Định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng tỉnh Lào CaiĐịnh hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng tỉnh Lào Cai
Lào Cai là một tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, với nhiều loại khoáng sản khác nhau, trong đó có nhiều loại khoáng sản quý, có giá trị và chất lượng cao, trữ lượng lớn như: apatit, sắt, đồng, graphit... Đối với tỉnh Lào Cai, cho đến nay toàn bộ diện tích tỉnh Lào Cai đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường điều tra, lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:500.000. Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được tiến hành từ rất sớm và đã đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh.
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực; các địa phương đã chủ động có biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên chưa khai thác; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai cơ bản đã đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh và trong nước; tạo việc làm cho trên 10.000 lao động; nguồn thu ngân sách từ hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản đạt bình quân từ 1.000 đến 1.200 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 15% tổng thu ngân sách của tỉnh. Ngành công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh được phát triển theo đúng định hướng tập trung và hiệu quả; khai thác và chế biến sâu, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ môi trường. nâng cao. Năng lực, vai trò, trách nhiệm quản lý về khoáng sản của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngày càng được nâng cao; kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được bảo đảm. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản được tăng cường; hiệu quả kinh tế, xã hội trong khai thác, sử dụng tài nguyên, gắn với bảo vệ môi trường từng bước được nâng lên; tỉnh đã triển khai hiệu quả cấp giấy phép khai thác thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Công tác quản lý, chống thất thu thuế, tăng thu cho ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản, tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được chú trọng. Ngành công nghiệp luyện kim, sản xuất phân bón, hóa chất của tỉnh đã có bước phát triển, qua đó khai thác và sử dụng hiệu quả thế mạnh của tỉnh về nguyên liệu; tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị trên thị trường trong nước và thế giới như: Đồng katot, phôi thép, phốt pho đỏ, phân bón chất lượng cao (DAP), supe lân đơn, supe lân kép, phân lân nung chảy, axit và muối phốt phát...
Với quan điểm tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong trước mắt và lâu dài nên cần được quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Công tác quản lý quy hoạch; thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản phải có tầm nhìn chiến lược, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cả trước mắt, trung và dài hạn; hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch các nguồn tài nguyên khoáng sản; tôn trọng nguyên tắc thị trường trong hoạt động địa chất, khoáng sản. Nguồn ngân sách thu được từ tài nguyên khoáng sản cần được ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tỉnh đã xác định một số mục tiêu cụ thể về công tác địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng như: Đến năm 2025: Duy trì thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hằng năm về khoáng sản cho 100% lực lượng làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản; Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về khoáng sản tỉnh Lào Cai; quy hoạch khoáng sản, kể cả quy hoạch các loại khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh; Hoàn thành lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu giữ thông tin, số liệu liên quan tại 100% các dự án khải thác khoáng sản theo quy định. Đến năm 2030: Duy trì ổn định năng lực quản lý các dự án khai thác, chế biến khoáng sản có quy mô lớn (sắt, đồng, apatit...); Các dự án đầu tư mới đều phải áp dụng công nghệ xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường hoặc ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

Nhà máy luyện đồng Lào Cai 2
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã xác định, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai cần tập trung triển khai một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với lĩnh vực tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, thống nhất nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về tầm quan trọng của tài nguyên địa chất, khoáng sản. Việc quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản phải bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trên cơ sở triển khai tốt công tác phối hợp quản lý giữa các cơ quan, đơn vị với chính quyền địa phương.
Hai là, tập trung hoàn thiện, đề xuất bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Chủ động rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tế (Luật Khoáng sản, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản; Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Nghị định 51/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia...). Ưu tiên công tác tìm kiếm, thăm dò bổ sung, nâng cấp trữ lượng đối với những loại khoáng sản quan trọng (đồng, vàng, apatit...); đề xuất cấp có thẩm quyền khai thác hiệu quả đất hiếm; bảo đảm duy trì việc khai thác và cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất, chế biến.
Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Tập trung mọi nguồn lực thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020- 2025. Rà soát, hoàn thiện và công bố công khai, minh bạch quy hoạch khoáng sản (bao gồm quy hoạch các loại khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; các điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng...) bảo đảm khớp nối, đồng bộ với các quy hoạch liên quan (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch công trình quốc phòng, danh lam thắng cảnh...).
Bốn là, tăng cường, khuyến khích ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều tra cơ bản tài nguyên địa chất, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Xây dựng tiêu chí, cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để khai thác, chế biến các mỏ khoáng sản có điều kiện địa chất - mỏ phức tạp, hàm lượng thấp, hạ tầng kỹ thuật thấp kém. Có chính sách đào đạo, bồi dưỡng, thu hút cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao về công tác tại địa phương; ưu tiên đào tạo và sử dụng lao động là người địa phương; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân năng động, sáng tạo, thích ứng với cơ chế thị trường.
Năm là, tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản. Nâng cao chất lượng lập, thẩm định hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường), khuyến khích cộng đồng giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Đôn đốc các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư thực hiện nghiêm việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ khoáng sản sau khi kết thúc hoạt động khai thác. Quyết liệt chỉ đạo thực hiện việc lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và kết nối dữ liệu giám sát đảm theo quy định đối với các dự án phải triển khai theo quy định. Dự báo chính xác, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp nguồn thải ra môi trường vượt quy chuẩn cho phép hoặc vi phạm quy định pháp luật về môi trường của các dự án khai thác, chế biến khoáng sản.