Kinh nghiệm của Lào Cai trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thích ứng an toàn
Tỉnh Lào Cai là cửa ngõ giao thương quan trọng của Vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ, có trên 182 km đường biên giới với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc với hai cửa khẩu Quốc tế và nhiều lối thông quan; là con đường ra biển ngắn nhất, hiệu quả nhất của hàng hoá từ thị trường Vân Nam - Trung Quốc đến với thị trường Đông Nam Á và ngược lại. Là địa phương dẫn đầu khu vực Trung du miền núi phía Bắc về đón khách du lịch; là điểm cuối của tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai dài nhất của cả nước, Lào Cai được xác định là địa phương có nguy cơ cao lây nhiễm dịch Covid-19.
Nhận thức rõ các nguy cơ, thách thức
trong phòng chống dịch bệnh nên với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống
chính trị, sự chung tay góp sức của nhân dân, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều biện
pháp chủ động, hiệu quả, bám sát các chủ trương, định hướng của Chính phủ trong
công tác phòng chống dịch bệnh. Nhờ đó, Lào Cai vẫn kiểm soát tốt được tình
hình dịch bệnh.
Nhận
định và dự báo tình hình
Bước sang năm 2021, tình hình dịch đã
có diễn biến phức tạp, khó lường và nguy hiểm hơn; các giải pháp phòng, chống,
truy vết, cách ly, giãn cách, phong toả xã hội để ứng phó với đại dịch là chưa
từng có tiền lệ tại nước ta nên luôn có sự điều chỉnh liên tục để thích ứng với
dịch bệnh. Ngay từ đầu năm 2021, tỉnh Lào Cai đã chủ động đánh giá tác động của
các giải pháp phòng chống dịch bệnh đối với tăng trưởng kinh tế, cụ thể:
* Kết thúc quý I/2021, Việt Nam có
khoảng 2.600 ca bệnh, tổng sản phẩm trong nước ước tăng 4,48% so với
cùng kỳ, tỷ lệ thiếu việc làm là 2,20%.
* Kết thúc quý
II/2021, Việt Nam có 16.900 ca bệnh, tổng sản phẩm trong nước ước tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 6 tháng,
GDP tăng 5,64%, thấp hơn mức 6,77% cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ thiếu việc làm là
2,60%.
* Kết thúc quý III/2021, Việt Nam có
gần 790.000 ca bệnh; có 23/63 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách và tăng cường
giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tổng sản phẩm trong
nước (GDP) ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước kéo GDP 9 tháng chỉ
tăng 1,42%; tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao lên mức 4,39%.
Từ các số liệu nêu trên, Lào Cai đã
kịp thời làm rõ những vấn đề cơ bản trong quá trình tổ chức triển khai các giải
pháp phòng chống dịch bệnh, cụ thể:
- Về tác động của giãn cách xã hội:
Qua số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội cả nước theo từng quý có thể
thấy rằng: 1) Giãn cách xã hội không những không triệt tiêu được nguồn lây của
dịch mà còn có tác động tiêu cực đến toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội;
(2) Giãn cách càng kéo dài, số địa phương thực hiện giãn cách càng nhiều thì tỷ
lệ thiếu việc làm càng tăng và tốc độ tăng trưởng kinh tế càng giảm, thậm chí
tăng trưởng âm càng tạo thêm áp lực cho nền kinh tế và ngân sách; ảnh hưởng
trực tiếp đến nguồn lực cho phòng chống dịch.
- Về thời điểm kết thúc dịch: Đến
hết tháng 9/2021, Việt Nam đã có gần 790.000 ca bệnh, đứng thứ 43/223 quốc gia
và vùng lãnh thổ; tốc độ xét nghiệm thấp hơn tốc độ lây lan nên công tác truy
vết đã không còn hiệu quả vì nguồn dịch đã
len lỏi sâu trong công đồng, dẫn đến khả năng dập dịch hoàn toàn ở nhiều địa
phương và trên cả nước không khả thi và sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2022.
- Về khả năng ứng phó dịch bệnh của
địa phương: Tỉnh Lào Cai vẫn còn là tỉnh khó khăn của cả nước với tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chiếm 25%
tổng số hộ; tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao (trên 66%), trình độ nhận thức
nhiều mặt vẫn còn hạn chế. Hệ thống y tế cơ sở đã được quan tâm đầu tư nhưng
điều kiện máy móc, thiết bị, sinh phẩm, thuốc điều trị; chất lượng đội ngũ y
bác sỹ, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn chưa đáp ứng được yêu cầu
khi dịch lan rộng.
Từ những phân tích, nhận định về diễn
biến, tác động của dịch bệnh, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lào Cai xác định mọi hoạt động
chính trị - kinh tế - xã hội phải được triển khai cùng với công tác phòng,
chống, kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, phải điều chỉnh lại phương pháp phòng
chống dịch theo hướng chủ động sống chung, thích ứng lâu dài hơn, an toàn hơn
với dịch bệnh. Nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội
theo đó cũng được điều chỉnh trở thành trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ
đạo và điều hành của tỉnh Lào Cai trong suốt thời gian vừa qua.
Phục hồi và phát
triển kinh tế trong dịch - bài học kinh nghiệm của Lào Cai:
Trên
cơ sở phân tích, dự báo tình hình, tỉnh Lào Cai đã xác định những nhiệm vụ
trọng tâm, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ để kịp thời đưa ra các giải pháp,
hành động cụ thể:
Thứ nhất,
bảo đảm duy trì sự tham gia tối đa, thường xuyên, liên tục và chủ động của cả
hệ thống chính trị; phải tạo được niềm tin trong Nhân dân đối với sự lãnh đạo
của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong công tác phòng, chống dịch; chính niềm
tin đã tạo nên sức mạnh to lớn phòng chống dịch trong điều kiện nguồn lực của
tỉnh còn nhiều khó khăn. Trên thực tế, người dân ủng hộ và sẵn sàng hy sinh các
lợi ích về kinh tế để đề xuất với tỉnh duy trì lâu dài các chốt kiểm soát trên
các tuyến giao thông huyết mạch. Tuy nhiên, trước diễn biến kéo dài của dịch,
tỉnh Lào Cai đã tiến hành gỡ bỏ dần các trạm kiểm soát để thích ứng an toàn, linh
hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 theo chủ trương của Chính phủ nhằm
sớm lấy lại đà phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và có đóng góp, chung tay
vào sự phát triển chung của vùng và cả nước.
Thứ hai, triển
khai các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế trên cơ sở bám sát tình hình,
điều kiện thực tế của địa phương: Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan
chuyên môn tính toán kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến hiệu quả kinh tế, lợi
ích xã hội khi “vừa mở cửa vừa chống dịch” trên nguyên tắc: "Lợi ích về
kinh tế - xã hội - sức khỏe nhân dân lớn hơn chi phí cho phòng chống dịch"
để đưa ra các giải pháp một cách phù hợp, linh hoạt:
(1) Trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh,
thường xuyên rà soát, xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế để phấn đấu đạt
ở mức cao nhất so với kế hoạch đã đề ra. Nguồn thu từ một số ngành gặp khó khăn
như du lịch, xuất nhập khẩu… sẽ được bù đắp kịp thời bởi các ngành ít bị ảnh
hưởng như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, đô thị…
(2)
Tăng cường kiểm soát dịch tại các bệnh viện, các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp để tránh làm đứt gãy chuỗi sản xuất
công nghiệp "ngành trụ cột" của nền kinh tế.
(3)
Tận dụng từng cơ hội kiểm soát được dịch bệnh để từng bước phục hồi thị trường
khách du lịch nội địa. Tạo điều kiện cho du khách đến tỉnh Lào Cai được hưởng
các dịch vụ, sản phẩm du lịch tốt nhất trong điều kiện cho phép. Cùng với việc
tổ chức các sự kiện kích cầu du lịch như Festival “Tinh hoa Tây Bắc - Hương
sắc Lào Cai”, Lào Cai cũng tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch với chủ đề
“Lào Cai - Điểm đến an toàn”.
(4)
Tháo gỡ các nút thắt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tỉnh đã quyết liệt
chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án; xử lý nghiêm các nhà
thầu vi phạm tiến độ, chất lượng xây dựng công trình; có phương án cắt giảm,
điều chuyển vốn sang cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt. Số liệu về giải
ngân được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh theo dõi định kỳ hàng tuần để kịp thời lãnh đạo,
chỉ đạo thực hiện. Dự kiến đến hết 31/12/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công
của tỉnh đạt khoảng 90%.
(5) Ngoài triển khai các chính sách
hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Lào Cai đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ miễn giảm
lãi vay và cho vay mới các cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ bị ảnh hưởng với số
vốn gần 30.000 tỷ đồng; giảm mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng,
công trình dịch vụ trong khu vực cửa khẩu góp phần giảm chi phí cho doanh
nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu tại tỉnh.
Thứ ba, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19: Xác định được tốc độ phục
hồi nền kinh tế sẽ phụ thuộc và có mối quan hệ chặt chẽ với tiến độ triển khai
vắc-xin, nên tỉnh đã tập trung đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc-xin trên nguyên tắc
"tiêm sớm - tiêm rộng - tiêm đủ - tiêm an toàn". Thực hiện
phân bổ vắc xin theo địa bàn trọng điểm, nguy cơ bùng phát cao như khu công
nghiệp, Khu kinh tế cửa khẩu, Khu du lịch...; ưu tiên tiêm cho người già, người
có nguy cơ cao, mở rộng chỉ định tiêm phụ nữ mang thai trên 13 tuần và trẻ em;
mở rộng mạng lưới tiêm chủng bao gồm cố định và lưu động.
Thứ tư, ưu
tiên bảo đảm thông thương hàng hóa qua các cửa khẩu của Lào Cai, thúc đẩy tiêu
thụ nông sản cho các địa phương trong cả nước:
Tỉnh
đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng phía Trung Quốc tiếp tục vận hành có
hiệu quả “luồng ưu tiên” đối với hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu qua cặp cửa
khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Việt Nam) - Bắc Sơn (Trung Quốc); cho
phép xe tải trọng cỡ lớn chở 5 loại trái cây (thanh long, dưa hấu, vải, chuối,
xoài) qua cửa khẩu Quốc tế mà vẫn được hưởng chính sách biên mậu của phía Trung
Quốc; thí điểm kéo dài thời gian thông quan các mặt hàng nông sản, thủy hải sản
qua cửa khẩu Kim Thành đến 22h hàng ngày; thiết lập kênh liên lạc thường xuyên
với cơ quan chức năng quản lý cửa khẩu huyện Hà Khẩu, Trung Quốc để giảm ùn tắc
phương tiện, hàng hóa khi thông quan.
Đặc
biệt, tỉnh đã phối hợp với cơ quan chức năng phía Trung Quốc sớm thành lập Đội
lái xe trung chuyển tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành - Bắc Sơn để
vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu (lái xe được cách ly ngay tại khu vực cửa
khẩu).
Thường
xuyên trao đổi, cung cấp thông tin với các địa phương có lượng lớn nông sản xuất
khẩu qua Lào Cai (Bình Thuận, Long An, Bắc Giang, Sơn La …) để tạm dừng đưa
hàng hóa lên cửa khẩu vào các thời điểm phía nước bạn thắt chặt, hạn chế nhập
khẩu nhằm giảm bớt thiệt hại cho các doanh nghiệp.
Ngoài
ra, trong năm 2021, Lào Cai đã chủ trì thành công Hội nghị trao đổi giữa Bí thư
các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên với Bí thư tỉnh Vân Nam -
Trung Quốc; qua đó duy trì mối quan hệ hợp tác hữu nghị, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn
nhau trong phòng chống dịch bệnh và giao thương hàng hoá.
Thứ năm, tạo
thêm việc làm mới cho người lao động: Đến
nay, tỉnh Lào Cai có trên 10.000 lao động bị mất việc làm do tác động của dịch
bệnh Covid-19, trong đó có một lượng lớn các lao động từ các tỉnh bùng phát
dịch trở về địa phương. Để vừa bảo đảm đời sống cho người lao động, vừa tạo
nguồn lực cho khôi phục kinh tế, tỉnh đã có giải pháp tạo việc làm thông qua
nhiều hình thức:
-
Kết nối với trên 30 doanh nghiệp lớn đang thiếu hụt lao động ở các tỉnh Hải
Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh... triển khai hiệu quả ngày hội việc
làm cấp tỉnh; đã tổ chức trên 30 phiên giao dịch việc làm, chợ việc làm online;
tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động theo nhu cầu,
bổ sung kịp thời lao động bị thiếu hụt để khôi phục sản xuất.
-
Làm việc với 10 doanh nghiệp xuất khẩu lao động để đưa hàng trăm lao động đi
xuất khẩu lao động và đưa lao động qua biên giới làm việc theo hợp đồng.
Thông
qua những giải pháp linh hoạt, kịp thời trên cơ sở phân tích những thuận lợi,
khó khăn và đặc thù của địa phương, Lào Cai vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá,
bình quân cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước: Năm 2020, GRDP bình quân
đầu người đạt 77,7 triệu đồng, đứng thứ 2 trong các tỉnh Trung du, Miền núi
phía Bắc; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 9.200 tỷ đồng. Năm 2021, tăng
trưởng GRDP đạt 5,33%; thu ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch và ước đạt trên
9.800 tỷ đồng.
Một
số giải pháp đề xuất để thích ứng với dịch bệnh trong trạng thái “bình thường
mới”
Trong năm 2022
và các năm tiếp theo, để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững
trong bối cảnh chuyển từ “Không Covid-19” sang “Thích ứng an toàn,
linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, duy trì kết nối an toàn
giữa các địa phương, Lào Cai đề xuất với
Trung ương một số giải pháp sau:
- Một là, tiếp tục ưu tiên thực hiện các giải pháp phòng, chống và
kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả nhất là tại các địa phương có biên giới, cửa
khẩu Quốc tế; đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu và tự sản xuất vắc-xin cho mọi
lứa tuổi. Đặc biệt quan tâm nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở để thực hiện
tốt đồng thời cả nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh và nhiệm vụ khám chữa bệnh ban
đầu, tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ...; giảm áp lực cho
hệ thống bệnh viện tuyến trên trong mọi tình huống dịch. Đồng thời, ban hành
riêng chính sách thu hút, hỗ trợ với cán bộ y tế cơ sở tương xứng với vai trò
nhiệm vụ.
- Hai là, sớm ban hành Chương trình tổng thể về phục hồi và phát
triển kinh tế trong và sau dịch COVID-19, trong đó tập trung vào các nhóm giải
pháp mang tính then chốt như: (i) Cải cách thể chế thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo
điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau dịch; (ii) Điều
chỉnh linh hoạt chính sách tài khoá và nợ công; chấp nhận thâm hụt ngân sách để
có nguồn lực ban hành thêm gói hỗ trợ nền kinh tế đủ lớn; (iii) Bình ổn giá
nguyên liệu cho sản xuất, chi phí lưu thông hàng hóa... nhằm kiềm chế lạm phát.
- Ba là, hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số
trong đó ưu tiên phát triển kinh tế số, xã hội số. Kinh tế số được coi là một
động lực mới trong phát triển kinh tế vì mở ra các lĩnh vực kinh tế mới; tạo
thêm việc làm; thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo;
mở rộng thị trường quốc tế cho hàng Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh của
từng doanh nghiệp, từng địa phương và của cả Quốc gia. Chuyển đổi số cũng sẽ
giúp quản trị hiệu quả dịch bệnh thông qua các ứng dụng quản lý công dân, truy
vết, hỗ trợ điều trị F0; giảm tiếp xúc thông qua thực hiện thủ tục hành chính
điện tử.
- Bốn là, sớm đánh giá, tổng kết các quy định pháp luật có liên
quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; công tác khám bệnh, chữa bệnh để
sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ,
thống nhất, kịp thời, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, gắn
với yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cần nghiên cứu xây dựng
các dự án Luật về hoạt động từ thiện, nhân đạo; Luật điều chỉnh về Trang thiết
bị, vật tư y tế; Luật điều chỉnh về Chính phủ số, Xã hội số...
- Năm là, xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đã
được tiêm chủng tới Việt Nam; xem xét công nhận và sử dụng hộ chiếu vắc-xin của
các nước tại Việt Nam.
Với sự đồng lòng
của Nhân dân, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo sáng
suốt của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các địa phương trong cả
nước sẽ có sự nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn và đưa ra nhiều giải
pháp hiệu quả, kịp thời hơn nữa, sớm đưa vào cuộc sống nhằm giúp người dân,
doanh nghiệp… vượt qua khó khăn, thách thức, sớm phục hồi và từng bước thúc đẩy
phát triển sản xuất, kinh doanh./.