Hướng dẫn việc học tập, quán triệt, tuyên truyền, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động; quy trình sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng đối với các cấp ủy, tổ chức đảng
Với mục đích hướng dẫn thống nhất việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động; công tác sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; trách nhiệm của cấp ủy các cấp, các cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy và cán bộ, đảng viên trong việc tuyên truyền, phổ biến, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động; sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh. Yêu cầu việc học tập, quán triệt, tuyên truyền, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động; sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng phải được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học, chất lượng, kịp thời. Bí thư cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, chủ trì và chịu trách nhiệm về chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động; sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.

Tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng phải được tiến hành kịp thời, nghiêm túc, đổi mới, bảo đảm phù hợp với từng cấp, từng đối tượng; kết hợp nghiên cứu, học tập, quán triệt với thảo luận; thông qua chương trình hành động của cấp ủy, tổ chức đảng. Căn cứ tình hình thực tế, cơ quan được cấp ủy giao chủ trì tham mưu đề xuất với cấp ủy cùng cấp hình thức, quy mô tổ chức học tập, quán triệt phù hợp. Đối với các lực lượng vũ trang, sau khi có hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương chủ động xây dựng kế hoạch và hướng dẫn tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, cơ quan, đơn vị.

Công tác tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng đến với đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân cần được tiến hành kịp thời, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Nội dung tuyên truyền tập trung vào những vấn đề cốt lõi, điểm mới trong nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; chú trọng đấu tranh phản bác các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch và định hướng dư luận xã hội theo đúng phương châm "lấy xây làm chính", "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực"; củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Khai thác hiệu quả các thiết chế văn hoá, hệ thống loa truyền thanh cấp xã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng; phát huy tối đa vai trò của đội ngũ tuyên vận ở cơ sở, báo cáo viên, tuyên truyền viên; đồng thời tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.

Bài viết thu hoạch cá nhân được thực hiện theo hướng đổi mới, linh hoạt gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Nội dung thu hoạch tập trung thể hiện nhận thức toàn diện của cá nhân về nghị quyết, chỉ thị, kết luận, nhất là những điểm mới, quan điểm, mục tiêu, giải pháp; đề xuất các giải pháp thực hiện ở ngành, địa phương, đơn vị và trách nhiệm cụ thể của cá nhân. Cơ quan được Tỉnh ủy giao chủ trì tham mưu xây dựng mẫu phiếu hoặc câu hỏi thu hoạch cá nhân của đại biểu do Tỉnh ủy triệu tập.Cơ quan được cấp ủy cấp huyện giao chủ trì tham mưu xây dựng mẫu phiếu hoặc câu hỏi thu hoạch cá nhân của đại biểu do cấp ủy cấp huyện triệu tập; hướng dẫn các tổ chức đảng cơ sở xây dựng mẫu phiếu thu hoạch cá nhân. Đảng viên được miễn sinh hoạt đảng, đảng viên không đủ sức khỏe lao động, đảng viên cao tuổi (trên 60 tuổi), cán bộ hưu trí, đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý đang sinh hoạt tại các chi bộ nông thôn khuyến khích (không bắt buộc) viết bài thu hoạch cá nhân. Bài thu hoạch được đánh giá ở 4 mức độ, theo thang điểm 10: Loại tốt từ 9,0 điểm đến 10 điểm; Loại khá từ 7,0 điểm đến dưới 9,0 điểm; Loại trung bình từ 5,0 điểm đến dưới 7,0; Loại yếu dưới 5,0 điểm. Đồng chí bí thư cấp uỷ, thủ trưởng cơ quan đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo việc đánh giá xếp loại bài thu hoạch. Đối với bài thu hoạch được đánh giá yếu (dưới 5,0 điểm) thì cơ quan được cấp ủy giao chủ trì tham mưu đánh giá, xếp loại bài thu hoạch yêu cầu đảng viên viết lại cho đến khi được đánh giá từ trung bình trở lên. Cơ quan được Tỉnh ủy giao chủ trì tham mưu đánh giá, xếp loại bài thu hoạch cá nhân của đại biểu do Tỉnh ủy triệu tập, báo cáo Tỉnh ủy. Cơ quan được cấp ủy cấp huyện giao chủ trì tham mưu đánh giá, xếp loại bài thu hoạch cá nhân của đại biểu do cấp ủy cấp huyện triệu tập, báo cáo cấp ủy cấp huyện.

Sau mỗi đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt, các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ nội dung, tính chất từng nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và chỉ đạo của Tỉnh ủy để xây dựng chương trình hoặc kế hoạch hành động gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trước khi xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cần tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng, có số liệu để làm cơ sở cho việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính khả thi, thiết thực, bảo đảm tính định lượng, thể hiện sự quyết tâm của cấp ủy đảng trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Căn cứ thời gian thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận để tiến hành sơ kết, tổng kết bảo đảm kịp thời, khoa học, hiệu quả, gắn lý luận với thực tiễn, tổng kết thực tiễn phục vụ công tác nghiên cứu lý luận. Đối với nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng triển khai thực hiện đủ 05 năm kể từ ngày ký ban hành tổ chức sơ kết; thực hiện đủ 10 năm tổ chức tổng kết. Đối với nghị quyết, chỉ thị, kết luận do Tỉnh ủy ban hành đủ 03 năm thực hiện kể từ ngày ký ban hành tổ chức sơ kết, đủ 05 năm thực hiện tổ chức tổng kết. Việc sơ kết, tổng kết có thể tổ chức sớm hoặc muộn hơn theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy. Ngoài các mốc thời gian tổ chức sơ kết, tổng kết nêu trên, hằng năm cơ quan chủ trì tham phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức đánh giá kết quả thực hiện để nâng cao hiệu quả thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan chủ trì tham mưu chủ động theo dõi, đến thời điểm tham mưu cấp uỷ sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận trong lĩnh vực công tác. Đối với năm đầu nhiệm kỳ đại hội, cơ quan chủ trì tham mưu cấp ủy cùng cấp xây dựng, ban hành kế hoạch sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận trong nhiệm kỳ đại hội; cuối năm xây dựng kế hoạch sơ kết, tổng kết cho năm tiếp theo. Trong quá trình thực hiện, căn cứ tình hình thực tiễn có thể bổ sung sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận đảm bảo kịp thời, thiết thực, hiệu quả. Cấp tỉnh căn cứ mốc thời gian quy định, Tỉnh uỷ ban hành kế hoạch trước ít nhất 2 tháng so với thời điểm đủ thời gian sơ kết, tổng kết; kết quả thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận tính đến ngày đủ thời gian sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị, kết luận đó. Căn cứ tính chất của từng nghị quyết, chỉ thị, kết luận, cơ quan chủ trì tham mưu có thể đề xuất ban hành đề án tổng kết nghị quyết, chỉ thị, kết luận. Cấp huyện căn cứ kế hoạch, đề án của Tỉnh uỷ, chỉ đạo sơ kết, tổng kết từ cơ sở bảo đảm khoa học, thiết thực, hiệu quả.

Để có minh chứng đánh giá hiệu quả của nghị quyết, chỉ thị, kết luận, trong thời gian chuẩn bị sơ kết, tổng kết cơ quan chủ trì tham mưu phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khảo sát tình hình triển khai, kết quả thực hiện tại cơ sở. Căn cứ tình hình thực tế cơ quan chủ trì tham mưu lựa chọn đơn vị, đối tượng khảo sát bảo đảm khoa học, phản ánh trung thực, khách quan quá trình triển khai thực hiện, kết quả đạt được và ý kiến tư vấn thực hiện hiệu quả các nội dung nêu trong nghị quyết, chỉ thị, kết luận. Việc khảo sát có thể tiến hành trực tiếp như phỏng vấn trực tiếp, sử dụng phiếu khảo sát, bảng hỏi hoặc qua Internet.

Trên cơ sở dự thảo báo cáo sơ kết, tổng kết, cơ quan chủ trì tham mưu đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo của cấp uỷ về việc tổ chức hội thảo hoặc hội nghị sơ kết, tổng kết để lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo báo cáo. Thành phần dự hội thảo hoặc hội nghị gồm: lãnh đạo cấp uỷ; các cơ quan, đơn vị liên quan; chuyên gia thuộc lĩnh vực; nhà khoa học và những cá nhân, tập thể điển hình trong việc chỉ đạo, thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận. Căn cứ tính chất của từng nghị quyết, chỉ thị, kết luận, cơ quan chủ trì tham mưu có thể đề xuất tổ chức hội thảo trước khi tổ chức hội nghị tổng kết.

Trên cơ sở dự thảo báo cáo, kết quả hội thảo, hội nghị, cơ quan chủ trì tham mưu tiếp thu các ý kiến góp ý, bổ sung hoàn thiện dự thảo báo cáo sơ kết, tổng kết trình cấp uỷ. Sau khi cấp ủy thảo luận cho ý kiến, cơ quan chủ trì tiếp thu, hoàn thiện trình ký, ban hành. Đối với nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, sau khi Trung ương kết luận tiếp tục thực hiện các nội dung nêu trong nghị quyết, chỉ thị, kết luận. Đối với nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Tỉnh uỷ, cơ quan chủ trì tham mưu nghiên cứu đề xuất văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện hoặc tham mưu nghị quyết, chỉ thị, kết luận mới thay thế nghị quyết, chỉ thị, kết luận đã tổng kết.

Thời gian hoàn thiện dự thảo báo cáo sau khi trình cấp uỷ: Cơ quan chủ trì tham mưu phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện dự thảo báo cáo trình cấp uỷ ban hành chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày cấp ủy thông qua.

Cấp ủy, tổ chức đảng, bí thư cấp ủy các cấp chỉ đạo việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện gắn với công tác tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng tại địa phương, đơn vị; căn cứ kế hoạch của Tỉnh uỷ, chỉ đạo triển khai thực hiện sơ kết, tổng kết tại địa phương, đơn vị; phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức khảo sát tình hình triển khai thực hiện, kết quả đạt được tại địa phương, đơn vị; xây dựng báo cáo theo đúng nội dung và thời gian quy định; bố trí thành phần tham gia khảo sát; dự hội thảo, hội nghị sơ kết, tổng kết do cấp trên tổ chức./.

Đào Anh Tuấn – Phó Trưởng phòng Tổng hợp.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn