Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn
Xác định công tác dạy nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là một trong những giải pháp xóa đói, giảm nghèo bền vững góp phần phát triển nông nghiệp xanh, xây dựng nông thôn mới. Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 19-CT/TW ngày 05/11/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, thực hiện đến toàn bộ đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Căn cứ tình hình thực tiễn của từng giai đoạn, Tỉnh ủy đã lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các đề án, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố ban hành chỉ thị, đề án, kế hoạch thực hiện tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với dạy nghề cho lao động nông thôn; đưa nội dung dạy nghề cho lao động nông thôn vào văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, nhiệm kỳ 2020-2025.

          Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học tập, nâng cao trình độ sản xuất, mở rộng ngành nghề. Tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, tác động của lao động nông thôn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; vai trò của khoa học, kỹ thuật trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm,... Các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ năm 2012, nội dung tuyên truyền, vận động về dạy nghề, học nghề đối với lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới được thực hiện trong hội nghị tuyên vận hằng tháng tại cơ sở qua đó góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên địa bàn toàn tỉnh.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy công tác dạy nghề cho lao động nông thôn cơ bản đi vào nề nếp, từng bước nâng cao chất lượng; tỷ lệ có việc làm, tự tạo việc làm sau đào tạo tăng lên. Công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về dạy nghề cho lao động nông thôn được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú. Cấp ủy, chính quyền các cấp nhất là cấp xã đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, đa dạng các ngành ghề trên địa bàn. Nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học nghề, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được nâng lên rõ rệt. Công tác dạy nghề góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Chính sách đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp thiết thực giúp mỗi người dân và gia đình có việc làm ổn định, thoát nghèo; giúp nhiều người dân chuyển đổi việc làm thành công. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh những năm gần đây (hết năm 2020 còn 8,2%).

 

anh tin bai
 

“Ngày hội việc làm” tạo cơ hội cho nhiều thanh niên vùng caotiếp cận các nhà tuyển dụng.

Từ năm 2012 đến hết hết 6 tháng đầu năm 2022 có khoảng 158.738 người được đào tạo nghề từ ngắn hạn đến cao đẳng trong các cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh. Trong đó có 93.041 lao động nông thôn được đào tạo ngắn hạn (dưới 3 tháng) trong các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh; hết năm 2021 có khoảng 21.258 người được đào tạo nghề dài hạn (6 tháng trở lên) trong các cơ sở dạy nghề của tỉnh. Hiện nay, tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng đạt khoảng 65,93%. Kết quả dạy nghề góp phần nâng cao năng xuất, chất lượng nông, lâm, thủy sản; xây dựng nông thôn mới bền vững; nâng cao thu nhập cho người nông dân. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng ngành nghề tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Lao động nông thôn có cơ hội làm việc trong các ngành nghề khác như du lịch, dịch vụ, giao thông vận tải, xây dựng,.... Cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh từ nông, lâm nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ; góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một ố hạn chế đó là: một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa sâu sắc về dạy nghề cho lao động nông thôn nên chỉ chỉ đạo tập trung dạy nghề trong lĩnh vực nông nghiệp mà chưa quan tâm định hướng lao động nông thôn tham gia học các nghề khác như tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, công nghiệp,... Công tác tuyên truyền về tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của học nghề tại một số địa phương chưa phong phú về nội dung và hình thức, chưa thuyết phục được người lao động tham gia học nghề; một số cơ cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa làm tốt công tác khảo sát, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện nên hiệu quả dạy nghề chưa cao. Có nơi chủ yếu tập trung dạy ngắn hạn, chưa chú trọng tuyên truyền học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng; sự phối hợp giữa một số sở, ban, ngành cấp tỉnh với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên nên hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động về vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người lao động về học nghề vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của người lao động, từ đó chủ động và tích cực hơn trong việc tham gia học nghề để giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn tỉnh, nắm chắc nhu cầu đào tạo cho mỗi loại nghề, lĩnh vực; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phải đạt mục tiêu cụ thể, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, nhu cầu học nghề của người lao động. Chỉ đạo, phối kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có khả năng thu hút lao động qua đào tạo nghề từ khâu xây dựng nội dung chương trình đến quá trình tổ chức đào tạo và nhận người học nghề vào làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp. Tăng cường đầu tư để phát triển đồng bộ và toàn diện các ngành dịch vụ trong đó ưu tiên với một số ngành mũi nhọn như: dịch vụ, du lịch, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Chú trọng nhân rộng, phát huy những mô hình tốt, cách làm hay trong dạy nghề cho lao động nông thôn, góp phần lan tỏa, tạo được những đột phá về chất lượng, hiệu quả cho công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Trịnh Xuân Quyết – Phó Trưởng Phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn