Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động, tạo việc làm trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Trong những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác lao động việc làm, giáo dục nghề nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng: Chất lượng giáo dục nghề nghiệp và việc làm được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65,8%; Cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng, chuyển dịch nhanh sang khu vực năng suất lao động cao hơn, đến hết năm 2021 tỷ trọng lao động nông, lâm và thuỷ sản trong tổng số lao động giảm từ 72% năm 2015 xuống 56,78%; tỷ trọng lao động ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 7,78% năm 2015 lên 17,35%; tỷ trọng lao động ngành dịch vụ tăng từ 20,22% năm 2015 lên 25,87%. Tỷ lệ lao động có việc làm tại khu vực chính thức tăng dần, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. 
anh tin bai

  Tăng cường tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT

Nhằm thực hiện đổi mới cơ bản, mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, lao động việc làm, xây dựng phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, cơ cấu và chất lượng phù hợp với nhu cầu sử dụng; phấn đấu đạt các mục tiêu: đến năm 2025 cung ứng trên 50 ngàn lao động cho thị trường trong và ngoài tỉnh, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 32%; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động làm việc trong các lĩnh vực (Nông, lâm nghiệp, thủy sản 50%; công nghiệp xây dựng 20%; thương mại - dịch vụ 30%) góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI đã đề ra, trong thời gian tới tỉnh Lào Cai cần triển khai thực hiện một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:

1. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên chỉ đạo, giao chỉ tiêu cụ thể trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương hằng năm và nhiệm kỳ.

Tiếp tục quán triệt sâu rộng nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong tình hình mới; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động tới các cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể, các địa phương, doanh nghiệp và người lao động biết, thực hiện; các chỉ đạo của Trung ương về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

2. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, từng hộ gia đình và người dân về học nghề, việc làm hợp pháp có thu nhập ổn định cho người lao động là "chìa khóa" giúp thực hiện thành công công cuộc giảm nghèo bền vững ở các địa phương. Phát huy sức mạnh tổng hợp các loại hình tuyên truyền, các cơ quan báo chí, truyền thông trung ương và địa phương theo phương châm “Thấm từng nhà - Ngấm từng đối tượng”. Phấn đấu “Mỗi hộ gia đình ở khu vực nông thôn có ít nhất một người trong độ tuổi lao động được tạo việc làm mới hoặc có thu nhập ổn định”.

3. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm: Chủ động làm tốt công tác dự báo, dự đoán nhu cầu và xu hướng phát triển nghề nghiệp trong tỉnh, khu vực, trong nước và quốc tế; Rà soát, sắp xếp tổ chức về đào tạo nghề, đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ phù hợp với yêu cầu phát triển, sử dụng lao động của doanh nghiệp và địa phương; Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đa dạng hóa phương thức tổ chức quá trình dạy học. Khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục trên địa bàn tỉnh. Tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề bảo đảm chất lượng; kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

4. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập phải xây dựng chiến lược đào tạo, cung ứng lao động đáp ứng yêu cầu sử dụng nhân lực của địa phương và thị trường; tháo gỡ khó khăn, đầu tư phát triển hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ, điều phối và quản lý thị trường lao động trên địa bàn; tạo điều kiện cho người lao động tham gia học nghề, tiếp cận thông tin về thị trường lao động, việc làm và doanh nghiệp dễ tiếp cận cung lao động.

5. Gắn chặt giữa đào tạo nghề với giải quyết việc làm, chú trọng đào tạo đón đầu nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp và thị trường lao động: Rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối đào tạo cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp và thị trường lao động. Đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nâng tỷ lệ học sinh tham gia học nghề phù hợp, gắn với tạo việc làm ổn định, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và chất lượng lao động của tỉnh.

6. Các ngành, các địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

 Đổi mới mô hình tăng trưởng nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, gắn với phát triển bền vững; các mô hình phát triển kinh tế (chăn nuôi, trồng trọt…) theo hướng ứng dụng công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế lớn; đầu tư nguồn lực cho các chương trình, đề án tạo nhiều việc làm bền vững; thu hút các nhà đầu tư lớn sử dụng nhiều lao động địa phương;

 Tăng cường triển khai có hiệu quả các chương trình vay vốn tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất; đa dạng hoá các nguồn tín dụng nhằm thúc đẩy tạo việc làm mới, việc làm cho đối tượng yếu thế tạo thu nhập ổn định cho lao động địa phương, đặc biệt là đối với các huyện nghèo, xã nghèo.

Khuyến khích các hình thức phát triển sản xuất kinh doanh, kinh tế hộ gia đình,... tạo việc làm mới cho người lao động; đảm bảo phát triển thị trường lành mạnh, ổn định, tạo ra nhiều việc làm tại chỗ cho người lao động của tỉnh.

7. Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý lao động; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động. Làm tốt công tác dự báo thị trường lao động, việc làm trong và ngoài tỉnh, trong nước và quốc tế; tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề cấp bách của người lao động, người sử dụng lao động để khơi thông các điểm nghẽn của thị trường lao động, phát triển bền vững.

8. Nghiên cứu đề xuất các chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký thành lập và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp để thu hút, sử dụng lao động chính thức, chuyển dần lao động phi chính thức sang lao động chính thức; chính sách khuyến khích các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, đặc biệt là lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đi làm việc trong, ngoài tỉnh và nước ngoài theo hợp đồng với thu nhập ổn định.

 Bố trí, bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, cân đối nguồn kinh phí của tỉnh, nguồn vốn vay giải quyết việc làm và nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện các nội dung theo chương trình, kế hoạch, đề án về giáo dục nghề nghiệp, lao động việc làm.

 Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về công tác giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm theo quy định của pháp luật.

Đỗ Quang Thắng – Phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn