Phát triển văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số
Công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho Nhân dân vùng dân tộc thiểu số được quan tâm, chú trọng; mạng lưới y tế phát triển từ tỉnh đến thôn, bản; cơ sở vật chất trang thiết bị được tăng cường đầu tư, xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện: Bệnh viện đa khoa thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, Bảo Thắng, Si Ma Cai, Văn Bàn; xây mới 50 trạm y tế, 100% các xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99%. Chính sách bảo hiểm y tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy hiệu quả, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ, thậm chí miễn phí khi đến các cơ sở y tế khám và chữa bệnh; nhận thức của Nhân dân được đổi thay căn bản, khi có bệnh đã đến các cơ sở y tế, tình trạng cúng, lễ cho người ốm giảm đáng kể. 

Công tác bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được các cấp ủy và chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nhận thức về giới và bình đẳng giới ngày càng được nâng lên, vị trí vai trò của phụ nữ dân tộc ngày càng được khẳng định trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, tư tưởng, trọng nam, khinh nữ dần được xóa bỏ. Số phụ nữ dân tộc tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội tăng lên, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng thụ các dịch vụ an sinh xã hội. Công tác chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em trong vùng đồng bào dân tộc đã có sự chuyển biến tích cực: số trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt 98,6%;  tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 18%, giảm 1,9% so với năm 2015, Tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ngày càng tăng, các quyền dành cho trẻ em ngày càng được bảo đảm. Số bác sỹ trên 01 vạn dân đạt 12,3; gường bệnh trên 01 vạn dân đạt 41,1; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,2% bảo đảm duy trì mức sinh thay thế.

Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào được coi trọng, trong những năm qua các ngành chức năng đã thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh tại 500 làng; sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nhóm các dân tộc thiểu số dưới 3.000 người (nhóm có nguy cơ mai một cao), gồm các dân tộc: Bố Y, Xá Phó, Phù Lá, Pa Dí, Hà Nhì.... Đến nay trên địa bàn tỉnh có 19 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, các di sản: “Nghi lễ kéo co Tày, Giáy” được lựa chọn lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc các dân tộc được phục dựng, bảo tồn như: Lễ hội "Gặt Tu Tu" của người Hà Nhì đen ở Ý Tý (Bát Xát), Lễ hội tạ ơn trâu (Sừ Dề Pà) của người Bố Y, Lễ hội Gầu tào của người Mông, Lễ hội xuống đồng của người Tày, Giáy, Hội cốm của dân tộc Tày, Lễ bảo vệ rừng (cấm rừng) của dân tộc Nùng, dân tộc Mông, Lễ cấp sắc của người Dao, lễ hội Roóng Poọc của người Giáy... Các lễ hội này đã được người dân duy trì tổ chức hàng năm; nhiều lễ hội đã được xây dựng thành sản phẩm thương hiệu phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương thu hút đông khách du lịch đến khám phá, tìm hiểu.

Ngoài ra, việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết cho các dân tộc thiểu số cũng được coi trọng. Các phim, phóng sự tài liệu tuyên truyền cấp phát cho cơ sở được dịch và lồng tiếng các dân tộc Mông, Dao, Phù lá. Đặc biệt, đã hoàn thành cuốn sách “Giáo trình dạy chữ Nôm - Dao”; mở nhiều lớp truyền dạy chữ Nôm - Dao cho thanh, thiếu niên người Dao tại huyện Bảo Thắng, Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương. Bên cạnh đó, để truyền dạy, quảng bá tinh hoa văn hóa DTTS cho thế hệ trẻ, tỉnh Lào Cai đã ban hành một số cơ chế trong việc phát hiện, công nhận và đặt hàng đối với đội ngũ các nghệ nhân dân gian trong sưu tầm, bảo tồn, truyền dạy, quảng bá các tinh hoa, di sản văn hóa, đến nay tỉnh Lào Cai đã xây dựng được đội ngũ nghệ nhân dân gian, có trình độ chuyên môn, hiểu biết sâu về nhiều lĩnh vực tri thức, văn hóa dân gian, có đóng góp quan trọng trong công tác bảo tồn, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hóa bản địa.

Công tác phát thanh, truyền hình có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức, tăng thời lượng phát sóng, đảm bảo thông tin kịp thời, bám sát định hướng tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của Trung ương và của tỉnh. Hiện nay 100% xã trên địa bàn tỉnh được phủ sóng phát thanh, truyền hình. Công tác phát thanh truyền hình bằng tiếng dân tộc tiếp tục được duy trì và tăng cường; ra mắt trang fanpage tiếng Dao và tiếng Mông trên nền tảng số, giúp đồng bào Dao, Mông kịp thời tiếp cận các thông tin cần thiết về chính trị, kinh tế, văn hóa...

Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào cải tạo tập quán lạc hậu được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều tập quán rườm rà, tốn kém, phản cảm trong việc cưới, việc tang, trong lễ hội dần được loại bỏ hoặc cải tiến, thay thế phù hợp với điều kiện hiện nay; công tác cải tạo tập quán lạc hậu trong đời sống sinh hoạt được đổi thay rõ nét gắn với phong trào xây dựng Nông thôn mới, trong đó tập trung vào việc vận động nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng, tác động tích cực đến đời sống nhân dân, tạo động lực thúc đẩy thi đua, phát triển kinh tế xã hội ngay tại cơ sở; kết thúc năm 2020, toàn tỉnh có 83% số hộ gia đình; 95% cơ quan, đơn vị; 80% doanh nghiệp; 76% thôn, làng, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa.

Qua 07 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TU, cùng với sự vào cuộc của các cấp các ngành, các địa phương, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có bước phát triển. Kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc được đầu tư xây dựng đã làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng DTTS. Công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên rõ rệt; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn hóa, thể thao được quan tâm phát triển; bản sắc văn hóa của đồng bào được bảo tồn và phát huy; các tập quán lạc hậu dần được cải tạo. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm; đội ngũ cán bộ đồng bào dân tộc không ngừng tăng cường cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng và phát huy. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Việc thực hiện tốt công tác dân tộc đã góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn, tạo lòng tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước./.

Đào Anh Tuấn – Phó Trưởng phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn