Lào Cai xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch thành “thương hiệu” nổi tiếng
Ngay sau khi Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành với mục tiêu đến năm 2030, du lịch Lào Cai là ngành kinh tế mũi nhọn đột phá, tạo tiền đề đến năm 2050 trở thành ngành kinh tế chủ đạo quan trọng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành đã tích cực tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 11-NQ/TU tại các huyện, thị xã, thành phố; triển khai bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh du lịch của tỉnh; tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch. 

 

anh tin bai
 Khách du lịch nước ngoài trải nghiệm một ngày làm nông dân ở Sa Pa

Lào Cai đã xây dựng, phát triển được một số sản phẩm du lịch thành “thương hiệu” nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Lễ hội 4 mùa, Lễ hội trên mây Sa Pa, Tái hiện Chợ tình Sa Pa, Festival Tinh hoa Tây Bắc - Hương sắc Lào Cai,... Đặt biệt là Festival “Tinh hoa Tây Bắc” năm 2022 với chủ đề “Kết nối khát vọng xanh” được tổ chức tại thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa từ ngày 26/8 - 28/8/2022 với chuỗi các hoạt động đặc sắc như Chương trình nghệ thuật kết hợp màn bắn pháo hoa chúc mừng, trải nghiệm sản phẩm du lịch mới - vở diễn thực cảnh “Sa pa lặng lẽ yêu”,... đã thu hút đông đảo du khách và nhân dân tham dự.

Du lịch cộng đồng tại các xã Tả Van gắn với văn hóa dân tộc Giáy; Tả Phìn gắn với văn hóa dân tộc Dao,... Các sản phẩm du lịch gắn với các Di sản văn hóa ruộng bậc thang Lào Cai trong chương trình "Hành trình khám phá cung đường di sản Văn hóa ruộng bậc thang - Tây Bắc”.

Xây dựng chương trình du lịch khám phá nét văn hóa của người dân vùng cao thông qua các phiên chợ phiên phục vụ du khách tại Chợ Văn hóa Bắc Hà, Chợ Cán cấu (Si Ma Cai), Chợ Pha Long (Mường Khương), các Chợ Mường Hum, Y Tý (Bát Xát),...

Phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh tại thành phố Lào Cai và các huyện Bảo Yên, Bắc Hà, Văn Bàn, Sa Pa hình thành kết nối tuyến du lịch tâm linh. Tại thành phố Lào Cai đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa đường giao thông cho các tuyến, điểm du lịch được tỉnh công nhận như: Đền Thượng, Đền Mầu, Đền cấm, Đền Quan, chợ Cốc Lếu; Tuyến nối từ Đại lộ Trần Hưng Đạo vào Đền Đôi Cô đảm bảo phục vụ nhu cầu cho du khách thập phương đến thăm quan. Phát triển du lịch tâm linh gắn với hoạt động lễ hội trên địa bàn thành phố. Khai thác các chương trình du lịch tâm linh dọc sông Hồng thông qua các hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh phục vụ du khách tại các điểm: Đền Thượng, Đền Mầu, Đền Đôi Cô và Đền Bảo Hà (tỉnh Lào Cai); kết hợp với các Đền: Đông Cuông, Nhược Sơn và Tuần Quán (tỉnh Yên Bái); Đền Mầu Âu Cơ, Đền Tam Giang, Đền Du Yến (tỉnh Phú Thọ). Khai thác có hiệu quả sản phẩm du lịch lịch sử gắn với các di tích lịch sử - văn hóa: Dinh thự Hoàng A Tưởng, Đền Trung Đô (Bắc Hà), Thành cổ Nghị Lang (Bảo Yên), Đền Thượng, Đền Mầu, Đền Đôi Cô,...

Các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống: Lễ Tết nhảy người Dao Đỏ, lễ hội Gầu Tào người Mông, lễ hội rước đất, rước nước của người Tày Bắc Hà, lễ hội Roóng Poọc người Giáy,... Lễ Cúng rừng “Gạ ma do” ở huyện Bát Xát, Lễ hội Khô già của người Hà Nhì huyện Bát Xát.

Sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp kết hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với các sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP): mô hình phát triển trồng hoa lan gắn với du lịch sinh thái của HTX địa lan Tả Phìn (Sa Pa); mô hình trồng hoa hồng cổ Sa Pa; mô hình trồng hoa hồng tại Vườn Hồng Bắc Hà; mô hình trồng dâu tây công nghệ cao tại Sa Pa; đồi chè Linh Dương, thành phố Lào Cai; vườn lê Tai nung tại Bát Xát, Bắc Hà; vườn mận tại Bắc Hà. Du khách tới tham quan, ngoài việc ngắm hoa, dâu, chè, mận... còn được trải nghiệm trồng, chăm sóc, thu hái. Đến nay, có 120 sản phẩm được công nhận OCOP. Đây là những sản phẩm đặc trưng của Lào Cai, được công nhận và quảng bá rộng rãi. Ngoài được chứng nhận về chất lượng, các sản phẩm OCOP còn được đầu tư đóng gói trong bao bì thiết kế tinh tế, bắt mắt làm thỏa mãn nhu cầu biếu tặng của khách du lịch.

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 17 nghề truyền thống, 10 làng nghề và 20 làng nghề truyền thông (tại Cát Cát, Sa Pa có nghề rèn đúc, dệt vải lanh của người Mông; các làng nghề nấu rượu như rượu ngô Bản Phố, Bắc Hà; rượu San Lùng, Bản Xèo). Nhiều làng nghề đã tạo thương hiệu trên thị trường với sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân địa phương mà còn trở thành hàng hóa được người tiêu dùng ưa chuộng.

Triển khai chương trình du lịch thể thao độc đáo như: Giải leo núi chinh phục đỉnh Lảo Thẩn, Dù lượn, Chèo thuyền,...

Nhờ phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, phong phú nên ngành du lịch Lào Cai đã vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, du lịch Lào Cai có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2022 (lượng khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán và Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Ngày Quốc khánh 2/9 của Lào Cai đều xếp top đầu cả nước). Đặc biệt, sau khi Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn, Lào Cai đã tổ chức đón khách quốc tế, cụ thể: 9 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách đến Lào Cai ước đạt 3.672 nghìn lượt khách (trong đó: khách quốc tế 34 nghìn lượt, khách nội địa: 3.638 nghìn lượt), bằng 91,8% so với kế hoạch năm, tăng 201% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 12.800 tỷ đồng,  tăng 232% so với cùng kỳ năm 2021. Lao động trong lĩnh vực du lịch là 13.000 người; trong đó, lao động trực tiếp: 5.300 người, lao động gián tiếp: 7.700 người.

Trịnh Xuân Quyết – Phó Trưởng phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn