Phát triển doanh nghiệp tỉnh Lào Cai
Sau hơn 30 năm tái lập, tỉnh Lào Cai đã có những bước phát triển vượt bậc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; chất lượng tăng trưởng được nâng cao; đã trở thành trung tâm kinh tế, là điểm tựa vững chắc về quốc phòng an ninh, đối ngoại của Vùng với nhiều thành tựu nổi bật và toàn diện về kinh tế - xã hội. Để đạt được những kết quả đó có phần đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng; nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của phát triển doanh nghiệp có chuyển biến tích cực; tinh thần khởi nghiệp được lan tỏa sâu rộng. Tính đến hết năm 2021, tỉnh Lào Cai có gần 6.000 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tỉ lệ đóng góp vào GRDP của khối doanh nghiệp tăng đều trong các năm qua và hiện chiếm tới trên 66% tổng GRDP của toàn tỉnh. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp đang hoạt động tăng từ 42.000 lao động (năm 2011) lên gần 80.000 lao động (năm 2020), bình quân tăng 9%/năm góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đã có bước phát triển, phát huy vai trò hạt nhân chính trị, hạt nhân lãnh đạo góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công nhân, người lao động trong doanh nghiệp.

Với quan điểm phát triển doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Phát triển doanh nghiệp bền vững, toàn diện; không phân biệt loại hình, quy mô, lĩnh vực, địa bàn hoạt động của doanh nghiệp dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tỉnh Lào Cai đã đặt ra một số mục tiêu về phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn tới như: Đến năm 2030: Toàn tỉnh có trên 16.000 doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả (trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động) đạt trên 70%. Hằng năm, giải quyết việc làm mới trên 8.000 lao động; hỗ trợ đào tạo khoảng 400 đội ngũ kinh doanh về quản trị doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 75% GRDP của tỉnh; đóng góp khoảng 60% tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn; tổng vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp chiếm từ 60% - 70% tổng vốn đầu tư của tỉnh.

anh tin bai
 UBND tỉnh Lào Cai tổ chức khai trương cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam.

Đề hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai cần tập trung triển khai thực hiện một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:

Nâng cao về nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phát triển doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức đối với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến đổi mới, phát triển doanh nghiệp trên quan điểm “lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm”; khẳng định vai trò, vị trí của doanh nghiệp là nguồn lực, là động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết thu nhập, việc làm; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn. Các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo xây dựng và phát triển doanh nghiệp, công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính, khắc phục tình trạng sách nhiễu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ trong việc thực hiện các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Thực hiện thường xuyên, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở hoạt động của doanh nghiệp theo thẩm quyền nhất là trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, khoáng sản, xuất nhập khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, cấp các giấy phép kinh doanh có điều kiện...Tăng cường kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính liên quan đến doanh nghiệp; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến thực chất, hiệu quả; rà soát, bãi bỏ các loại giấy tờ, thủ tục về điều kiện kinh doanh không phù hợp để thích nghi với sự đa dạng và phát triển nhanh của nền kinh tế số; thúc đẩy xây dựng mô hình "Chính quyền đồng hành và phục vụ doanh nghiệp". Nghiên cứu hình thành các tổ chức đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thương mại hóa các ý tưởng sáng tạo tiềm năng.

 Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế; trong đó thay đổi phương thức đầu tư hạ tầng kỹ thuật sử dụng ngân sách nhà nước sang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, các siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, trung tâm hội chợ triển lãm, chợ đầu mối ...tại các đô thị, khu du lịch Quốc gia Sa Pa, khu kinh tế cửa khẩu; phát triển nhanh hệ thống thương mại điện tử. Tập trung xây dựng và hoàn thành sớm trung tâm logistics, kho hàng hóa đủ năng lực lưu trữ và luân chuyển hàng hóa phục vụ hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu qua cửa khẩu của Lào Cai.  Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông thúc đẩy phát triển chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp; khuyến khích, phổ biến và xây dựng năng lực thương mại điện tử cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

Đẩy mạnh dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, hình thành mạng lưới doanh nghiệp theo chuỗi, phát triển doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả có trách nhiệm xã hội. Đẩy mạnh và khuyến khích phát triển các dịch vụ kiểm định và chứng nhận bảo đảm yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc gia và quốc tế (ISO, IEC, CE, DIN, ANSI, NEN, JIS, GB/T…) để xây dựng năng lực kiểm định và chứng nhận hàng hóa theo tiêu chuẩn của một số thị trường tiềm năng, hướng đến một lần chứng nhận và chấp nhận ở nhiều nơi. Tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đăng ký thành lập doanh nghiệp, chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp. Thực hiện đồng bộ, kịp thời chính sách hỗ trợ thuế, kế toán, pháp lý, tín dụng, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập. Hỗ  doanh nghiệp đổi mới, cải tiến công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm, trong đó quan tâm sản phẩm chủ lực đặc thù, sản phẩm OCOP của tỉnh; khuyến khích hình thành các dự án, chương trình khởi nghiệp.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức, hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp; phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp, doanh nhân. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa tỉnh và Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp; xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Rà soát, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ chức hội, câu lạc bộ doanh nghiệp địa phương; các Hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh; phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước.

 Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương; các Chương trình, Đề án của tỉnh về công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp. Tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các đảng bộ, chi bộ trong các doanh nghiệp theo chủ trương, định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển trong doanh nghiệp; chú trọng xây dựng đội ngũ đảng viên, nhất là bí thư chi bộ, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ thiết thực và phù hợp với thực tế của doanh nghiệp. Nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc bảo đảm lợi ích của người lao động gắn với quyền lợi của doanh nghiệp khi tham gia các hoạt động công đoàn. Đẩy mạnh xây dựng và nâng cao vị thế của các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp nhất là vai trò Đoàn thanh niên, thông qua các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thi đua sản xuất kinh doanh; tại phong trào lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.

Đỗ Quang Thắng – Phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn