Tăng cường công tác ngoại giao kinh tế
Trong những năm qua, Tỉnh ủy Lào Cai đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc tăng cường hoạt động giao lưu hữu nghị, hợp tác với các đối tác truyền thống và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế, địa phương nước ngoài, trong đó công tác ngoại giao kinh tế được tăng cường triển khai thực hiện đã góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Trong thời gian tới, với mục tiêu chủ động thu hút, huy động các nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng địa phương có thế mạnh; phát huy vai trò cầu nối của tỉnh; thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác của tỉnh với các địa phương, các đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ tầm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nói chung và Chương trình hành động của Tỉnh ủy Lào Cai về triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW nói riêng, Tỉnh Lào Cai cần tập trung triển khai một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Một là, Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng đối với công tác ngoại giao kinh tế trong triển khai hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Xác định nhiệm vụ ngoại giao kinh tế trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm;  Phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức tham mưu công tác ngoại giao kinh tế; tăng cường sự chủ động trong triển khai thực hiện. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp liên cấp, liên ngành nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong thực hiện ngoại giao kinh tế nói riêng, công tác đối ngoại của tỉnh nói chung.

Hai là, Tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các địa phương, đối tác nước ngoài.

 Đối với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, trên tinh thần nhận thức chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước, cần tiếp tục chủ động, tích cực tạo lập, hoàn thiện khuôn khổ hợp tác, gắn kết chặt chẽ quan hệ chính trị, đối ngoại với hợp tác về kinh tế (kết nối giao thông, xuất nhập khẩu hàng hoá,…), quản lý biên giới, cửa khẩu, phòng chống tội phạm, văn hoá, giáo dục, y tế, nông nghiệp, khoa học công nghệ... Trong đó, đối ngoại Đảng đóng vai trò dẫn dắt công tác ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Tranh thủ tối đa quan hệ chính trị, đối ngoại để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, qua đó củng cố và tăng cường quan hệ giữa hai bên, nâng cao tiềm lực, vị thế của tỉnh. Thông qua con đường ngoại giao, củng cố và làm sâu sắc thêm vai trò cầu nối của tỉnh Lào Cai giữa thị trường Việt Nam, các nước ASEAN và vùng Tây Nam (Trung Quốc), góp phần phát triển Lào Cai trở thành một trung tâm dịch vụ kinh tế của khẩu trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và xây dựng Lào Cai thành trung tâm Logistic quan trọng của cả nước, có mạng lưới hạ tầng, dịch vụ đồng bộ, hiện đại.

 Tiếp tục củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ đã thiết lập giữa tỉnh Lào Cai với các địa phương nước ngoài, bao gồm: Vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp), tỉnh Brest (Belarus), quan hệ với các tổ chức, định chế tài chính lớn trên thế giới như: Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và các đối tác quan trọng, đối tác chiến lược khác.

Tăng cường mở rộng và phát triển thêm các quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương, vùng lãnh thổ (bao gồm các địa phương thuộc: Lào, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản…) và tổ chức, đối tác quốc tế mới, đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện, nhu cầu của tỉnh, đảm bảo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, tuân thủ theo đúng quy định pháp luật và quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

  anh tin bai

Đồng chí Đặng Xuân Phong - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp và làm việc với

 Ngài Pranay Verma, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam

Tận dụng triệt để, hiệu quả quan hệ ngoại giao với các địa phương, đại sứ quán, đối tác nước ngoài để thu hút, xúc tiến đầu tư, thương mại, phát triển các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh như: Du lịch, nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng, xuất khẩu.

Ba là, Xây dựng, nâng cao chất lượng ngoại giao kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tại tỉnh Lào Cai, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động ngoại giao kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư vào tỉnh. Tích cực vận động, thu hút các nguồn vốn ODA, FDI, NGO một cách có chọn lọc, phù hợp với địa phương, nhằm tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó: (i) chủ động xây dựng, đề xuất dự án vận động vay vốn ODA; (ii) tăng cường thu hút các dự án FDI đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics; (iii) vận động viện trợ NGO phù hợp với lĩnh vực ưu tiên xúc tiến đối với tổ chức phi chính phủ nước ngoài theo quy định của Chính phủ và của tỉnh Lào Cai. Bố trí nguồn lực đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc thù của ngoại giao kinh tế và điều kiện của tỉnh.

Tăng cường nghiên cứu, đề xuất Trung ương ban hành một số cơ chế, chính sách để thu hút thêm các nguồn lực cho phát triển, trong đó tập trung vào cơ chế, chính sách đặc thù để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế, hợp tác quốc tế với tỉnh Vân Nam, vùng Tây Nam (Trung Quốc) và ASEAN; khai thách tiềm năng tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; thí điểm xây dựng Khu kinh tế qua biên giới tại Lào Cai,…

Nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA quan trọng như: Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Trung, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)… Tranh thủ các FTA để mở rộng hợp tác về kinh tế với đối tác nước ngoài, tìm kiếm cơ hội và tăng cường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh tới thị trường các quốc gia tham gia các FTA.

Thông qua quan hệ đối ngoại, tích cực tìm kiếm, mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường. Tăng cường quan hệ, trao đổi với Đại sứ quán các nước tại Việt Nam; phối hợp với các cơ quan trung ương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tìm hiếm cơ hội hợp tác, thiết lập mối quan hệ ngoại giao, tìm kiếm thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tiếp cận các thị trường quốc tế và kết nối doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch, quảng bá hình ảnh Lào Cai với các địa phương, đối tác nước ngoài bằng nhiều hình thức, phương thức hiệu quả.

Thông qua ngoại giao, xúc tiến hợp tác để phát triển du lịch là ngành thế mạnh của tỉnh, trong đó tập trung các nội dung: (i) Đẩy mạnh phát triển Tour kết nối hợp tác phát triển du lịch: “Hai quốc gia, 6 điểm đến” (Côn Minh - Hồng Hà (Vân Nam, Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam)); (ii) hợp tác khai thác phát triển sản phẩm du lịch xuyên biên giới như: Tour du lịch Đường Sắt Điền Việt và các địa danh Hồ Chí Minh tại Vân Nam (Trung Quốc); (iii) Xúc tiến du lịch tại các thị trường quốc tế: Châu Âu (Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp,…), Bắc Á (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản), các nước ASEAN (Singapore, Thái Lan, Lào,…), Úc, Bắc Mỹ (Mỹ, Canada) bằng nhiều hình thức linh hoạt, hiệu quả.

Khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào Lào Cai ở nước ngoài tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Lào Cai và Việt Nam. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tiếp tục cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào về đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Lào Cai.

Bốn là, Nâng cao năng lực dự báo, dự đoán của hoạt động đối ngoại. Tăng cường theo dõi, nắm bắt, cập nhật kịp thời thông tin, tình hình kinh tế thế giới để nâng cao năng lực dự báo, tham mưu và đưa ra chiến lược, chính sách phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của tỉnh. Tăng cường gắn kết, trao đổi, nắm bắt thông tin từ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế của tỉnh một cách thiết thực, hiệu quả, vừa đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm về quốc phòng, an ninh.

 

Đỗ Quang Thắng – Phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn