và có chứng chỉ. Tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, đáp ứng yêu cầu chuyển hướng trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Chỉ đạo Trung tâm Y tế tiếp tục cập nhật thông tin biến động chuyên ngành dân số, cung cấp số liệu đầy đủ, tin cậy và dự báo dân số chính xác phục vụ việc lồng ghép các yếu tố dân số trong xây dựng, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng chương trình phối hợp liên ngành đặt dưới sự lãnh đạo của cấp Ủy đảng, chính quyền, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể nhằm tăng cường chỉ đạo, điều phối hoạt động của các ngành, cơ quan có chức năng quản lý liên quan đến dân số và phát triển.
Triển khai Dự án “Trao quyền và nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ thông qua cải thiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ, sản phẩm sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình” do dự án Marie Stopes triển khai, chủ yếu tập trung truyền thông, tư vấn đến phụ nữ độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận dịch vụ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, sản phẩm với giá phải chăng một cách thuận tiện. Từ tháng 6/2018 Dự án bắt đầu khởi động và triển khai tại 09 xã, đến tháng 7/2019 triển khai tiếp 04 xã và phòng khám bệnh viện, số buổi truyền thông tại các xã dự án là 78 buổi cho 2.730 lượt người nghe, cung cấp gói dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho 1113 khách hàng, trong đó đặt dụng cụ tử cung là 650 ca, uống thuốc tránh thai 150 ca, tiêm thuốc tránh thai 250 ca, cấy tránh thai 63 ca.