Huyện ủy Văn Bàn tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử đảng trên địa bàn
Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TU, ngày 06/6/2018 của Tỉnh ủy Lào Cai về tiếp tục tăng cường nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng, Huyện ủy Văn Bàn đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị nhằm nâng cao nhận thức trong toàn Đảng bộ nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp về công tác biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương.

Huyện đã xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện theo từng năm thực hiện việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử các cơ quan, đơn vị, các ngành. Qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng nói chung, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng nói riêng; cấp ủy cơ sở xác định công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, đơn vị.

Trong 04 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TU (từ 2018 - 2022), Đảng bộ địa phương đã xuất bản 15 cuốn lịch sử, 01 cuốn Lịch sử truyền thống ngành, 01 cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện (trên cơ sở hợp nhất 03 cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện đã xuất bản giai đoạn trước, tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Văn Bàn, giai đoạn năm 1947 - 2017), đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025).

Việc tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm Lịch sử được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ từ việc xây dựng kế hoạch, sưu tầm tư liệu, xây dựng đề cương, bản thảo, tổ chức hội thảo góp ý, hoàn thiện bản thảo, thẩm định xin phép xuất bản, tổ chức in ấn và xây dựng kế hoạch sử dụng các ấn phẩm, tuyên truyền giáo dục sau khi phát hành. Các công trình Lịch sử được xuất bản bảo đảm nội dung, hình thức, tính lịch sử, tính khoa học và tính Đảng. Các công trình Lịch sử đã chú ý đến tổng kết thực tiễn lịch sử và kinh nghiệm địa phương, ngành, do vậy đã góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ, cơ quan, đơn vị trong sự nghiệp đổi mới. Huyện ủy chỉ đạo giao cho đồng chí bí thư Đảng ủy trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn bộ việc nghiên cứu, biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành, do đó chất lượng các công trình lịch sử Đảng bộ cơ sở được nâng lên đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương, của ngành đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Quan tâm chú trọng đến công tác chỉ đạo sưu tầm tư liệu, bố trí kinh phí hàng năm để triển khai thực hiện tốt công tác lịch sử Đảng. Công tác bảo quản, lưu trữ, sử dụng tài liệu lịch sử Đảng đảm bảo đúng nội quy, quy chế, trình tự khi khai thác nghiên cứu tài liệu. Công tác bảo quản, lưu trữ, sử dụng tài liệu lịch sử Đảng đảm bảo đúng nội quy, quy chế, trình tự khi khai thác nghiên cứu tài liệu. Các cuộc hội thảo được tổ chức nghiêm túc, có đầy đủ căn cứ và nhân chứng lịch sử, với những tư liệu lịch sử có giá trị được Đảng ủy các xã sưu tầm qua nhiều kênh thông tin đảm bảo tính thực tiễn và khoa học. Đến thời điểm tháng 9/2022, đã có 19/22 đảng bộ xã, thị trấn xuất bản lịch sử Đảng, 06 cơ quan, ngành xuất bản lịch sử truyền thống ngành. Phấn đấu đến năm 2024, 22/22 xã, thị trấn xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương; 10 cơ quan, đơn vị xuất bản truyền thống lịch sử ngành, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành một chỉ tiêu trong Nghị quyết đại hội đảng bộ huyện Văn Bàn khóa XXI.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, các cấp ủy đảng đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Các cuốn lịch sử sau khi phát hành đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và toàn thể quần chúng Nhân dân đón đọc, góp phần tích cực trong việc giáo dục lòng tự hào, truyền thống yêu quê hương, sự đoàn kết và tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường của Đảng bộ và Nhân dân địa phương. Huyện ủy đã chỉ đạo Trung tâm Chính trị huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Đảng bộ các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân, đoàn viên, hội viên. Giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy biên soạn từ cuốn Lịch sử đảng bộ huyện Văn Bàn (1947 - 2017) thành đề cương để giảng dạy trong các chương trình bồi dưỡng của Trung tâm Chính trị huyện.

Đảng bộ phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường đưa vào chương trình giảng dạy Lịch sử địa phương tại 24 trường THCS. Biên soạn từ cuốn Lịch sử đảng bộ huyện Văn Bàn (1947 - 2017) thành Đề cương tuyên truyền nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ huyện văn Bàn, chỉ đạo tuyên truyền thông qua hội nghị tuyên vận, tuyên truyền trên Fanpage của đảng ủy cơ sở. Huyện đoàn tổ chức 01 buổi giới thiệu, tuyên truyền lịch sử Đảng bộ huyện Văn Bàn (1947 - 2017) cho 44 Bí thư cơ sở đoàn trực thuộc, chỉ đạo các cơ sở đoàn trực thuộc đưa nội dung tuyên truyền lịch sử Đảng bộ huyện Văn Bàn (1947 - 2017), lịch sử đảng bộ xã (đối với 19 xã, thị trấn đã xuất bản) trong đoàn viên, thanh niên. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của Đảng bộ huyện và đảng bộ địa phương.

Đối với cấp cơ ở: Đảng ủy các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị tổ chức biên soạn tài liệu tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, Lịch sử truyền thống ngành, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống loa phát thanh của cơ sở, các hội nghị tuyên vận, sinh hoạt chi bộ, Đảng ủy các xã chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn tổ chức đưa nội dung tuyên truyền Lịch sử Đảng bộ địa phương vào chương trình bài học Lịch sử địa phương, tổ chức kiểm tra, đánh giá theo quy định của ngành giáo dục.

anh tin bai

 Hội thảo biên soạn lịch sử Đảng bộ tại xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn

Tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử đảng. Huyện đã thành lập hội đồng Thẩm định, phân công 01 đồng chí chuyên viên phụ trách về công tác lịch sử đảng; các chi, đảng bộ cơ sở phân công 01 đồng chí trong thường trực cấp ủy kiêm nhiệm phụ trách công tác lịch sử Đảng. 100% cán bộ phụ trách công tác lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Huyện ủy, các chi, đảng bộ trực thuộc là kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách về công tác Lịch sử đảng. Các cơ sở khi biên soạn lịch sử đảng đều thành lập Ban chỉ đạo, Ban biên soạn để giúp cấp ủy trong việc nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản và tuyên truyền Lịch sử đảng bộ cơ sở, xây dựng kế hoạch chi tiết của cấp ủy, gắn trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, do đó các cơ sở đã tập trung chỉ đạo hoàn thành các nội dung theo đúng kế hoạch của Huyện ủy. Hằng năm, huyện xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các đồng chí làm công tác lịch sử Đảng ở cơ sở, mời giảng viên của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về trực tiếp truyền đạt tại các lớp tập huấn. Trong 04 năm đã tổ chức 03 lớp bồi dưỡng với 234 đại biểu tham gia.

Nguồn lực, kinh phí nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử đảng được quan tâm đầu tư. Huyện đã nâng mức hỗ trợ kinh phí cho Đảng bộ các xã, thị trấn, cơ quan thực hiện nghiên cứu, biên soạn xuất bản lịch sử Đảng là 60 triệu đồng (tăng 15 triệu đồng so với trước năm 2022), qua đó giúp cho các cơ sở chủ động về kinh phí trong công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lịch sử Đảng địa phương.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử đảng, huyện Văn Bàn cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 06/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Quy định số 1397-QĐ/TU, ngày 25/12/2019 về nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử sở, ban, ngành, địa phương. Xây dựng kế hoạch cụ thể để sưu tầm biên soạn và phát hành lịch sử địa phương, lịch sử truyền thống ngành cho phù hợp với thực tiễn. Phấn đấu đến năm 2023 sẽ hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Bàn khóa XXI về nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng.

Quan tâm sưu tầm, khai thác, bổ sung tư liệu Lịch sử Đảng, Lịch sử địa phương, đơn vị, nhất là tư liệu qua phỏng vấn các nhân chứng lịch sử. Làm tốt công tác bảo quản, lưu trữ, sử dụng tư liệu Lịch sử Đảng. Tiếp tục triển khai tái bản, chỉnh sửa, bổ sung, nghiên cứu, biên soạn mới Lịch sử Đảng, Lịch sử truyền thống ngành bảo đảm tính hệ thống, liên tục.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, Lịch sử truyền thống ngành trong toàn Đảng bộ và toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đổi mới phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Làm tốt công tác thông tin, giới thiệu lịch sử Đảng bộ huyện và Lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn. Tiếp tục có kế hoạch sử dụng hiệu quả các ấn phẩm lịch sử đã ban hành.

Quan tâm, bảo đảm các nguồn lực về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho công tác Lịch sử Đảng. Đẩy mạnh phối hợp giữa các đơn vị, huy động mọi nguồn lực trong nghiên cứu, biên soạn, giáo dục Lịch sử Đảng, Lịch sử truyền thống ngành.

Đỗ Quang Thắng – Chuyên viên phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn