Phát triển công nghiệp theo hướng xanh, bền vững, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng
Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nằm giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc của Việt Nam, diện tích tự nhiên: 6.383,88 km2; nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú với 35 loại khoáng sản được phân bố trên 150 mỏ và điểm mỏ khác nhau nằm rải rác khắp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đây là những điều kiện để phát triển công nghiệp với nhiều ngành công nghiệp khác nhau, nổi bật là công nghiệp khai khoáng, công nghiệp sản xuất hóa chất, phân bón, công nghiệp chế biến...

Sau khi tái lập (ngày 01/10/1991), Lào Cai là một trong sáu tỉnh nghèo nhất cả nước. Sau 30 năm xây dựng và phát triển, Lào Cai đã trở thành điểm sáng, nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu trong 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc với sự bứt tốc mạnh mẽ của nhiều ngành, lĩnh vực so với ngày đầu tái lập tỉnh; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục, bình quân giai đoạn 1991- 2021 bình quân 10%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 đạt gần 10.000 tỷ đồng (gấp 276 lần so với năm 1991), GRDP bình quân đầu người đạt gần 83 triệu đồng (gấp 122 lần so với năm 1991), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Có được kết quả như trên có sự đóng góp, phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến khoáng sản nói riêng.

Thời kỳ mới tái lập (năm 1991) do hậu quả của chiến tranh biên giới, các cơ sở công nghiệp của tỉnh đều bị phá huỷ, không còn khả năng vận hành sản xuất. Cũng trong giai đoạn này, công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng khoán sản chưa được quan tâm do thiếu định hướng và nguồn lực; ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến chưa hình thành. Trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ còn duy nhất Công ty Apatit Việt Nam và Xí nghiệp Cơ điện, huyện Bảo Thắng đang hoạt động cầm chừng.  Lao động trong lĩnh vực công nghiệp của toàn tỉnh chỉ có trên 4.000 người, thu nhập bình quân khoảng trên 250.000 đồng/người/tháng. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu là quặng apatit, vôi và nông cụ phục vụ sản xuất... Giá trị tổng sản lượng công nghiệp đạt rất thấp: 17,4 tỷ đồng (tính theo giá cố định năm 1989); tỷ trọng Công nghiệp - Xây dựng trong GRDP của tỉnh chỉ chiếm 12,1%.

 Để khôi phục và phát triển ngành công nghiệp của tỉnh trong bối cảnh trình độ sản xuất còn lạc hậu, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ X (vào tháng 1/1992) đã kịp thời có những định hướng chiến lược phát triển công nghiệp Lào Cai “Đẩy nhanh công tác điều tra cơ bản, từng bước lập các dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn ở những ngành then chốt như: chế biến nông lâm sản, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng... khuyến khích và mở rộng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực kinh tế gia đình, công nghiệp vừa và nhỏ”. Trên cơ sở định hướng đúng đắn, UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung lập quy hoạch phát triển công nghiệp, ban hành các cơ chế chính sách, bố trí kinh phí cho đánh giá trữ lượng tài nguyên khoáng sản phục vụ cho ngành khai khoáng; từng bước tổ chức nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu phát triển ngành công nghiệp. Sau khi đánh giá đúng tiềm năng thế mạnh về tài nguyên khoáng sản, hàng loạt đơn vị sản xuất công nghiệp được ra đời, đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp này mặc dù ra đời trong điều kiện còn nhiều khó khăn về vốn, cơ sở hạ tầng nhưng nhiều doanh nghiệp đã phát triển nhanh về quy mô, trình độ sản xuất và tạo ra cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư vào công nghiệp Lào Cai trong giai đoạn tiếp theo.

anh tin bai

Khu công nghiệp Tằng Loỏng

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ VII (năm 1994) về phát triển công nghiệp, công nghệ đến năm 2000 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn mới, tỉnh Lào Cai đã nghiêm túc đánh giá tiềm năng, lợi thế của địa phương để xác định ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản là mũi nhọn; ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng là quan trọng để phục vụ cho việc xây dựng, phát triển toàn diện tỉnh Lào Cai. Trong giai đoạn từ năm 1995 - 2000, các cơ sở sản xuất công nghiệp của Lào Cai đã sản xuất ra nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Một số sản phẩm công nghiệp bắt đầu giữa vị trí quan trọng đối với ngành sản xuất trong nước như Apatit, quặng sắt, quặng đồng....  Ngoài việc cung cấp nguyên liệu cho sản xuất trong nước, một số sản phẩm còn được xuất khẩu để tạo được nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước, củng cố vị trí của ngành công nghiệp trong tình hình nguồn lực của địa phương vẫn còn gặp vô vàn khó khăn.

Để tăng nhanh giá trị ngành công nghiệp, trong giai đoạn 2001 – 2005, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo triển khai Đề án phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2001 - 2005 và Đề án quy hoạch Cụm công nghiệp tập trung Tằng Loỏng. Sau 05 năm thực hiện Đề án, giá trị sản xuất công nghiệp năm sau tăng hơn năm trước từ 9% trở lên, bình quân giai đoạn tăng 12,5%/năm. Tính đến hết năm 2005 đã có trên 70 doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng. Trong đó có 15 doanh nghiệp đi vào hoạt động tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp 151,8 tỷ đồng/năm, chiếm 24% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành, thu hút trên 1.200 lao động vào làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.

Bước vào giai đoạn 2006-2010, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xác định cần phải tập trung đầu tư tạo bước phát triển đột phá trong công nghiệp, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Vì vậy Cụm công nghiệp liên hợp Tằng Loỏng được coi là khu công nghiệp động lực, nhằm chế biến sâu và đa dạng hóa các sản phẩm từ quặng apatít và quặng đồng ở Lào Cai và khu vực Tây Bắc. Tại đây, đã thu hút được các nhà máy tuyển quặng Apatit làm nguyên liệu cho sản xuất phân bón cao cấp trong nước và xuất khẩu (sang thị trường Nhật, Trung Quốc), sản xuất phốt pho vàng (P4), phân bón NPK, đồng kim loại thương phẩm, axít Sunfuric (H2SO4),… Tổng giá trị sản xuất hằng năm đạt đã đạt con số 2.000 tỷ đồng.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã  đề ra, Tỉnh ủy Lào Cai đã lần đầu tiên ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 04/6/2013 về quản lý, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020 có xét đến năm 2030. Nhờ những nhiệm vu, giải pháp xác định tại Nghị quyết, tỉnh Lào Cai đã đưa thêm 14 công trình công nghiệp trọng điểm vào vận hành khai thác, điển hình như: Nhà máy phốt pho vàng công suất 18.000 tấn/năm; Nhà máy gang thép Lào Cai, công suất giai đoạn 1 là 500.000 tấn/năm; Tổ hợp sản xuất phân bón hóa chất của Tổng công ty cổ phần bột giặt và hóa chất Đức Giang gồm 03 dự án thành phần; Nhà máy DAP số 2 công suất 330.000 tấn/năm. Có thể nói, công nghiệp trong giai đoạn này phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp đã đạt mức gần 6.000 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với năm 2010, tăng trưởng bình quân 22,6 %/năm. Tỷ trọng Công nghiệp - Xây dựng trong GRDP của tỉnh tăng từ 34,2% lên 43,1%. Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển biến rõ nét và đúng hướng.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV nhiệm kỳ 2015-2020 đã định hướng phát triển công nghiệp cần cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác; ưu tiên phát triển công nghiệp luyện kim, phân bón, chế biến sâu các loại khoáng sản kim loại, apatit, hạn chế bán nguyên liệu thô ra khỏi địa bàn; chú trọng áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trong sản xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở thực hiện những định hướng, quan điểm chỉ đạo mới về phát triển ngành công nghiệp, đến năm 2021 giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã đạt 41.200 tỷ đồng (gấp 2.368 lần so với năm 1991); tỷ trọng Công nghiệp - Xây dựng trong GRDP của tỉnh là 43,62% (gấp 3,6 lần so với năm 1991); Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 30.034 tỷ đồng (gấp 18.771 lần so với năm 1991); Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong công nghiệp tăng từ 9,2% năm 1991 lên 72,89% năm 2021. Số lao động trong ngành công nghiệp trên 20.000 người (gấp 5 lần so với năm 1991). Các nhà máy chế biến khoáng sản, luyện kim, phân bón và hóa chất tạo việc làm cho trên 10.000 lao động với thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng (gấp 40 lần so với năm 1991). Trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có 26 cơ sở chế biến sâu khoáng sản, qua đó nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, giá trị cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Lào Cai cũng nhận thức rõ những khó khăn thách thức trong quá trình phát triển công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ; hoạt động sản xuất chưa gắn với chuỗi giá trị; giá trị sản xuất công nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; chậm đổi mới khoa học công nghệ; năng suất lao động chưa cao; cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển…Tính liên kết trong vùng, trong khu vực đối với sản xuất công nghiệp chưa nhiều, nhất là liên kết hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ và tiêu thụ sản phẩm, qua đó chưa thể hiện được dấu ấn, thành tựu phát triển công nghiệp chế biến sâu khoáng sản của vùng và khu vực.

Với quyết tâm thực hiện hóa mục tiêu sớm đưa tỉnh Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI đã xác định tiếp tục duy trì phát triển công nghiệp đảm bảo là trụ cột quan trọng cho phát triển; cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác; tập trung công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, vật liệu, công nghiệp phụ trợ. Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI về chế biến khoáng sản Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/12/2020 về quản lý, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025. Với mục tiêu đến năm 2025 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 60.000 tỷ đồng, tỷ trọng Công nghiệp – Xây dựng trong GRDP là 45%; đến năm 2030 đạt trên 100.000 tỷ đồng, tỷ trọng Công nghiệp - Xây dựng trong GRDP là 54%. Trong đó, tập trung công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, chú trọng áp dụng công nghệ hiện đại tiên tiến trong sản xuất để Phát triển công nghiệp theo hướng xanh, bền vững, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, cụ thể:

Một là, khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ có lợi thế cạnh tranh, tạo nhiều sản phẩm xuất khẩu và thu hút nhiều lao động; phát triển một số khu công nghiệp và nâng cao hiệu quả của các khu công nghiệp gắn với kết cấu hạ tầng giao thông đa dạng và đang được từng bước hoàn thiện với Cao tốc Hà Nội - Lào Cai là trục kết nối, Cảng hàng không Sa Pa là lực đẩy phát triển.

Hai là, ưu tiên phát triển chế biến sâu ngành công nghiệp khai khoáng, bảo đảm cung cấp ổn định nguyên liệu cho chuỗi sản xuất công nghiệp trong nước nhất là các loại khoáng sản có trữ lượng lớn của vùng và cả nước (Apatit, Đồng, Sắt, Đất hiếm); trong đó:

- Về chế biến quặng apatit: Tập trung cải tiến công nghệ để sử dụng nguồn nguyên liệu quặng apatit sản xuất ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, như: Phốt pho đỏ, axit thực phẩm, các muối phốt phát, phân lân giàu

- Về chế biến quặng kim loại (sắt, đồng, vàng...): Tăng trưởng giá trị sản xuất (ngành công nghiệp luyện kim và chế tạo sau luyện kim phấn đấu đạt trên 16%/năm, giai đoạn 2021-2030; cơ cấu công nghiệp luyện kim và sau luyện kim chiếm khoảng 22% trong tổng GRDP của tỉnh vào năm 2030. Đưa  ngành luyện kim đen, luyện kim mầu trên địa bàn tỉnh Lào Cai trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước với công nghệ tiên tiến, hiện đại, có quy mô tương xứng với tiềm năng của quặng đồng trên địa bàn tỉnh.

- Về đất hiếm: Đất hiếm là tài nguyên đặc biệt, do vậy thời gian tới sẽ đề xuất với Trung ương sớm xây dựng phương án nghiên cứu để khai thác, chế biến sử dụng hiệu quả, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại gắn với bảo đảm an toàn môi trường.

Ba là, tích cực thu hút vốn trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện các dự án quan trọng về khai thác chế biến khoáng sản, luyện kim, cơ khí chế tạo, điện tử, điện lạnh, hóa chất cơ bản, phân bón, vật liệu mới.

Bốn là, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông, mạng lưới cung cấp điện, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, hệ thống thủy lợi, cấp thoát nước. Phát triển công nghiệp năng lượng gắn với công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Năm là, phát triển nguồn nhân lực đảm bảo đến năm 2030 có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển, hiện đại hóa ngành công nghiệp chế biến sâu khoáng sản của tỉnh.

Sáu là, Tăng cường sự liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế, có chính sách khuyến hình thành các cụm liên kết ngành theo các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ... để từng bước phát triển các hành lang, vành đai kinh tế và hình thành nên các cực tăng trưởng có ý nghĩa, vai trò là đầu tàu dẫn dắt từng ngành, lĩnh vực của vùng và cả nước.

Trịnh Xuân Quyết – Phó Trưởng Phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn