Một số kết quả sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn huyện Văn Bàn
Trong những năm qua, với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, Huyện ủy Văn Bàn đã quyết liệt, tập trung, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết; đến nay, du lịch huyện Văn Bàn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần phát triển kinh tế xã hội; tạo thu nhập, giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn huyện.

Hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch gắn với phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch được tăng cường đầu tư và phát triển. Huyện đã phối hợp các phòng chuyên môn thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tiến hành khảo sát điểm du lịch sinh thái, kết hợp du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Liêm Phú, Nậm Tha; khảo sát điểm du lịch dù bay gắn với du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Dần Thàng, Dương Quỳ; khảo sát tuyến đường đua xe đạp địa hình gắn với du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Khánh Yên Trung, Làng Giàng; Nậm Xé; Khánh Yên Thượng, phối hợp với tập đoàn TH TrueMilk khảo sát điểm du lịch sinh thái Thác Bay, Liêm Phú làm cơ sở xây dựng đề án kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng điểm du lịch. Hiện nay đã có 02 Dự án: “Dự án Dược liệu và nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch nông nghiệp” tại huyện Văn Bàn và “Dự án Nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái, mạo hiểm và nghỉ dưỡng tắm khoáng” tại xã Liêm Phú đang đề nghị phê duyệt. Khảo sát, lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 14 di sản, trong đó 02 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại là cơ sở Nhân dân giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị phục vụ đời sống dân sinh và là nguồn tiềm năng thu hút đầu tư, xây dựng điểm du lịch, thu hút khách du lịch là tiền đề xúc tiến phát triển du lịch sau khi quốc lộ 279 được nâng cấp, phát triển du lịch văn hóa cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tín ngưỡng. Đền Ken xã Chiềng Ken, Đền Cô xã Tân An được trùng tu khang trang thu hút lượng khách ngày càng đông theo hướng du lịch văn hóa tâm linh. Đền Cô xã Tân An được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; trong toàn huyện có 14 thôn có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Hệ thống nhà nghỉ, các dịch vụ phục vụ nhu cầu khách lưu trú đang được hình thành phát triển, đến nay cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện có 22 nhà nghỉ. Hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn đang được đầu tư, công tác tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng tự nhiên, xã hội nhằm thu hút khách đến khám phá Văn Bàn được quan tâm. Một số mô hình mới hình thành tại xã Liêm Phú và đã đi vào hoạt động như: nhà hàng ẩm thực tại thôn Đồng Qua, các điểm tắm thuốc người Dao Đỏ, lễ hội Lồng Tồng hàng năm... Hiện nay toàn xã Liêm Phú đã có nhiều nhóm hộ thực hiện các mô hình du lịch nông thôn như: Tắm thuốc người Dao Đỏ, Sinh thái Thác Bay rừng tự nhiên, thăm nhà máy Thủy điện Phú Mậu 10 hộ của thôn Lâm Sinh; Mô hình Nghỉ qua đêm nhà sàn, ẩm thực ăn uống món ăn Tây Bắc 22 hộ của các thôn Liêm, Khổi Ngoa, Đồng Qua. Riêng Mô hình Tắm thuốc người Dao Đỏ, Sinh thái Thác Bay rừng tự nhiên tại thôn Lâm Sinh cho thu nhập bình quân 50 triệu đồng/hộ/năm với quy mô hiện trạng là 10 hộ.

Tăng cường xây dựng, triển khai thực hiện quy hoạch đề án, cơ chế chính sách phát triển du lịch. Huyện ủy Văn Bàn đã ban hành Đề án số 02/ĐA-HU ngày 02/12/2020 về bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, phát triển du lịch huyện Văn Bàn giai đoạn 2021 - 2025, các nội dung trọng tâm như: Tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng điểm du lịch sinh thái, kết hợp du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Liêm Phú, Dần Thàng, Khánh Yên Thượng, Nậm Xé. Tiếp tục thực hiện “Dự án Dược liệu và nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch nông nghiệp” tại huyện Văn Bàn; “Dự án Nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái, mạo hiểm và nghỉ dưỡng tắm khoáng” tại xã Liêm Phú, xã Dần Thàng; xây dựng 27 sản phẩm du lịch đặc sắc của huyện; xúc tiến phát triển du lịch làm nền tảng phát triển kinh tế du lịch; khai thác giá trị đối với các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng; xây dựng hệ thống điểm du lịch khép kín các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Xây dựng Định hướng chiến lược phát triển du lịch dịch vụ, nông nghiệp và kinh tế hạ tầng huyện Văn Bàn.

Tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác quảng bá và thu hút đầu tư Du lịch ở những vùng có điều kiện thuận lợi; Thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch Thác Bay, trải nghiệm và khám phá rừng Bách tán Đài Loan, rừng nguyên sinh thuộc dải Hoàng Liên Sơn. Phấn đấu đến năm 2025 thực hiện quy hoạch và xây dựng 02 điểm du lịch, 01 làng, bản văn hóa du lịch, gắn với xây dựng NTM; phát triển 5 nhóm sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương (Du lịch tâm linh; văn hóa cộng đồng; sinh thái - nông nghiệp - làng nghề; thể thao mạo hiểm; mua sắm); với khoảng 27 sản phẩm du lịch.

Phát triển nguồn nhân lực để phát triển du lịch trên địa huyện gắn với tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, thể thao toàn huyện, khuyến khích các nghệ nhân tích cực truyền dạy văn hóa truyền thống cho các thế hệ sau. Xây dựng kế hoạch thực hiện quảng bá các sản phẩm du lịch của huyện. Năm 2018 đã mở được 01 lớp đào tạo nghề Du lịch cộng đồng cho lao động nông thôn 35 học viên tham gia học tập tại xã Liêm Phú đã được cấp chứng chỉ tốt nghiệp. Số lao động tham gia trực tiếp vào lĩnh vực du lịch và du lịch nông thôn: Khoảng 100 người tại các thôn: Liêm, Khổi Ngoa, Đồng Qua, Lâm Sinh của xã Liêm Phú. Các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đặc thù của địa phương Du lịch làng bản, văn hóa ẩm thực Tây Bắc; Sinh thái rừng, tắm thuốc người Dao Đỏ; Homestay nhà sàn, các lễ hội; các di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, vai trò tham mưu, phối hợp thực hiện của các ngành chức năng và của các đoàn thể chính trị xã hội các cấp về phát triển du lịch đã được tăng cường, có sự kết hợp chặt chẽ với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương. Đưa được mục tiêu bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, phát triển du lịch vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch của các cấp chính quyền để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển du lịch căn cứ vào đặc thù của các vùng, các dân tộc của huyện. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội và chính quyền địa phương các cấp trong việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch của huyện.      

Đỗ Quang Thắng - Chuyên viên phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn