Tăng cường phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp đang phát triển mạnh mẽ với sự cạnh tranh ngày càng cao ở cấp địa phương, quốc gia cũng như toàn thế giới. Thực tế đó đòi hỏi mỗi quốc gia, địa phương và các doanh nghiệp du lịch, khách sạn ngày càng phải quan tâm hơn, tìm cách thức để đáp ứng tốt hơn nhu cầu, mong muốn của khách hàng và tạo ra giá trị cao hơn cho họ. Để thực hiện được mục đích này, có rất nhiều yếu tố liên quan nhưng yếu tố quyết định đó chính là nguồn nhân lực du lịch. 

Xác định được tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thời gian qua các sở, ngành, địa phương thường xuyên quan tâm làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có dự án đầu tư về du lịch trên địa bàn tỉnh trong khảo sát nhu cầu sử dụng lao động để đào tạo, cung ứng nguồn lao động tại địa phương.

Trong 05 năm (2017-2021), toàn tỉnh đã đào tạo được 76.515 người/kế hoạch 67.200 người đạt 113,9% kế hoạch năm. Trong đó, các nhóm ngành nghề thuộc lĩnh vực du lịch - dịch vụ đã có trên 20.400 lượt người lao động trực tiếp tham gia đào tạo, bồi dưỡng (Đào tạo nghề dài hạn tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành nghề như: Hướng dẫn du lịch; quản trị khách sạn, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật; kỹ thuật chế biến món ăn; quản trị lễ tân; nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn; tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp, thanh nhạc,.... Đào tạo nghề ngắn hạn (sơ cấp và đào tạo thường xuyên) chủ yếu các nhóm ngành nghề như: nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; nghiệp vụ lễ tân; nghiệp vụ buồng, bàn; nghiệp vụ nhà hàng; kỹ thuật chế biến món ăn; kỹ thuật pha chế đồ uống; nghiệp vụ Spa – Massge; kỹ thuật Nail-Uốn mi, nối mi; thêu may thổ cẩm, lái xe ô tô,...).

Hàng năm các cơ quan chuyên môn của tỉnh thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho trên 2.500 người là cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, hướng dẫn viên du lịch, lực lượng lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch như: tập huấn về kiến thức quản lý cơ sở lưu trú và kỹ năng quản lý thống kê qua phần mềm; kỹ năng xây dựng chính sách và quy hoạch du lịch; kỹ năng quản lý khách sạn theo bộ tiêu chuẩn VTOS; kỹ năng quản lý khách sạn từ 4 - 5 sao; kỹ năng tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng cho các điểm đến; nghiệp vụ điều hành tour; nghiệp vụ buồng, lễ tân khách sạn; nghiệp vụ du lịch cho lái xe du lịch….

Ngoài ra các Trường ngoài tỉnh (Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng, Trường trung cấp công nghệ y khoa trung ương, Trường trung cấp cộng đồng Hà Nội,...) đã liên kết với các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyển sinh và đào tạo cho 1.100 học sinh sinh viên tham gia học các ngành nghề như: hướng dẫn du lịch; quản trị khách sạn; quản trị lễ tân; kỹ thuật chế biến món ăn; pha chế đồ uống; nghiệp vụ buồng, bàn; tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp; tiếng Nhật,...

Mặc dù nguồn nhân lực du lịch thời gian qua đã được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, tuy nhiên nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, thiếu đội ngũ lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao, nhất là về đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm du lịch. Thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp và người dân trong hoạt động du lịch; các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch ít chú trọng đầu tư đào tạo theo tiêu chuẩn nghề du lịch; số lượng hướng dẫn viên được đào tạo về chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và hiểu biết về văn hoá, phong tục các dân tộc còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch cấp huyện và cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm nên thiếu năng lực và kỹ năng chuyên môn; công tác phối hợp trong chỉ đạo và triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh đến cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, chưa hiệu quả cao. Thiếu các cơ chế, chính sách về phát triển, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực phục vụ du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Nhằm xây dựng được nguồn nhân lực kinh doanh du lịch đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý và đạt tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh trong giai đoạn tới cần thực hiện các vấn đề sau: Tổ chức phổ biến và áp dụng Bộ tiêu chuẩn năng lực chung trong ASEAN về nghề Du lịch (ACCSTP), Chương trình Du lịch chung ASEAN (CATC) theo Thỏa thuận nghề du lịch giữa các nước ASEAN (MRA-TP) tạo ra hệ thống đào tạo du lịch thực chất hiệu quả. Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở; nguồn nhân lực tại địa phương, phục vụ du lịch cộng đồng và thu hút nguồn nhân lực du lịch có trình độ cao từ các địa phương khác về làm việc tại tỉnh Lào Cai.  

Trịnh Xuân Quyết – Phó Trưởng phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn