Hiệu quả từ chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Những năm vừa qua, thực hiện chủ trương “dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên” trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó, phải kể tới việc giảm tỷ lệ mất rừng, nâng cao tính đa dạng sinh học của quần thể sinh thái rừng Lào Cai...

Tỉnh Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, có vị trí địa lý nằm giao thoa giữa 2 miền khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới với hệ sinh thái động, thực vật vô cùng phong phú. Riêng hệ thực vật có 6 ngành, 2 lớp, 231 họ, 1.254 chi và 3.864 loài thực vật bậc cao có mạch. Ngành Mộc lan đa dạng nhất có 193 họ với 3326 loài. Có 354 loài thực vật đặc hữu, quý, hiếm (161 loài đặc hữu, 195 loài quí hiếm). Động vật rừng rất phong phú về thành phần loài, với 955 loài động vật, thuộc 106 họ và 29 bộ. 5 Lớp Trong đó: Có 155 loài quý, hiếm chiếm 16,23%, có 20 loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ Thế Giới chiếm 2,3%, có 19 loài thuộc phụ lục của CITES, có 22 loài đặc hữu điển hình cho vùng núi cao Hoàng Liên Sơn. Diện tích rừng hiện có 369.310 ha, trong đó: diện tích rừng tự nhiên 267.780 ha; diện tích rừng trồng 101.530 ha.

          Từ năm 2014, ngay sau khi Quyết định số 2242/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý khai thác rừng tự nhiên giai đoạn 2014-2020” được ban hành, tỉnh Lào Cai đã tổ chức triển khai thực hiện việc dừng khai thác chính gỗ rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Theo đó, diện tích rừng tự nhiên “đóng cửa” của 02 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Văn Bàn và Bảo Yên với tổng diện tích rừng tự nhiên sản xuất đang tạm dừng khai thác 15.378 ha, được hưởng ngân sách nhà nước hỗ trợ 200.000 đồng/ha. Đối với diện tích rừng tự nhiên sản xuất của hộ gia đình, cá nhân chỉ được sử dụng gỗ cho nhu cầu thiết yếu tại chỗ, nghiêm cấm việc mua bán trao đổi dưới mọi hình thức. Khối lượng gỗ khai thác tối đa 10 m3/hộ/lần, nhưng không được lạm vào vốn rừng; Điều này đã hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến diện tích rừng tự nhiên sản xuất nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của đời sống người dân sống gần rừng.

Đặc biệt, sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ rừng; Tỉnh Ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 24/4/2017 về phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2016-2020; đến ngày 10/4/2019, Tỉnh ủy Lào Cai tiếp tục ban hành Chương trình hành động số 272-Ctr/TU về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, tăng cường thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo “dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước”.

Đồng chí Vũ Xuân Cường - Phó Bí thư TTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra việc thực hiện công tác bảo vệ rừng tại huyện Bảo Thắng

Sau gần 7 năm thực hiện chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Lào Cai, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Tỉnh đã đạt nhiều kết quả nổi bật, khẳng định sự phù hợp và hiệu quả của việc dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, cụ thể:

Đến nay, cơ bản toàn bộ diện tích rừng tự nhiên của tỉnh được bảo vệ an toàn; công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng đã được củng cố thực hiện nghiêm và đi vào nề nếp, không để xảy các vụ án phát, phá, cháy rừng nghiêm trọng; số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm rõ rệt qua từng năm; góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 56,07% và trờ thành một trong mười tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước. Bên cạnh đó, chất lượng rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai không ngừng được nâng lên, tính đa dạng sinh học ngày càng tăng cao, đảm bảo tốt chức năng bảo tồn nguồn gen và tính phòng hộ môi trường, giá trị dịch vụ môi trường rừng mang lại tăng gấp 1,83 lần so với năm 2015; góp phần hạn chế các hiện tượng tiêu cực của thiên nhiên, dần hình thành nhân tố then chốt ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhận thức của người dân và các cấp chính quyền đoàn thể về rừng về lợi ích của rừng đang cũng đang từng bước được nâng lên, tạo ra sự đồng thuận cao trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tích cực hưởng ứng, tham gia công tác tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại địa phương. Người dân nhận thức về việc sử dụng gỗ rừng trồng có chứng chỉ và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không còn sống phụ thuộc vào việc khai thác gỗ rừng tự nhiên mà đã có định hướng phát triển sinh kế hộ từ bảo vệ và phát triển rừng gắn với khai thác hợp lý tài nguyên rừng từ những loài lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng như dược liệu, sản phẩm lâm sản phụ (quả, hạt, nhựa...)...

Hiệu quả nổi bật nhất của chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên đó chính là cú huých thay đổi tư duy của cả hệ thống chính trị cũng như toàn thể người dân trong phát triển kinh tế lâm nghiệp là động lực, cốt lõi của việc quản lý, bảo vệ rừng bền vững. Điều này, thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển nói riêng và phát triển KTXH trên địa bàn nói chung. Ngành lâm nghiệp của tỉnh đã tập trung vào phát triển sinh kế cho người dân từ việc tổ chức thực hiện trồng rừng bằng các loài cây đa mục đích, giá trị kinh tế cao. Hình thành vùng nguyên liệu trên 80.000 ha với nhiều loài cây lâm nghiệp trở thành cây làm giàu cho người dân, điển hình là loài cây quế. Ước tính thu nhập bình quân từ trồng rừng đạt trung bình từ 30-35 triệu đồng/ha/năm.

Để tiếp tục thực hiện tốt và phát huy tối đa hiệu quả từ chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên - đóng cửa rừng- trên địa bàn tỉnh; thời gian tới, ngành lâm nghiệp tỉnh cẩn tập trung tổ chức thực hiện một số giải pháp: (i) Tăng cường sự lãnh đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nâng cao vai trò, trách nhiệm của lực lượng cán bộ ngành lâm nghiệp. Nâng cao nhận thức của người dân về phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý bảo vệ rừng bền vững; (ii) Phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng chuyên canh, hữu cơ, giá trị cao. Tạo sinh kế cho người dân nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; (iii) Thực hiện nghiêm công tác phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; (iv) Phát động phong trào “sử dụng gỗ rừng trồng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”.

Với chủ trương tại Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam bền vững giai đoạn 2021-2030, tâm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyêt định sô s523/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó tiếp tục thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên đến năm 2030 sẽ giúp bảo vệ tốt hơn diện tích rừng tự nhiên của tỉnh, đồng thời nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; chuyển từ khai thác giá trị của rừng từ gỗ sang khai thác giá trị của hệ sinh thái rừng một cách bền vững...

Cao Văn Văn
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn