Một số kết quả đạt được sau 03 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU, ngày 22/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019-2025
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước tiếp tục có sự quan tâm chỉ đạo công tác phát triển công nghệ thông tin, truyền thông và chuyển đổi số. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong công tác phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) trên địa bàn tỉnh; kịp thời ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và định hướng của Trung ương. Sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan. 

Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư. Hạ tầng mạng viễn thông phủ sóng di động đến 100% trung tâm các xã, thôn, trường học, bệnh viện. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang băng rộng kết nối và cung cấp dịch vụ đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn, 100% đến tổ dân phố và 75,7% kết nối đến thôn. Mật độ thuê bao Internet băng rộng đạt 64 thuê bao/100 dân. Nâng cao mức độ phổ cập sử dụng, kết nối các thiết bị đầu cuối thông minh. Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng smartphone đạt 65%; tỷ lệ người dân sử dụng smartphone đạt 59.3%. Đã triển khai thí điểm phát sóng 5G tại thị xã Sa Pa. Bước đầu triển khai hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan đảng, nhà nước phù hợp với phạm vi và tính chất ứng dụng của hệ thống thông tin quản lý và điều hành. Trung tâm mạng thông tin của tỉnh tiếp tục được bổ sung các hệ thống trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực lưu trữ dữ liệu và đảm bảo an toàn thông tin phục vụ cho hoạt động ứng dụng CNTT của tỉnh. Nâng cấp hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh Lào Cai. Xây dựng Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, kết nối hệ thống hành chính công điện tử của tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin của Trung ương.

anh tin bai

 Khai trương Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Lào Cai

Xây dựng nền tảng kết nối, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số phục vụ hoạt động trong toàn hệ thống chính trị và xã hội. Tỉnh ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử, Kiến trúc công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đô thị thông minh tạo quy hoạch bước đầu cho phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh. Triển khai các phần mềm phục vụ quản lý điều hành của Tỉnh ủy, như: phần mềm quản lý, sắp xếp, theo dõi lịch họp của Tỉnh ủy; phần mềm theo dõi công tác chỉ đạo điều hành của Thường trực Tỉnh ủy; hệ thống quản lý văn bản, thư điện tử của tỉnh, ký số văn bản điện tử tại 100% các cơ quan khối Đảng, MTTQ, các đoàn thể, các cấp ủy đảng phục vụ việc gửi nhận văn bản, trao đổi công việc. Duy trì tốt hoạt động của hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, đảm bảo kỹ thuật phục vụ cho trên 80% các cuộc họp chỉ đạo, điều hành trực tuyến của Tỉnh ủy và của Trung ương; đặc biệt là việc phục vụ hiệu quả các đợt triển khai, học tập Nghị quyết của Đảng, góp phần nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo điều hành được nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian và chi phí. Sử dụng thí điểm phần mềm quản lý phòng họp không giấy tờ tại 8/22 đơn vị với trên 90 cuộc họp. Sử dụng tốt các phần mềm chuyên ngành trong các cơ quan đảng như phần mềm quản lý cán bộ công chức, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đảng viên, phần mềm kiểm phiếu đại hội, phần mềm giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo, phần mềm thông tin cán bộ, thi đua khen thưởng, bồi dưỡng đào tạo… Việc triển khai các phần mềm từ tỉnh đến cơ sở đã góp phần góp phần nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đảng, góp phần cải cách hành chính trong Đảng.  Xây dựng, triển khai nền tảng kết nối tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) phục vụ kết nối các ứng dụng dùng chung của tỉnh, kết nối với hệ thống thông tin, của các bộ, ngành Trung ương qua nền tảng kết nối liên thông Quốc gia: Triển khai kết nối gửi nhận văn bản điện tử có ký số giữa các cơ quan nhà nước cấp tỉnh với các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước; kết nối Cổng dịch vụ hành chính công của tỉnh của tỉnh với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để khai thác thông tin doanh nghiệp nhằm hỗ trợ giảm thành phần hồ sơ cho các thủ tục hành chính có liên quan của Sở Công Thương; với Hệ thống thông tin cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến của Bộ Tư pháp; kết nối với dịch vụ cấp mã số ngân sách của Bộ Tài chính; kết nối Hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo hiểm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam với hệ thống của Bộ Tư pháp phục vụ liên thông dịch vụ công trực tuyến cấp giấy khai sinh và thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính từ 5 ngày xuống còn thực hiện trong ngày; kết nối CSDL dân cư (Bộ Công an triển khai) với LGSP của tỉnh, thử nhiệm dịch vụ xác thực thông tin công dân nhằm giảm thành phần hồ sơ TTHC. Hệ thống thông tin dùng chung được triển khai theo hướng tập trung, sâu rộng, như: Cổng thông tin điện tử, thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản điều hành, dịch vụ công trực tuyến tích hợp một cửa liên thông điện tử sử dụng cho 100% sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn,... Cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đủ điều kiện, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ dịch vụ có phát sinh hồ sơ đạt 54,9%; Tích hợp 1.333/1.761 dịch vụ công mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, đạt 76% đứng thứ 6 toàn quốc; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến kết hợp với phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại nhà qua dịch vụ bưu chính công ích để phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ đô thị thông minh, Tỉnh đã xây dựng bước 1 Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của tỉnh (IOC), thí điểm triển khai trung tâm giám sát, điều hành thành phần tại thị xã Sa Pa. Từng bước triển khai các dịch vụ đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số trên một số lĩnh vực: Y tế: Kết nối phần mềm Hồ sơ sức khỏe cá nhân; Phần mềm Quản lý truyền tải hình ảnh (RIS-PACS); Phần mềm Bệnh án điện tử (EMR) kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm HIS tại 14/14 bệnh viện trên địa bàn tỉnh. 100% trạm y tế đã triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số; Bước đầu các cơ sở y tế đã triển khai hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh 04 buổi/tuần, các bệnh viện tuyến huyện trung bình 01 buổi/tuần kết nối với các bệnh viện tuyến trung ương. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện hội chẩn ca bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt là chuyên ngành hồi sức cấp cứu; 100% cơ sở khám, chữa bệnh (bệnh viện) đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử; công khai danh mục giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở; Giáo dục: Xây dựng môi trường học tập trực tuyến (e-learning), hệ thống khảo thí, ngân hàng đề thi, thi trực tuyến, tổ chức dạy học trực tuyến, thi trực tuyến tại 36 trường trực thuộc; Giao thông vận tải: 100% các bến xe khách trên địa bàn tỉnh đã được trang bị và sử dụng phần mềm quản lý bến xe để truyền dữ liệu hoạt động tại bến xe về cơ quan quản lý nhà nước theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Triển khai, giám sát các trạm cân tại các cửa mỏ Bắc Nhạc Sơn, Ga 3, Ga 2, Ga Mỏ Cóc, Nhà máy tuyển Cam Đường; Du lịch: Tiếp tục triển khai, cập nhật, sử dụng Cổng du lịch thông minh và Hệ thống thông báo lưu trú trực tuyến; Nông nghiệp: Hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng website cho sản phẩm đạt sao OCOP. Lắp đặt thiết bị Hệ thống trạm thời tiết tổng hợp và trạm đo mưa tự động tại các xã.

Nâng cao an toàn thông tin, an ninh mạng; Triển khai Trung tâm Giám sát an toàn thông tin (SOC) của tỉnh kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia; thực hiện các giải pháp nâng cao an toàn thông tin, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp, theo cấp độ, bảo vệ dữ liệu của các cơ quan trong hệ thống chính trị, dữ liệu cá nhân theo quy định. Định kỳ, thường xuyên hướng dẫn, đào tạo nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức về kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin. Tổ ứng cứu sự cố an toàn thông tin của tỉnh hàng năm theo dõi, phát hiện, phòng chống, ngăn chặn trên 5 triệu phiên truy cập/năm có nguy cơ mất an toàn đối với các hệ thống thông tin, CSDL lớn, quan trọng của tỉnh.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, góp phần hoàn thành thắng lới các nhiệm vụ chính trị, tỉnh Lào Cai cần tập trung triển khai một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp để đẩy mạnh phát triển CNT-TT, chuyển đổi số. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về chuyển đổi số, tạo sự đồng thuận của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp. Đảm bảo môi trường pháp lý, ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo điều hành, tổ chức bộ máy về CNTT-TT, thúc đẩy cải cách hành chính, bảo đảm nguồn lực cho phát triển CNTT-TT, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Thành lập tổ công nghệ số cộng đồng các thôn, tổ dân phố với nòng cốt là trưởng thôn (tổ trưởng dân phố) và cán bộ đoàn cơ sở.

Hai là, Phát triển hạ tầng số, nền tảng số, chính quyền số, đô thị thông minh. Xóa vùng trắng, vùng lõm sóng di động trên địa bàn tỉnh. Phổ cập hạ tầng mạng băng rộng cáp quang tới hộ gia đình, phủ sóng băng rộng di động tới thôn, bản và điện thoại di động thông minh cho người dân trong độ tuổi lao động. Thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông dùng chung hạ tầng. Từng bước chuyển dịch từ bưu chính truyền thống sang bưu chính số, phát triển các dịch vụ liên quan đến chính quyền số và các dịch vụ mang tính hỗ trợ/logistics cho thương mại điện tử. Thúc đẩy hoạt động của điểm bưu cục ngoại dịch, điểm thông quan hàng bưu chính tại cửa khẩu. Triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Quy hoạch, số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dùng chung, kho dữ liệu của tỉnh, cơ sở dữ liệu mở, hệ thống phân tích dữ liệu hỗ trợ quản lý, chỉ đạo, điều hành tỉnh Lào Cai. Sử dụng các nền tảng số quốc gia, nền tảng số các bộ ngành và ban hành danh mục, triển khai các nền tảng số của tỉnh phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền và theo kế hoạch hàng năm.

Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số. Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số trong ngành, lĩnh vực, địa phương. Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh bằng mức trung bình chung của cả nước (đến năm 2025 phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 15 -20% GRDP của tỉnh). Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng hóa đơn điện tử, thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử. Đưa sản phẩm OCOP của tỉnh giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. Phổ cập kỹ năng số cơ bản cho người dân, kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin mạng cho người dân; Hồ sơ sức khỏe điện tử; dạy học trực tuyến... Đào tạo, đào tạo lại, chuẩn hóa kỹ năng CNTT, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo nhân lực chuyên gia của tỉnh về an toàn thông tin mạng, chuyển đổi số. Đưa nội dung đào tạo về kiến thức, kỹ năng số trong chương trình giáo dục phổ thông, tạo nền tảng cho phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng số các cấp trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, nâng cao an toàn, an ninh mạng. Duy trì hệ thống xử lý, giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) của tỉnh kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Thực hiện các giải pháp nâng cao an toàn thông tin theo cấp độ, theo mô hình 4 lớp. Hoàn thành phân loại, xác định, phê duyệt đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ các hệ thống thông tin đang vận hành.

Đỗ Quang Thắng - Chuyên viên phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn