Huyện Bảo Yên tích cực triển khai Nghị quyết 10-NQ/TU
Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, huyện Bảo Yên là vùng có tiềm năng phát triển nông nghiệp với những nông, lâm đặc sản mang giá trị kinh tế cao, là nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, nguồn cung ứng thực phẩm cho các đô thị trong và ngoài tỉnh. 

Ngày 26/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định rõ 5 ngành hàng chủ lực cần tập trung phát triển tại Bảo Yên, bao gồm: Quế, Chè, chuối, Kinh tế đồi rừng và chăn nuôi Lợn. Cùng với các điều kiện về kết cấu hạ tầng thời gian qua có bước phát triển vượt bậc, có hệ thống giao thông đa dạng, phong phú, thuận lợi trong việc giao thương, vận chuyển hàng hoá, phát triển du lịch, dịch vụ: Đường Quốc lộ 70 và Quốc lộ 279, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; có đường thủy, đường sắt; và sắp tới có đường hàng không; 100% xã có đường ô tô được nhựa hóa đến trung tâm xã... Đây là tiền đề và là lợi thế để huyện Bảo Yên phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình trong việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hàng hoá.

Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, thời gian qua, huyện Bảo Yên đã tích cực triển khai thực hiện và xác định đây là trọng tâm. Hàng tháng, hàng quý, Ban Chỉ đạo Nông nghiệp hàng hóa huyện Bảo Yên đều tổ chức họp thành viên Ban Chỉ đạo theo quy chế hoạt động đã xây dựng để định hướng triển khai công việc và bàn bạc, đề ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Đến nay sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bảo Yên đã thu được một số kết quả:

Về cây Quế với tổng diện tích hiện nay đạt 23.527ha, dự kiến đến 2025 đạt 25.000ha. Sản lượng cành lá cho khai thác hiện tại dự kiến đạt 156.000 tấn; sản lượng vỏ dự kiến đạt 77.900 tấn đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho 07 doanh nghiệp, Hợp tác xã đang hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm từ Quế trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các sản phẩm chế biến từ Quế trên địa bàn huyện đều ở dạng thô, chưa khai thác hết giá trị sản phẩm. Do vậy, thời gian tới, mục tiêu của Bảo Yên là kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào chế biến tinh, sâu các sản phẩm từ Quế để tăng giá trị của sản phẩm.

 
anh tin bai

Mô hình trồng chè VietGAP tại huyện Bảo Yên

 

 Về Phát triển kinh tế đồi rừng: Hiện tại tỷ lệ che phủ rừng của Bảo Yên đã đạt 61,2%, toàn huyện đang có gần 32 nghìn ha rừng trồng sản xuất là nguồn cung cấp nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến gỗ MDF với công suất 90.000 m3/năm tương đương với 105.000 tấn SP/năm và các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện. Sản lượng gỗ khai thác ước thực hiện trong 6 tháng đầu năm đạt trên 5.000m3, phấn đấu hết năm 2022, sản lượng dự kiến đạt 114.000m3.

Về Cây chuối: Hiện tại toàn huyện đang có trên 160 ha Chuối, trong đó vùng quy hoạch sản xuất Chuối tiêu hàng hóa tập trung tại 03 xã (Yên Sơn, Kim Sơn, Xuân Hòa) diện tích đạt 25 ha hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất đạt gần 30 tấn/ha. Đối với kế hoạch trồng mới năm 2022 là 130ha và định hướng đến năm 2025 đạt 300ha, huyện Bảo Yên đã thực hiện quy hoạch vùng trồng, chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất để thực hiện. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, Trung Quốc đóng cửa biên giới gây khó khăn trong việc xuất khẩu nên công tác triển khai trồng mới Chuối tiêu trên địa bàn huyện năm 2022 gặp nhiều khó khăn.

Đối với Cây Chè: Trên địa bàn huyện đang có 01 nhà máy chế biến chè với quy mô sản xuất khoảng 1.000 tấn chè búp tương đương khoảng 200 tấn chè khô, thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm cho hầu hết chè trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, vừa qua với mong muốn nâng cao chất lượng và củng cố mối liên kết sản xuất Chè, huyện Bảo Yên đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương, doanh nghiệp thực hiện rà soát hiện trạng diện tích Chè toàn huyện chi tiết đến từng thôn bản. Kết quả thống kê diện tích chè hiện có toàn huyện đến nay còn 459 ha, giảm 297ha so với số liệu đầu năm 2021. Nguyên nhân giảm diện tích do: Tại những diện tích mất khoảng, phải trồng dặm chè vào để đảm bảo mật độ nhưng người dân lại trồng xen quế, thậm chí trồng xen với mật độ dày khiến cho cây Chè sinh trưởng kém, chết cây; Một số diện tích trồng Chè trung du trước đây đang giai đoạn già cỗi, người dân đã trồng xen chè chất lượng cao để dần thay thế chè cũ. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ năm 2019 - 2021 công ty Chè Đại Hưng không xuất bán được, giá thu mua chè búp tươi không ổn định (thấp) và còn tình trạng nợ tiền dân gây nên tâm lý chán nản, không đầu tư chăm sóc cho cây chè.

 Nhằm khôi phục vùng nguyên liệu và nâng cao giá trị sản xuất Chè, năm 2022 huyện Bảo Yên sẽ thực hiện trồng mới 50ha chè hữu cơ và khảo nghiệm trồng xen 30ha Chè và cây Mắc ca.

 Về Chăn nuôi Lợn: Huyện Bảo Yên được đưa vào quy hoạch huyện chăn nuôi Lợn theo KH của tỉnh với quy mô đạt 100.000 con năm 2025. Với mục tiêu đó, Bảo Yên đã chủ động quy hoạch quỹ đất hơn 100ha đất để kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư. Hiện đang có 04 doanh nghiệp đã đến khảo sát địa điểm và dự kiến đầu tư trong năm 2022.

Cùng với các cây trồng, vật nuôi của tỉnh, Bảo Yên cũng xác định và tập trung chỉ đạo phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện như cây Dâu tằm, cây ăn quả (Hồng không hạt Bảo Hà, Thanh long, Bưởi), Gà đồi, Vịt bầu Nghĩa Đô. Các loại nông sản có thế mạnh của huyện cơ bản đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu, nhiều sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Bảo Yên cũng gặp một số khó khăn trong công tác triển khai thực hiện: Do dịch bệnh Covid-19 và tác động của kinh tế thế giới gây ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm không ổn định dẫn đến tiến độ triển khai thực hiện theo KH chậm. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao (giá thức ăn chăn nuôi tăng trên 30% so với cùng kỳ 2021). Diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, cùng với chủ trương tập trung đẩy mạnh phát triển cho trồng theo quy mô hàng hóa trong giai đoạn này sẽ là thách thức lớn cho ngành nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hình thức tổ chức sản xuất còn yếu, cơ bản vẫn là kinh tế hộ, manh mún nhỏ lẻ; các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất mang tính tự phát; phần lớn Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động chưa hiệu quả. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp còn hạn chế; sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, nông nghiệp sạch, an toàn còn thấp, chủ yếu vẫn canh tác theo quy trình kỹ thuật truyền thống.  Các chính sách thu hút đầu tư chưa nhiều đặc biệt liên quan đến chăn nuôi, việc tích tụ đất đai còn nhiều bất cập (tình trạng đất chồng chéo giữa tổ chức với người dân, diện tích liền vùng liền thửa không nhiều…), các thủ tục trình xin chủ trương đầu tư chưa được rút ngắn, do vậy, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược xây dựng các nhà máy chế biến sâu nông sản để nâng cao giá trị. Việc lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện chính sách còn gặp khó khăn, vướng mắc do cơ chế tài chính, đối tượng và nội dung hỗ trợ khác nhau tùy theo từng nguồn vốn; Việc tiếp cận nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay còn hạn chế.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng cho sản phẩm, thời gian tới Ban Chỉ đạo Nông nghiệp hàng hóa huyện Bảo Yên sẽ tập trung trước tiên là quy hoạch lại vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo từng ngành hàng chủ lực; Xây dựng chiến lược phát triển cụ thể cho từng ngành hàng; Phân vùng để kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, Trung tâm nghiên cứu giống cây trồng trên địa bàn huyện.

Trịnh Xuân Quyết – Phó Trưởng phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn