Sau 05 triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Ngay sau Nghị quyết được ban hành tỉnh Lào Cai đã cụ thể hóa các hoạt động, xây dựng Chương trình hành động thiết thực, bám sát thực tế và nhận được sự ủng hộ, sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị. Do vậy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Giai
đoạn 5 năm (2017 - 2021), tỉnh Lào Cai đón trên 16 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế
đạt trên 2 triệu lượt, khách nội địa đạt trên 14 triệu lượt; tổng thu du lịch
đạt trên 53.000 tỷ đồng. Đến năm 2019, cơ bản các nhiệm vụ đảm bảo tiến độ theo
mục tiêu đề ra; đã có 3/6 chỉ tiêu đã
đạt trên 100% so với mục tiêu kế hoạch; có 3/6 chỉ tiêu đã đạt từ 80% - trên
90%. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, có tác
động lớn đến mọi lĩnh vực, đặc biệt là ngành du lịch.
Năm 2021, dịch bệnh
Covid-19 kéo dài với các đợt bùng phát dịch trong cộng đồng, ngành du lịch Lào
Cai tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể: Tổng lượt khách du lịch đến Lào Cai chỉ đạt 1.405.930 lượt
khách (giảm 38,9% so với cùng kỳ 2020, đạt 28,1% kế hoạch năm). Trong đó, chủ
yếu là khách nội địa, không có khách quốc tế. Tổng thu du lịch đạt khoảng 4.440
tỷ đồng (giảm 38,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 27,8% so với kế hoạch năm). Tổng số cơ sở lưu trú
trên địa bàn tỉnh 1.326 cơ sở (952 nhà nghỉ và khách sạn, 374 homestay); trên
16.800 phòng, trong đó có khoảng 5.400 phòng khách sạn 3 sao trở lên. Mức chi tiêu bình quân
1.550.000VNĐ/người/ngày. Tạo được 12.000 việc làm; trong đó 5.000 lao động trực
tiếp và 7.000 lao động gián tiếp.
Trong 5 năm qua, cơ bản các nhiệm vụ đảm bảo
tiến độ theo kế hoạch năm và mục tiêu Chương trình, trong đó có những chỉ tiêu
dẫn đầu khu vực Tây Bắc và đạt cao so với cả nước. Chỉ tiêu về cơ sở lưu trú và
mức chi tiêu bình quân của khách nội địa đã vượt mục tiêu Chương trình đề ra.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch quốc tế ngừng
trệ và các đợt thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch theo quy định;
mặt khác, việc thay đổi hành vi tiêu dùng của xã hội do tác động của dịch bệnh
(trong đó lĩnh vực du lịch cũng chịu sự ảnh hưởng lớn), dẫn đến chỉ tiêu về
khách du lịch, tổng thu từ du lịch và chỉ tiêu về lao động du lịch không đạt so
mục tiêu kế hoạch đề ra.
Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng
cường, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Các dự án phục vụ du lịch được tăng cường đầu
tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách góp phần đáp ứng nhu cầu đầu tư tại các
vùng trọng điểm du lịch của tỉnh. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được quan
tâm, chú trọng với việc đề ra
các mục tiêu, giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá. Sản phẩm du lịch được đầu
tư xây dựng ngày càng phong phú, hấp dẫn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao
của du khách trong và ngoài nước. Du lịch Lào Cai đã đem lại nguồn thu lớn cho
ngân sách địa phương (đóng góp khoảng 15% GRDP của tỉnh).
Để triển
khai thực hiện phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới
tỉnh Lào Cai tập trung thực hiện các nhiệm vụ với yêu cầu phải hoàn thành ở mức cao đối với tất cả
các mục tiêu về du lịch của Đề án số 03-ĐA/TU “Phát triển Văn hóa - Du lịch
tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025 và Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch
tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuyên truyền, nâng
cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch: Xây dựng
chuyên mục, chuyên trang, các phóng sự, tin bài, các hình ảnh truyền thông
(Infographic) về Nghị quyết số 11- NQ/TU để tuyên truyền giáo dục, lan tỏa,
nâng cao ý thức, nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch, có trách
nhiệm, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng môi trường du lịch văn minh, nhằm
huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, các đơn vị
kinh doanh du lịch và khách du lịch; Tổ chức hội nghị, hội thảo về du lịch; Tuyên truyền, vinh danh
các tấm gương tốt, điển hình trong kinh doanh du lịch.
Xây
dựng triển khai quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển du lịch, sản phẩm du
lịch: Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 9/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách
hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025. Xây dựng khung chiến lược phát
triển du lịch của tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch
phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025, ứng phó với những tác
động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu,… Tổ chức triển khai Quyết định số
1845/QĐ-TTg ngày 26/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng
thể phát triển khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030.
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật
phục vụ du lịch:
Lồng ghép tối đa, hiệu quả, hợp lý các nguồn
vốn (Chương trình mục tiêu Quốc gia, Ngân sách tỉnh, Ngân sách huyện, vốn tài
trợ của doanh nghiệp, vốn huy động đóng góp của nhân dân...) để phát huy hiệu
quả sử dụng. Đẩy nhanh các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du
lịch: Cảng hàng không Lào Cai (Sân bay Sa Pa tại xã Cam Cọn - Bảo Yên); đầu tư
phát triển hệ thống đường giao thông kết nối Khu du lịch Sa Pa với các địa
phương trong tỉnh: Tuyến đường Sa Pa - Bát Xát - Thành phố Lào Cai; Sa Pa - Bảo
Thắng - Văn Bàn; Sa Pa - Thành phố Lào Cai - Bắc Hà (Đề án số 4-ĐA/TU: Phát
triển, nâng cao chất lượng các đô thị và giao thông trọng điểm tỉnh Lào Cai
giai đoạn 2020 - 2025). Đầu tư khai thác tuyến du
lịch Sông Hồng, gắn kết phát triển hệ thống sản phẩm du lịch tâm linh: Đền
Thượng, Đền Đôi Cô (thành phố Lào Cai), Đền Bảo Hà, Đền Phúc Khánh (huyện Bảo
Yên), Đền Trung Đô, Đền Bắc Hà (huyện Bắc Hà), Đền Cô Tân An, Đền Chiềng Ken
(huyện Văn Bàn), Đền Mẫu, Đền Mẫu Thượng, Quần thể tâm linh Khu du lịch Cáp
treo Fansipan (thị xã Sa Pa) hình thành chương trình (tuor) du lịch tâm linh.
Hoàn thiện các tiêu chí của các khu, điểm du lịch tâm linh để được công nhận
thành các Khu, điểm du lịch. Đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch cộng
đồng, sản phẩm truyền thống, làm nhà truyền thống kinh doanh lưu trú
(homestay), sản phẩm nông nghiệp, du lịch chất lượng cao OCOP, phát triển các
chương trình biểu diễn âm nhạc dân gian, truyền thống, du lịch nông nghiệp sinh
thái tại các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng, Si Ma Cai, Văn Bàn, Bảo Yên
và thành phố Lào Cai.
Phát
triển, đào tạo nguồn nhân lực du lịch:
Tổ chức phổ biến và
áp dụng Bộ tiêu chuẩn năng lực chung trong ASEAN về nghề Du lịch (ACCSTP),
Chương trình Du lịch chung ASEAN (CATC) theo Thỏa thuận nghề du lịch giữa các
nước ASEAN (MRA-TP) tạo ra hệ thống đào tạo du lịch thực chất hiệu quả.
Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực
cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở;
nguồn nhân lực tại địa phương, phục vụ du lịch cộng đồng và thu hút nguồn nhân
lực du lịch có trình độ cao từ các địa phương khác về làm việc tại tỉnh Lào
Cai.
Đẩy mạnh liên kết, hợp tác, xúc tiến quảng bá phát triển du lịch: Chủ
động triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi du lịch thích ứng linh hoạt, đảm
bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19: Quảng bá hình ảnh du lịch, duy trì và
khẳng định thương hiệu “Lào Cai - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”; làm mới, xây dựng
mới các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, tổ chức các sự kiện du lịch
độc đáo, hấp dẫn du khách; tăng cường kết nối các thị trường trọng điểm; các
hãng lữ hành lớn để thu hút khách du lịch đến Lào Cai. Duy trì hợp tác phát
triển du lịch với vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp), triển khai chương
trình hợp tác với Pháp giai đoạn 2021 - 2023; tiếp tục
thực hiện chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng Lào Cai - Yên Bái - Phú
Thọ - Hà Giang - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình khai thác tuyến du
lịch vòng cung Tây Bắc; ký hợp tác quảng bá với VietNam Aiirline, đường sắt
Việt Nam, áp dụng các gói khuyến mại du lịch; tham gia
các chương trình sự kiện quảng bá xúc tiến trong nước và quốc tế, Hội
chợ/liên hoan/triển lãm du lịch (Hội chợ Quốc tế Trung - Việt; Tham gia Hội chợ Du lịch Quốc
tế VITM năm 2022 tại Hà Nội; Tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế Tp.HCM (ITE) năm
2022).
Phát triển các thị trường, sản phẩm du lịch: Bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống đặc sắc của
các dân tộc Mông, Dao tỉnh Lào Cai gắn với phát triển sản phẩm du lịch, mô
hình bảo tồn may thêu trang phục dân tộc Mông tại thị xã Sa Pa phục vụ phát
triển du lịch. Tổ chức các sự kiện du lịch trở thành
các sản phẩm du lịch đặc sắc Festival “Tinh hoa Tây Bắc, Cao nguyên trắng Bắc
Hà”, Lễ hội tình yêu và Hoa Hồng "Love and rose festival; Lễ hội Tuyết Sa
Pa. Tái hiện Chợ tình Sa Pa; sản phẩm du lịch “Sa Pa Thổ Cẩm và Hoa"…. Phát
triển với các sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao, các sản phẩm dịch vụ về
đêm để thu hút thị trường khách có khả năng chi trả cao và kéo dài thời gian
lưu trú của khách du lịch. Phối hợp, khai thác hiệu quả sản phẩm tour du lịch
kiểu mẫu “Hai quốc gia, sáu điểm đến Côn Minh - Châu Hồng Hà (Trung Quốc) - Sa
Pa (Lào Cai) - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) và Giải đua xe đạp
quốc tế “Một đường đua - 02 quốc gia”. Phát triển tuyến du lịch ruộng bậc thang
liên quốc gia (Mù Cang Chải, Yên Bái - Sa Pa, Lào Cai - Nguyên Dương, Trung
Quốc).Hình thành sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp kết hợp nghỉ dưỡng,
chăm sóc sức khỏe gắn với các sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh chương trình mỗi
xã một sản phẩm (OCOP), sản xuất các sản phẩm mang đặc trưng để bán cho khách
du lịch.
Nâng cao hiệu lực quản lý nhà
nước và chuyển đổi số trong du lịch: Triển khai thực hiện Nghị
quyết 38/NQ - HĐND ngày 08/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thành lập Sở
Du lịch Lào Cai và kiện toàn Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lào Cai thành Sở
Văn hoá, Thể thao tỉnh Lào Cai. Xây dựng đề án thành lập Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia
Sa Pa (sau khi Chính phủ có Nghị định quy định mô hình Ban Quản lý Khu du lịch
quốc gia). Kiện
toàn Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai. Ban Quản lý Du lịch tỉnh trong năm 2022. Quản lý và vận hành website
Cổng thông tin du lịch thông minh Lào Cai (laocaitourism.vn); Quản lý, vận hành
và quản trị website; duy trì tên miền 03 trang web. Tổ chức điều tra, thống kê khách du lịch, đánh giá tỷ
trọng du lịch trong GRDP của tỉnh và điều tra, đánh giá, bảo vệ, tôn tạo phát
triển tài nguyên du lịch.