Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị tỉnh Lào Cai
Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Trong giai đoạn vừa qua, các lĩnh vực này đã được Đảng bộ tỉnh Lào Cai xác định là một trong những lĩnh vực trọng tâm, định hướng cho việc điều chỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính, là động lực quan trọng để xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Tỉnh Lào Cai đã cụ thể hoá sự lãnh đạo của Đảng thông qua ban hành Đề án số 04-ĐA/TU về phát triển mạng lưới mạng lưới đô thị gắn liền với mạng lưới giao thông trọng điểm.

Đô thị hoá và phát triển đô thị đã trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, tỉnh Lào Cai có 10 đô thị (01 đô thị loại II, 01 đô thị loại IV và 08 đô thị loại V); tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 28,96%; không gian các đô thị dần được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn, chất lượng đời sống dân cư đô thị được cải thiện và dần được nâng cao. Công tác quy hoạch, quản lý đô thị được tỉnh hết sức quan tâm, chỉ đạo thực hiện, từng bước đi vào nền nếp. Đến nay, đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng tại 100% các đô thị, các khu chức năng và các xã; đã phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực phát triển đô thị, các khu chức năng khoảng 20% diện tích đô thị. Công tác quy hoạch đã giữ được vai trò dẫn dắt, thu hút nhà đầu tư các dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại, khu dân cư góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách, nâng cao đời sống cho nhân dân trong đô thị. Quy hoạch chi tiết các khu đô thị, khu nhà ở thương mại, khu dân cư, tuyến đường đô thị đã cơ bản tuân thủ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt.

Với quan điểm, đô thị hoá tiếp tục được xác định là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của tỉnh trong thời gian tới. Vì vậy, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo và trở tạo động lực phát triển quan trọng để xây dựng Lào Cai trở thành Cực tăng trưởng và là trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc. Tỉnh Lào Cai đã xác định một số mục tiêu như: - Đến năm 2025: Tỉ lệ đô thị hoá đạt tối thiểu 35% với 13 đô thị, tỉ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 1,5- 1,9%; tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 13-16%; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt 6-8m2; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt trên 26m2; phố cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G. Đến năm 2030: Tỉ lệ đô thị hoá đạt tối thiểu 45% với 16 đô thị;  tỉ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 1,9% - 2,3%; tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 16-26%; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt 8-10m2; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt trên 27,7m2.

anh tin bai

 Thành phố Lào Cai

Để hoàn thành các mục tiêu đã xác định, trong thời gian tới, Tỉnh Lào Cai cần tập trung triển khai thực hiện một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Rà soát, đề xuất xây dựng chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Thường xuyên rà soát, đề xuất xây dựng, điều chỉnh chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch đô thị, phát triển đô thị, kiến trúc, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, đô thị thông minh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị… bảo đảm minh bạch, thống nhất; giải quyết phù hợp các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo. Thực hiện áp dụng hệ thống chỉ tiêu, chỉ số về đô thị hoá và phát triển đô thị bền vững theo hệ thống trung ương ban hành. Nghiên cứu lựa chọn mô hình phát triển đô thị bền vững, phù hợp với đặc điểm, điều kiện địa phương vùng cao có đông người dân tộc thiểu số, có nhiều di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên cần bảo tồn và phát huy. Chỉ đề xuất nâng cấp đô thị khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Tập trung xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến đô thị có tính chất liên ngành như: bảo vệ an ninh nguồn nước, thu gom và xử lý chất thải, sử dụng tài nguyên khoáng sản, đất đai, vận tải công cộng, hạ tầng số và logistic…; đầu tư kết cấu hạ tầng dùng chung tại các đô thị và khu công nghiệp. Phân cấp cho các địa phương trong công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị. Bố trí, lồng ghép các nguồn vốn (Ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách...) một các tương xứng để bảo đảm thực hiện các mục tiêu của chính sách an sinh nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội. Vận hành hiệu quả một số quỹ tài chính Nhà nước ngoài Ngân sách cho phát triển nhà ở và bất động sản; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng nhà ở, nhà cho thuê, đất ở cho người thu nhập và trung bình; cải tạo, chỉnh trang đô thị; xoá bỏ nhà tạm, xuống cấp, hết niên hạn sử dụng; đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị. Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài chính, ngân sách địa phương; nghiên cứu, đề xuất cơ chế tạo nguồn thu, phân cấp ngân sách để lại cho các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển đô thị theo quy hoạch.

Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Thực hiện đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung… theo hướng tiếp cận đa ngành, bao trùm, tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững. Tích hợp quy hoạch vùng tỉnh với quy hoạch phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc; bảo đảm sự gắn kết giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới, giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Gắn kết chặt chẽ quy hoạch đô thị với quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị với quy hoạch trung tâm xã và vùng nông thôn. Bảo đảm phân loại đất đô thị gắn với quy hoạch đô thị và mục đích sử dụng đất; quy hoạch đô thị và quy hoạch hạ tầng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi các loại đất sang đất đô thị; gắn việc lập quy hoạch với khả năng cân đối, kêu gọi được nguồn lực thực hiện. Quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị đặc biệt là quy hoạch, quản lý sử dụng không gian nổi, công trình ngầm, không gian ngầm phải được gắn kết đồng bộ, thống nhất với yêu cầu quản lý, bảo vệ các khu vực, địa hình dành riêng cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh bền vững và đồng bộ. Triển khai thực hiện theo các định hướng của Trung ương về quy hoạch về phát triển, nâng cao chất lượng các đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xác định phát triển đô thị là hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung xây dựng đô thị cấp vùng. Ưu tiên phát triển các đô thị loại V để góp phần gia tăng mật độ các đô thị, phát triển vùng ngoại thành, ngoại thị để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua mối liên kết đô thị - nông thôn (được gắn kết bằng giao thông trọng điểm); đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về du lịch, có tiềm năng phát triển du lịch nhất là hạ tầng kết nối liên huyện, liên tỉnh, liên vùng. Sử dụng hợp lý công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để điều tiết sự gia tăng dân số đô thị, đặc biệt là khu vực ven thị trấn, khu vực ngoại thành, ngoại thị, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đô thị hoá. Quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại các trung tâm đô thị, đặc biệt là các địa bàn trọng tâm về du lịch để bảo đảm cảnh quan, kiến trúc; tránh quá tải hạ tầng. Xây dựng nông thôn mới phù hợp với định hướng đô thị hoá; kết hợp đồng thời việc xây dựng mới với cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và nâng cấp đô thị.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bố trí nguồn lực và triển khai hiệu quả chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng, cải tạo nhà ở phù hợp với quy hoạch đô thị, quy chế quản lý kiến trúc đô thị và báo cáo đề xuất khu vực phát triển đô thị. Ưu tiên bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân và các thiết chế khác trong khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị. Nghiên cứu kỹ lưỡng, chi tiết việc tổ chức (sắp xếp, sáp nhập, thành lập mới) đơn vị hành chính đô thị phù hợp với quy hoạch và yêu cầu phát triển. Tăng cường phân cấp cho các địa phương trong quản lý đô thị theo thẩm quyền pháp luật quy định. Tổ chức đánh giá, công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đối với các đô thị trên phạm vi toàn tỉnh. Nghiên cứu rà soát tổng thể, sắp xếp lại các thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở tại các đô thị theo hướng đa năng, tổ hợp, phục vụ rộng rãi gắn với quản lý chặt chẽ quỹ đất công, quỹ đất dôi dư trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công để mở rộng, phát triển không gian công cộng. Xem xét điều chỉnh, ban hành các quy chế quản lý đô thị, quy chế quản lý kiến trúc để làm cơ sở quản lý cảnh quan, kiến trúc, hoạt động xây dựng tại đô thị; trọng tâm là các đô thị du lịch.

Chú trọng phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững; trọng tâm là du lịch, thương mại, tài chính, logistic ... tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Phát triển kinh tế gắn với chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp nông thôn và dịch vụ xã hội tại các đô thị nhỏ. Quy hoạch hoàn chỉnh hệ thống trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh trong và ven đô thị. Xác định được địa bàn trọng điểm để phát triển kinh tế dịch vụ; kinh tế du lịch, thể thao… Nghiên cứu, đề xuất mô hình, sản phẩm kinh tế ban đêm tại một số trung tâm đô thị. Đưa vào khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hoá, lịch sử, không gian công cộng (như công viên, vỉa hè...) để phát triển kinh tế khu vực đô thị, tăng thu ngân sách. Khuyến khích các địa phương chủ động xây dựng thương hiệu đô thị; thực hiện hợp tác, liên kết thúc đẩy phát triển kinh tế của đô thị gắn với phát huy được tiềm năng, lợi thế, bản sắc văn hoá, sản phẩm đặc trưng, riêng có của địa phương theo đúng quy định, thẩm quyền. Quan tâm thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tất các ngành, lĩnh vực tạo động lực hình thành và phát triển đô thị thông minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TU ngày 07/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển nguồn nhân lực.

 

Đỗ Quang Thắng - Chuyên viên phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn