Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo
Giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư. Trong những năm qua, công tác giảm nghèo đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lào Cai quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đã tập hợp sức mạnh đoàn kết, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức về giảm nghèo. 

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Lào Cai đã chủ động ban hành các chương trình, kế hoạch, Đề án... thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (đặc biệt Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 11/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hỗ trợ giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020; Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020; tầm nhìn đến năm 2025, có xét đến năm 2030, đây được coi nội dung trọng tâm để tấn công vào lõi nghèo) và đã đạt được kết quả quan trọng: Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,2%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; năm 2016 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 6 so với cả nước; đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 8,2% = 14.322 hộ, hộ cận nghèo 9,37% = 16.370 hộ (vươn lên xếp ở vị trí thứ 10, tăng 4 bậc về xếp hạng nghèo).

         Tuy nhiên, Lào Cai vẫn là tỉnh trong nhóm có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất so với cả nước. Thực hiện chuẩn nghèo của Chính phủ giai đoạn 2021- 2025, dự kiến rà soát tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh ước gần 30%, tương đương trên 48.000 hộ nghèo và khoảng 20.000 hộ cận nghèo tương đương 10%. Việc triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm về giảm nghèo bền vững ở một số xã chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Hộ nghèo chủ yếu tập trung vùng đồng bào dân tộc thiểu số (trên 90%); phong tục tập quán, canh tác sản xuất còn lạc hậu, chưa thành hàng hóa; một số bộ phận người dân còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước... Nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Đa số doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô sử dụng lao động ít nên số lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp chưa nhiều, chưa tạo được nhiều việc làm tại chỗ cho người lao động. Thiếu sự gắn kết giữa hỗ trợ đời sống, phát triển sản xuất với chuyển giao khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, bảo vệ môi trường, thu hút đầu tư. Tại nhiều nơi, việc thực hiện hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất vẫn theo cách cấp giống, vật tư dàn trải; chưa hỗ trợ tập trung theo dự án, mô hình đồng bộ, chưa gắn với xây dựng các mô hình hợp tác liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ nhóm nông dân.

Từ nay đến năm 2030, Tỉnh Lào Cai đã xác định một số mục tiêu về công tác giảm nghèo, cụ thể:

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng về giảm nghèo bền vững; tiếp tục xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Công tác giảm nghèo bền vững được đưa vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị. Giai đoạn 2021-2025: (1) Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3-5%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 6%/năm trở lên. Giảm hộ cận nghèo hàng năm từ 2.000 hộ trở lên. Đến năm 2024, huyện Bảo Thắng và thành phố Lào Cai cơ bản không còn hộ nghèo. (2) Phấn đấu trên 60% số xã có tỷ lệ hộ nghèo đạt chuẩn tiêu chí xây dựng nông thôn mới. (3) 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Giai đoạn 2025-2030: (1) Phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo. (2) Phấn đấu đến năm 2030, 100% các xã trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 20%. (3) Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2030 đạt 72%, trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 36%.

Đề hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai cần tập trung thực hiện một số nhóm, nhiệm vụ giải pháp, cụ thể:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Đổi mới hình thức thông tin và tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giảm nghèo và cách tiếp cận về giảm nghèo bền vững, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Tăng cường mở các lớp tập huấn kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thông tin truyền thông cho tuyên truyền viên, cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở. Thông tin, tuyên truyền trên báo in, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp; thông tin, tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh và hệ thống đài, trạm truyền thanh cấp huyện và cấp xã bằng các loại hình và thể tài phong phú (tin, bài, phóng sự, ghi nhanh, phỏng vấn, gương sáng thoát nghèo; giới thiệu mô hình tiên tiến, kinh nghiệm sản xuất hiệu quả, phương pháp khoa học kỹ thuật nuôi trồng, lao động tại các công ty doanh nghiệp xuất khẩu lao động…) để người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng, chủ động vươn lên thoát nghèo, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại.

Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại; huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế  - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, có sự kết nối với các thị trường lao động trong nước với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, mở rộng hợp tác tìm kiếm việc làm cho người lao động trong và ngoài nước. Quan tâm phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, coi trọng phát triển kinh tế dịch vụ, công nghiệp chế biến nông sản, khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công mỹ nghệ để nhanh chóng tạo ra nhiều việc làm có thu nhập ổn định, trong đó chú trọng phát triển thị trường lao động khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu đến năm 2030, có trên 80% thanh niên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia lao động lĩnh vực phi nông nghiệp. Có cơ chế chính sách hỗ trợ người lao động tham gia thị trường lao động; quy định trách nhiệm cụ thể của chính quyền cấp huyện, xã trong công tác quản lý lao động, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho người dân.

Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn, trong đó: Tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên cơ sở phát triển các ngành nghề và dịch vụ đã có, đồng thời xây dựng các ngành nghề mới phù hợp với điều kiện và phát huy lợi thế của các địa phương, trên cơ sở các ý tưởng kinh doanh mới. Thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; ưu tiên đầu tư hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng các dự án có sức lan tỏa lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ vùng nông thôn. Xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp truyền thống gắn với du lịch và các dịch vụ ăn uống, tắm thuốc tại các điểm, tua, tuyến du lịch như Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương...

Nghiên cứu, xây dựng các mô hình Tổ tự quản tại các thôn, bản với hình thức giúp nhau giảm nghèo, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất chăn nuôi, làm ăn kinh tế, tìm kiếm việc làm... nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm, cùng hướng tới giảm nghèo bền vững. Kịp thời khen thưởng, biểu dương đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững tiếp cận với chuẩn nghèo đa chiều gắn với thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù của tỉnh. Thực hiện tốt các Nghị quyết, kết luận, Chương trình của Trung ương, Tỉnh ủy có liên quan đến chính sách an sinh xã hội và Đề án số 10-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025.

Đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ khu vực nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, lưu thông hàng hóa; trọng tâm tại các xã nghèo theo Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020; tầm nhìn đến năm 2025, có xét đến năm 2030 theo hướng đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, đảm bảo hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới về hạ tầng vùng nông thôn.

Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực hiện chính sách giảm nghèo của hệ thống chính trị cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo; phân công đảng viên ở chi bộ thôn, bản, tổ dân phố giúp đỡ hộ nghèo. Đưa chỉ tiêu kết quả thực hiện giảm nghèo bền vững vào tiêu chí đánh giá cấp ủy, chính quyền, đoàn thể hằng năm. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực triển khai các chủ trương, chính sách cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ giảm nghèo. 

          Huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho giảm nghèo: Đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân; chủ động thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư trên địa bàn tỉnh, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Lồng ghép, tích hợp hiệu quả nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia trong công tác giảm nghèo như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển các huyện nghèo, xã nghèo.

Tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả vùng “Lõi nghèo” của tỉnh theo Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020; tầm nhìn đến năm 2025, có xét đến năm 2030: Tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, người cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng đến các xã, thôn bản, cơ bản hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông liên thôn theo quy chuẩn, hệ thống điện lưới; tạo điều kiện, hỗ trợ cho phát triển sản xuất; phấn đấu đưa các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 40% đến năm 2030 trở thành xã trung bình của tỉnh.

Đỗ Quang Thắng – Chuyên viên phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn