Lào Cai tăng cường các giải pháp tổ chức, thực hiện có hiệu quả Chị thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Đánh giá sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Tỉnh uỷ tiếp tục thể hiện sự quyết tâm với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; cấp uỷ, chính quyền các cấp thực sự đã nêu cao ý thức trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; nhiều giải pháp được áp dụng để kịp thời khắc phục những tồn tại, yếu kém; tạo bước chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân lao động; phát huy tốt hiệu quả kinh tế rừng, bảo đảm cảnh quan môi trường thiên nhiên, phát triển kinh tế xã hội hài hoà và bền vững. 

Tính đến hết năm 2021, tỷ lệ che phủ của rừng của Lào Cai đạt gần 57%, tăng gần 3% so với năm 2017; toàn bộ diện tích rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ; trồng rừng hàng năm đều vượt kế hoạch đề ra; năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế đồi rừng được nâng lên. Xã hội hóa nghề rừng có chuyển biến tích cực, các nhà máy chế biến lâm sản được đầu tư xây dựng gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu tập trung, người dân làm nghề rừng có thu nhập ổn định từ rừng. Giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2017-2021 tăng bình quân trên 12%/năm cụ thể tăng từ 1.548 tỷ đồng năm 2017, lên 2.454 tỷ đồng năm 2021. Tạo việc làm cho trên 25.000 lao động của tỉnh, tăng thu nhập cho người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Để đạt được kết quả trên, nhiều giải pháp đã được triển khai trong quá trình lãnh chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW.

(1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, không riêng ngành Kiểm Lâm.

(2) Tập trung huy động sự vào cuộc của mọi tầng lớp nhân dân, tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

(3) Quản lý chặt chẽ quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp thuộc các Ban Quản lý rừng, Công ty Lâm nghiệp.

(4) Tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa, vốn ODA, vốn dịch vụ môi trường rừng để hỗ trợ thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy và các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

(5) Đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tuy nhiên, một số khó khăn, hạn chế vẫn đang còn tồn tại từ thực tiễn:

(1) Hiệu quả công tác tuyên truyền chưa như mong đợi, một bộ phận đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng; người đứng đầu cơ quan đơn vị một số nơi nhận thức chưa toàn diện về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chị thị số 13-CT/TW trong công tác bảo vệ phát triển rừng; vẫn còn một số ít kiểm lâm địa bàn bị khiển trách, kỷ luật do thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. 

(2) Thu nhập của người làm nghề rừng từng bước được cải thiện nhưng chưa cao, cuộc sống vẫn gặp nhiều khó khăn; một số cộng đồng dân cư sống gần rừng, cuộc sống vốn gắn liền, phụ thuộc vào rừng tự nhiên; việc đóng cửa rừng tự nhiên đã ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống, trong khi công tác chuyển đổi nghề cho nhân dân đối với vùng cao, vùng khó khăn chưa có nhiều lựa chọn, thiếu việc làm.

(3) Một số tồn tại kéo dài trong nhiều năm liên quan đến giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, mặc dù đã được các cấp uỷ đảng quan tâm lãnh chỉ đạo những trên thực tế tiến độ giải quyết chậm, vẫn còn tình trạng chồng chéo, lấn chiếm, tranh chấp diễn ra tại một số địa bàn.

(4) Việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng rừng; thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đã có chủ trương nhưng kết quả thực hiện chưa nhiều. Công việc xây dựng và phê duyệt phương án phát triển rừng bền vững diễn ra chậm.

(5) Vốn hỗ trợ cho trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng theo chính sách của Trung ương còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ khối lượng thực tế thực hiện trên địa bàn tỉnh.

          Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ; sớm tháo gỡ khó khăn, tồn tại đã được nhận diện, một số giải pháp cụ thể được tăng cường trong thời gian tiếp theo:

(1) Triển khai thực hiện có hiệu quả các hình thức, tuyên truyền, giáo dục cụ thể, phụ hợp với trình độ, tập quán, tình hình thực tiễn; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cấp ủy, chính quyền địa phương; cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

(2) Huy động tối đa, lồng ghép nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn vốn ODA của các tổ chức NGO hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đầu tư, phát triển sản xuất lâm nghiệp. Thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường; thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các bon của rừng; từng bước hoàn thiện để sớm tham gia thị trường mua bán tín chỉ các bon tạo nguồn kinh phí ổn định để tái đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng.

(3) Triển khai thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật lâm nghiệp nhằm phát huy và khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của tỉnh. Thực hiện quy chủ diện tích rừng và đất lâm nghiệp; rà soát, quản lý hiệu quả đất có nguồn gốc nông, lâm trường, đất do các xã quản lý, đất trồng rừng sản xuất để tạo quỹ đất cho phát triển kinh tế đồi rừng và các ngành hàng địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu.

(4) Duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong sản xuất lâm nghiệp và gắn với xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

(5) Tiếp tục thực hiện tốt, linh hoạt và đầy đủ các cơ chế, chính sách của Trung ương trong việc thúc đẩy phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp, khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở chế biến lâm sản; đầu tư, hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh phân tán phù hợp để thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia. Hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ, hỗ trợ thành lập các HTX lâm nghiệp và xây dựng cấp chứng chỉ rừng.

(6) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào việc sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp năng suất, chất lượng cao, sinh trưởng nhanh, có khả năng chống chịu sâu bệnh và thích nghi vùng sinh thái để đưa vào trồng rừng. Tập trung áp dụng kỹ thuật hiện đại vào các khâu trồng rừng, chăm sóc, khai thác, chế biến để nâng cao năng lực sản xuất và giá trị lâm sản trên một đơn vị canh tác.

Cao Văn Văn – Chuyên viên phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn