Huyện ủy Văn Bàn quyết tâm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị
Trong thời gian qua, Huyện ủy Văn Bàn đã đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, chủ động trong công tác lãnh đạo, tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới (mô hình nghiệp vụ công tác Đảng năm 2021 đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên; sắp xếp tổ chức đảng cơ sở). Phát triển kinh tế - xã hội ổn định; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, khó khăn. 56/57 chỉ tiêu (năm 2021) đạt và vượt kế hoạch đề ra; một số chỉ tiêu tăng tưởng khá so với mặt bằng chung của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12,05%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 87 triệu đồng. Thu nhập bình quân/người/năm đạt 48,9 triệu đồng. Công tác quy hoạch được tăng cường triển khai (đặc biệt là quy hoạch đô thị, xây dựng, sắp xếp dân cư nông thôn). Chủ động mời gọi kết nối, làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án trên các lĩnh vực trọng tâm, thế mạnh của huyện. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được thực hiện có hiệu quả, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi rõ rệt. Công tác quân sự quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được bảo đảm  ổn định, giữ vững.

         Tuy nhiên, ngoài các kết quả đã đạt được, Huyện Văn Bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Sản xuất nông, lâm nghiệp có bước phát triển, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; việc hình thành các mô hình sản xuất gắn với các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chưa nhiều; giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác còn thấp. Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng còn hạn chế; chưa khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của rừng gắn với phát triển kinh tế. Việc chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động từ khu vực nông nghiệp chuyển sang khu vực phi nông nghiệp kết quả còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Chưa có các giải pháp, cách làm đột phá để tạo sức bật cho phong trào làm giàu trong nhân dân. Công tác phối hợp với các ngành, các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn đôi lúc còn chưa đồng bộ, nhịp nhàng. Cán bộ cấp cơ sở chưa đồng đều. Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên, chặt chẽ. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao; tình hình an ninh trật tự, an ninh nông thôn, an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp.

         Trong thời gian tới, để khắc phục các tồn tại, hạn chế, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị; Huyện ủy Văn Bàn cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, thống nhất trong toàn Đảng bộ; huy động sự vào cuộc, đồng thuận của toàn xã hội; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng thời tập trung triển khai một số nhiệm vụ như sau:

Tiếp tục sáng  tạo, chủ động, linh hoạt, khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh để triển khai các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn huyện. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, khắc phục các tồn tại, hạn chế.

Tiếp tục quán triệt, triển khai việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, các chương trình, đề án, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách của Trung ương và của tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Bàn lần thứ XXI; tăng cường công tác dự đoán, dự báo tình hình để vận dụng vào điều kiện thực tế của từng địa phương để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tập trung lồng gắn thực hiện nhiệm vụ 18 đề án của tỉnh, các nghị quyết của Tỉnh ủy với 08 đề án, 04 nghị quyết, 05 kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Xác định nhiệm vụ quy hoạch, phát triển đô thị, hạ tầng, kết nối giao thông, sắp xếp dân cư nông thôn là nhiệm vụ đột phá, tạo không gian phát triển; phát triển du lịch, dịch vụ là nhiệm vụ lâu dài, bền vững; phát triển nông nghiệp hàng hóa, kinh tế đồi rừng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên xuốt để xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Tăng cường công tác Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị

Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ nhất là xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, quan tâm công tác phát triển đảng viên mới đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trách nhiệm, tiền phong, gương mẫu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín. Tăng cường công tác tuyên vận; tổ chức tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, doanh nghiệp.

Tăng cường nắm chắc địa bàn, nắm chắc tình hình và kịp thời xử lý thông tin ngay từ cơ sở nhằm tạo sự ổn định; thường xuyên hướng dẫn kiểm tra các chi, đảng bộ cơ sở để nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong hệ thống chính trị, đặc biệt tại cấp cơ sở gắn với việc quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 14-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 – 2025 và Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 17/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Lãnh đạo các nhiệm vụ kinh tế - xã hội

Tập trung làm tốt công tác quy hoạch (đô thị, sắp xếp dân cư, đất đai, vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, du lịch, rừng,…) với chiến lược, tầm nhìn dài hạn, có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh.

          Giải quyết tốt vấn đề đất ở nông thôn, chủ động quy hoạch phát triển đô thị tại các xã, cụm xã và trung tâm huyện; Xác định phát triển hạ tầng, đô thị là đột phá quan trọng; tập trung thu hút đầu tư, phát triển 03 đô thị hạt nhân: Khu đô thị thị trấn Khánh Yên, Khu đô thị Võ Lao và Khu đô thị Tân An bảo đảm phù hợp với các dự án kết nối giao thông trọng điểm trong vùng (đường cao tốc, cảng hàng không, tuyến du lịch tâm linh,...)

Quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU về chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; chú trọng phát triển sản xuất, hình thành vùng sản xuất nông, lâm nghiệp giá trị cao. Hình thành các mô hình nông nghiệp có hiệu quả cao gắn với sản xuất sản phẩm OCOP chủ lực phục vụ nhu cầu thị trường. Hỗ trợ, thu hút các dự án chế biến nông, lâm sản tại địa phương; khuyến khích các hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư, liên kết phát triển các ngành nghề sản xuất, chế biến nông, lâm sản. Chuyển đổi hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; phát triển kinh tế đồi rừng. Kiểm tra, rà soát diện tích đất quy hoạch cho rừng sản xuất để giao và cấp đất cho hộ gia đình, cá nhân nhằm sản xuất ổn định lâu dài. Nghiên cứu chuyển đổi một số diện tích rừng hiệu quả thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao.

 Chủ động quy hoạch các khu, cụm công nghiệp. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án công nghiệp (các nhà máy thủy điện, nhà máy tuyển quặng sắt, quặng Apatit) sớm hoàn thành đưa vào hoạt động sản xuất; Tăng cường công tác quản lý nhà nước; kiểm tra, kiểm soát hoạt động chấp hành các quy định của pháp luật đối với các đơn vị sản xuất công nghiệp thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản.

Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ những lĩnh vực có thế mạnh gắn với chế biến nông, lâm sản tạo ra sản phẩm địa phương chất lượng tốt có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Phát triển nghề và làng nghề như: thêu thổ cẩm, mây tre đan, chế biến nông sản, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động

Tăng cường thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường tại khu vực nông thôn, vùng khó khăn bảo đảm cung ứng mặt hàng thiết yếu và đẩy mạnh thu mua, chế biến sản phẩm cho nông dân.

Tăng cường xây dựng, phát triển các tài nguyên du lịch. Đẩy mạnh thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch. Khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp trên địa bàn (Thác Bay, thác Thẩm Dương, Thác Nậm Tha, di tích đền Cô Tân An, di tích đền Ken, văn hóa người Tày, người Dao Đỏ; ruộng bậc thang Dần Thàng, Nà Neo,....). Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng tạo dấu ấn thu hút khách du lịch đến địa bàn huyện. Sớm hoàn thiện Chiến lược phát triển du lịch huyện Văn Bàn báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Thực hiện tốt công tác phối hợp quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản (quặng sắt, vàng, apatit,…), tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng các khoáng sản (đá, cát,…) trong thẩm quyền cho phép.

Tập trung công tác bảo vệ môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường do tác động của khai thác khoảng sản và các công trình thuỷ điện.

          Tập trung bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc (văn hóa người Tày, Dao Đỏ,…). Tăng cường vận động, nâng cao nhận thức, đẩy lùi các hủ tục, tập quán lạc hậu; không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. .

Quán triệt, tổ chức triển khai có hiệu Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 07/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường hướng nghiệp cho học sinh; nâng tỷ lệ học sinh học tiếp lên trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, học nghề. Huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo nghề, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, chú trọng đào tạo nghề trong nông nghiệp, chuyển dịch dần lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp sẵn sàng đáp ứng nguồn nhân lực cho các khu, cụm công nghiệp và các dự án được triển khai trong giai đoạn tới.

Đặc biệt chú trọng công tác an sinh xã hội và sự đồng thuận của nhân dân; quan tâm đời sống của đồng bào trong khu vực nông thôn, khu vực khó khăn. Triển khai đồng bộ các chương trình, giải pháp giảm nghèo, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững; ưu tiên tập trung nguồn lực cho xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (Nậm Chày, Sơn Thủy,...), Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo ưu tiên bố trí vốn thực hiện dự án trên địa bàn các xã có khai thác khoáng sản quy mô công nghiệp.

Tiếp tục triển khai thực hiện công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn huyện bảo đảm đúng theo các hướng dẫn, quy định của Trung ương đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân gắn với việc nâng cao chất lượng dân số.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh

Xây dựng và thực hiện quy hoạch thế trận trong khu vực phòng thủ; bảo đảm là căn cứ hậu phương vững chắc của tỉnh; rà soát, quản lý tốt các công trình phòng thủ của quốc gia, quân khu trên địa bàn huyện; bảo vệ an toàn tuyệt đối các công trình, mục tiêu trọng điểm.

Chủ động, quyết liệt trong phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, tai, tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật; triệt phá, xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy, tệ nạn xã hội (Minh Lương, Nậm Chày,…); xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc sâu, rộng, phát huy sự tham gia mạnh mẽ, tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.

Đỗ Quang Thắng – Chuyên viên phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn