Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn tài liệu tuyên truyền về thành lập thị xã Sa Pa

  
Thực hiện Kế hoạch số 266-KH/TU ngày 17/10/2019 của Tỉnh ủy về tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 767/NQ-UBTVQH14 về thành lập thị xã Sa Pa và các phường, xã thuộc thị xã Sa Pa. Trên cơ sở Nghị quyết và các nguồn tài liệu liên quan, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên soạn tài liệu phục vụ tuyên truyền tại hội nghị tuyên vận cơ sở tháng 11 năm 2019 và công tác tuyên truyền trong thời gian tới.

 
Một góc thị xã Sa Pa

Để đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phân công các cơ quan phân công phụ trách địa bàn theo Kế hoạch của Tỉnh ủy chủ động liên hệ với Huyện ủy Sa Pa và các xã, thị trấn thuộc huyện Sa Pa nắm lịch tổ chức hội nghị tuyên vận tháng 11 năm 2019; cử lãnh đạo, cán bộ dự hội nghị, có thể trực tiếp tuyên truyền chuyên đề về thành lập thị xã Sa Pa tại hội nghị tuyên vận; kết hợp nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn. Trên cơ sở tài liệu do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cung cấp, tiến hành biên soạn nội dung bảo đảm phù hợp với đối tượng, chú trọng đi sâu phân tích, làm rõ các nội dung liên quan đến địa bàn được phân công.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đề nghị Thường trực Huyện ủy Sa Pa phối hợp với các cơ quan, đơn vị của tỉnh chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức hội nghị tuyên vận bảo đảm nội dung, thành phần; thiết kế chương trình hội nghị phù hợp, ưu tiên nội dung tuyên truyền về thành lập thị xã Sa Pa nhằm tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện tốt chủ trương này.

NỘI DUNG

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN VỀ THÀNH LẬP THỊ XÃ SA PA

Ngày 11/9/2019, UBTV Quốc hội khóa XIV đã họp và ban hành Nghị quyết 767/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường, xã thuộc thị xã Sa Pa tỉnh Lào Cai trên cơ sở sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn của huyện Sa Pa, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nói chung, thị xã Sa Pa nói riêng nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; đảm bảo hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

I. Việc Sa Pa được nâng cấp lên thị xã có ý nghĩa

1. Việc nâng cấp huyện Sa Pa lên thị xã Sa Pa, sẽ chuyển đổi chức năng quản lý từ mô hình chính quyền nông thôn sang tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, tạo điều kiện để bộ máy chính quyền cơ sở tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quản lý hành chính nhà nước, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, giải quyết nhanh và thuận tiện các thủ tục hành chính của người dân.

2. Việc nâng cấp huyện Sa Pa lên thị xã Sa Pa là cơ sở để thu hút các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và các thành phần kinh tế khác về nguồn vốn, về cơ sở vật chất, lao động; đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch - dịch vụ là trọng tâm, đột phá, là điều kiện để tạo sự thay đổi về cơ cấu ngành nghề, tạo điều kiện cho người dân phát triển dịch vụ du lịch nhất là du lịch làng bản.  

3. Việc nâng cấp huyện Sa Pa lên thị xã Sa Pa giúp cho nhân dân trong khu vực hưởng thụ các chính sách về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và hưởng thụ các chính sách ưu đãi của nhà nước nói chung. Chế độ chính sách của cán bộ, người dân nói chung và người nghèo nói riêng không thay đổi mà được giữ nguyên hoặc nâng lên, an sinh xã hội đảm bảo, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, thu nhập bình quân đầu người tăng cao.

4. Việc nâng cấp huyện Sa Pa lên thị xã Sa Pa trên cơ sở giữ nguyên toàn bộ hiện trạng diện tích đất tự nhiên, địa giới hành chính chung toàn huyện không làm sáo trộn các thôn bản và không làm thay đổi về môi trường tự nhiên vốn có của Sa Pa. Người dân yên tâm sản xuất và canh tác trên đất của mình với những kỹ thuật tốt nhất để có những sản phẩm chất lượng tốt nhất.

5. Việc nâng cấp huyện Sa Pa lên thị xã Sa Pa vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa dân tộc và những đặc trưng riêng lâu đời của các dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất Sa Pa. Đó là nền văn hóa truyền thống đoàn kết, yêu thương gắn bó cùng chung sức đấu tranh và dựng xây quê hương, đất nước.

II. Một số nội dung thay đổi khi huyện Sa Pa trở thành thị xã Sa Pa

1. Thay đổi về tên gọi và mô hình hoạt động của huyện, xã, phường, thôn, bản sau khi thành lập thị xã Sa Pa

1.1. Thị xã Sa Pa có 16 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 06 phường và 10 xã, cụ thể:

- Có 06 phường: Cầu Mây, Hàm Rồng, Ô Quý Hồ, Phan Si Păng, Sa Pa, Sa Pả;

- Có 10 xã: Bản Hồ, Hoàng Liên, Liên Minh, Mường Bo, Mường Hoa, Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn, Tả Van, Thanh Bình, Trung Chải.

1.2. Tỉnh Lào Cai có 09 đơn vị hành chính trực thuộc gồm: 07 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố với 162 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 136 xã, 18 phường và 08 thị trấn.

2. Về địa giới hành chính các phường, xã thuộc thị xã Sa Pa

2.1. Phường Sa Pa thành lập trên cơ sở điều chỉnh 2,33km2 diện tích tự nhiên, 9.297 người của thị trấn Sa Pa; 2,38km2 diện tích tự nhiên, 115 người của xã Lao Chải và 1,54km2 diện tích tự nhiên của xã Sa Pả. Sau khi thành lập, phường Sa Pa có 6,25km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 9.412 người (đã bao gồm dân số quy đổi), 10 tổ dân phố (tổ 2b, 4a, 4b, 5a, 5b, 6, 7b, 7c, 9a, 10).

Địa giới hành chính: Phía đông giáp phường Sa Pả và xã Mường Hoa, phía Tây giáp phường Phan Si Păng, phía Nam giáp phường Cầu Mây, phía Bắc giáp phường Hàm Rồng.

2.2. Phường Hàm Rồng thành lập trên cơ sở điều chỉnh 2,05km2 diện tích tự nhiên, 4.743 người của thị trấn Sa Pa và 6,64km2 diện tích tự nhiên, 2.670 người của xã Sa Pả. Sau khi thành lập, phường Hàm Rồng có 8,69 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 7.413 người (đã bao gồm dân số quy đổi), 05 thôn, tổ dân phố (tổ 1, 2a, 3b, thôn Giàng Tra, thôn Má Tra).

Địa giới hành chính: Phía Đông giáp phường Sa Pả và xã Trung Chải, phía Tây giáp phường Phan Si Păng, phía Nam giáp phường Sa Pa, phía Bắc giáp xã Tả Phìn.

2.3. Phường Phan Si Păng thành lập trên cơ sở điều chỉnh 9,69km2 diện tích tự nhiên, 4.995 người của thị trấn Sa Pa và 0,88km2 diện tích tự nhiên, 200 người của xã San Sả Hồ. Sau khi thành lập, phường Phan Si Păng có 10,57km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 5.195 người (đã bao gồm dân số quy đổi), 06 thôn, tổ dân phố (tổ 3a, 9b, 9c, 11a, 11b, thôn Suối Hồ).

Địa giới hành chính: Phía Đông giáp phường Hàm Rồng, phía Tây giáp phường Ô Quý Hồ, phía Nam giáp phường Sa Pa và xã Hoàng Liên, phía Bắc giáp xã Tả Phìn.

2.4. Phường Sa Pả thành lập trên cơ sở điều chỉnh 0,58km2 diện tích tự nhiên, 4.118 người của thị trấn Sa Pa; 6,65km2 diện tích tự nhiên, 1.302 người của xã Sa Pả và 0,06km2 diện tích tự nhiên của xã Lao Chải. Sau khi thành lập, phường Sa Pả có 7,29km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 5.420 người (đã bao gồm dân số quy đổi), 03 thôn (thôn Sa Pả, Sả Xéng, Sâu Chua).

Địa giới hành chính: Phía Đông giáp xã Mường Hoa, phía Tây giáp phường Sa Pa, phía Nam giáp phường Cầu Mây, phía Bắc giáp phường Hàm Rồng và xã Trung Chải.

2.5. Phường Ô Quý Hồ thành lập trên cơ sở điều chỉnh 7,41km2 diện tích tự nhiên, 4.279 người của thị trấn Sa Pa và 7,78km2 diện tích tự nhiên, 754 người của xã San Sả Hồ. Sau khi thành lập, phường Ô Quý Hồ có 15,19km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 5.033 người (đã bao gồm dân số quy đổi), 03 tổ dân phố (tổ 12, 13, 14) và một phần dân số của xã San Sả Hồ.

Địa giới hành chính: Phía Đông giáp phường Phan Si Păng và xã Tả Phìn; phía Tây giáp tỉnh Lai Châu; phía Nam giáp xã Hoàng Liên; phía Bắc giáp xã Ngũ Chỉ Sơn;

2.6. Phường Cầu Mây thành lập trên cơ sở điều chỉnh 1,59km2 diện tích tự nhiên, 3.578 người của thị trấn Sa Pa; 4,90km2 diện tích tự nhiên, 1.906 người của xã Lao Chải và 0,02km2 diện tích tự nhiên, 165 người của xã San Sả Hồ. Sau khi thành lập, phường Cầu Mây có 6,51km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 5.649 người (đã bao gồm dân số quy đổi), 03 thôn, tổ dân phố (tổ 7a, 8, thôn Lý Lao Chải).

Địa giới hành chính: Phía Đông giáp xã Mường Hoa, phía Tây giáp xã Hoàng Liên và phường Phan Si Păng, phía Nam giáp xã Tả Van, phía Bắc giáp phường Sa Pa.

2.7. Xã Hoàng Liên thành lập trên cơ sở điều chỉnh 21,87km2 diện tích tự nhiên, 1.970 người của xã Lao Chải và 47,16km2 diện tích tự nhiên, 3.349 người của xã San Sả Hồ. Sau khi thành lập, xã Hoàng Liên có 69,03km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 5.319 người.

Địa giới hành chính xã Hoàng Liên: Đông giáp phường Cầu Mây và xã Tả Van; Tây giáp tỉnh Lai Châu; Nam giáp xã Tả Van và tỉnh Lai Châu; Bắc giáp phường Ô Quý Hồ và phường Phan Si Păng;

2.8. Xã Liên Minh thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ 24,82km2 diện tích tự nhiên, 1.907 người của xã Nậm Sài và toàn bộ 71,81km2 diện tích tự nhiên, 1.647 người của xã Nậm Cang. Sau khi thành lập, xã Liên Minh có 96,63km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 3.554 người.

Địa giới hành chính xã Liên Minh: Phía Đông giáp huyện Bảo Thắng và huyện Văn Bàn; phía Tây giáp xã Bản Hồ; phía Nam giáp huyện Văn Bàn; phía Bắc giáp xã Mường Bo;

2.9. Xã Mường Bo thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ 20,27km2 diện tích tự nhiên, 2.340 người của xã Thanh Phú và toàn bộ 29,81km2 diện tích tự nhiên, 1.990 người của xã Suối Thầu. Sau khi thành lập, xã Mường Bo có 50,08km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 4.330 người.

Địa giới hành chính xã Mường Bo: Đông giáp huyện Bảo Thắng; Tây giáp xã Bản Hồ và xã Thanh Bình; Nam giáp xã Liên Minh; Bắc giáp xã Thanh Bình và huyện Bảo Thắng;

2.10. Xã Mường Hoa thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ 8,81km2 diện tích tự nhiên, 2.932 người của xã Hầu Thào và toàn bộ 9,31km2 diện tích tự nhiên, 2.412 người của xã Sử Pán. Sau khi thành lập, xã Mường Hoa có 18,12km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 5.344 người.

Địa giới hành chính xã Mường Hoa: Đông giáp xã Thanh Bình và thành phố Lào Cai; Tây giáp phường Cầu Mây, phường Sa Pa và phường Sa Pả; Nam giáp xã Tả Van và xã Bản Hồ; Bắc giáp phường Sa Pả;

2.11. Xã Ngũ Chỉ Sơn thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ 56,52km2 diện tích tự nhiên, 2.662 người của xã Bản Khoang và toàn bộ 24,00km2 diện tích tự nhiên, 3.428 người của xã Tả Giàng Phìn. Sau khi thành lập, xã Ngũ Chỉ Sơn có 80,52km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 6.090 người.

Địa giới hành chính xã Ngũ Chỉ Sơn: Đông giáp xã Tả Phìn và huyện Bát Xát; Tây giáp huyện Bát Xát và tỉnh Lai Châu; Nam giáp phường Ô Quý Hồ và tỉnh Lai Châu; Bắc giáp huyện Bát Xát;

2.12. Xã Thanh Bình thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ 21,68km2 diện tích tự nhiên, 1.885 người của xã Thanh Kim và toàn bộ 30,68km2 diện tích tự nhiên, 1.964 người của xã Bản Phùng. Sau khi thành lập, xã Thanh Bình có 52,36km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 3.849 người.

Địa giới hành chính xã Thanh Bình: Đông giáp xã Mường Bo và huyện Bảo Thắng; Tây giáp xã Mường Hoa và thành phố Lào Cai; Nam giáp xã Bản Hồ và xã Mường Bo; Bắc giáp thành phố Lào Cai;

2.13. Điều chỉnh 11,10km2 diện tích tự nhiên và 1.225 người của xã Sa Pả về xã Trung Chải. Sau khi điều chỉnh, xã Trung Chải có 50,04km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 5.086 người.

Địa giới hành chính xã Trung Chải: Đông giáp thành phố Lào Cai; Tây giáp xã Tả Phìn và phường Hàm Rồng; Nam giáp phường Sa Pả; Bắc giáp huyện Bát Xát.

2.14. Xã Tả Phìn có 27,08km2 diện tích tự nhiên và dân số 3.168 người.

Địa giới hành chính: Phía Đông giáp xã Trung Chải, phía Tây giáp xã Ngũ Chỉ Sơn, phía Nam giáp phường Hàm Rồng, Phan Si Păng, Ô Quý Hồ, phía Bắc giáp xã Phìn Ngan của huyện Bát Xát.

2.15. Xã Tả Van có 67,90km2 diện tích tự nhiên và dân số 4.111 người.

Địa giới hành chính: Phía Đông giáp xã Bản Hồ, phía Tây giáp xã Hoàng Liên, phía Nam giáp tỉnh Lai Châu, phía Bắc giáp xã Mường Hoa.

2.16. Xã Bản Hồ có 115,11km2 diện tích tự nhiên và dân số 2.884 người.

Địa giới hành chính: Phía Đông giáp xã Liên Minh và Mường Bo, phía Tây giáp xã Tả Van, phía Nam giáp huyện Văn Bàn và tỉnh Lai Châu, phía Bắc giáp xã Mường Hoa, Thanh Bình.

3. Việc phân giới cắm mốc địa giới hành chính

 Ban Chỉ đạo triển khai Đề án thành lập thị xã Sa Pa thành lập các tổ công tác trực tiếp về cơ sở để thực hiện việc cắm mốc địa giới hành chính của các phường, xã thuộc thị xã Sa Pa; đo đạc, vẽ, xuất bản Bản đồ hành chính thị xã Sa Pa.

4. Về phương án trụ sở làm việc các xã, phường hoạt động sau thành lập thị xã

a) Phương án trụ sở làm việc của 06 phường thành lập mới (phương án tạm để đảm bảo hoạt động ngày 01/01/2020)

- Phường Sa Pa: Giữ nguyên thiết chế hiện có, sử dụng trụ sở UBND thị trấn Sa Pa hiện nay, trụ sở công an của thị trấn Sa Pa, không cần xây dựng mới;

- Phường Hàm Rồng: Trụ sở phường sử dụng trụ sở hiện có của xã Sa Pả; Trụ sở Công an phường dự kiến xây dựng dựng tạm nhà khung thép tại quỹ đất có sẵn của Trạm Y tế xã Sa Pả.

- Phường Phan Si Păng: Bố trí trụ sở phường, trụ sở Công an phường tại Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện tạm thời quản lý (thuộc tổ dân phố số 11A, thị trấn Sa Pa hiện nay) (Xây dựng nhà khung sắt);

- Phường Sa Pả: Xây dựng tạm trụ sở phường, trụ sở công an phường tại quỹ đất sau trụ sở Trung tâm y tế dự phòng huyện Sa Pa (Xây dựng nhà khung sắt);

- Phường Ô Quý Hồ: Sử dụng cơ sở vật chất của Trường Mầm non và Trạm Y tế cũ làm trụ sở phường và trụ sở Công an phường mới thành lập (thuộc tổ dân phố số 13, thị trấn Sa Pa hiện nay);

- Phường Cầu Mây: Trụ sở phường: cải tạo, sửa chữa trụ sở hiện nay của xã Lao Chải; Trụ sở công an phường: Làm nhà khung thép tại vị trí nhà bưu điện cũ.

b) Phương án Trụ sở làm việc của 10 xã

- Xã Hoàng Liên: Sử dụng trụ sở hiện có của xã San Sả Hồ;

- Xã Mường Hoa: Sử dụng trụ sở hiện có của xã Sử Pán;

- Xã Thanh Bình: Sử dụng trụ sở hiện có của xã Bản Phùng;

- Xã Mường Bo: Sử dụng trụ sở hiện có của xã Thanh Phú;

- Xã Liên Minh: Sử dụng trụ sở hiện có của xã Nậm Cang;

- Xã Ngũ Chỉ Sơn: Sử dụng trụ sở hiện có của xã Bản Khoang;

- Xã Tả Phìn: Sử dụng trụ sở hiện có của xã Tả Phìn;

- Xã Tả Van: Sử dụng trụ sở hiện có của xã Tả Van;

- Xã Bản Hồ: Sử dụng trụ sở hiện có của xã Bản Hồ;

- Xã Trung Chải: Sử dụng trụ sở của xã Trung Chải hiện nay.

5. Về bộ máy quản lý, cán bộ công chức 

+ Việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở giữ nguyên số lượng lãnh đạo, quản lý, biên chế công chức, viên chức hiện có đảm bảo cơ sở chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt theo quy định.

+ Về đội ngũ CBCC xã, phường: Nhằm ổn định tâm lý, cuộc sống cho cán bộ, công chức sau khi thành lập thị xã và tổ chức sắp xếp lại bộ máy, dự kiến bộ máy các xã, phường gồm 348 người, cụ thể như sau: (1) Xã Ngũ Chỉ Sơn: 23 người (cao hơn biên chế dự kiến 03 người). (2) Xã Hoàng Liên: 23 người (cao hơn biên chế dự kiến 03 người). (3) Xã Mường Hoa: 24 người (cao hơn biên chế dự kiến 04 người).(4) Xã Mường Bo: 24  người (cao hơn biên chế dự kiến 04 người). (5) Xã Thanh Bình: 24 người (cao hơn biên chế dự kiến 04 người). (6) Xã Liên Minh: 24 người (cao hơn biên chế dự kiến 04 người). 04 xã gồm: Bản Hồ, Tả Van, Tả Phìn, Trung Chải mỗi xã 20 người;  Các phường còn lại(Hàm Rồng, Sa Pa, Sa Pả, Cầu Mây, Ô Quý Hồ, Phan Si Păng) mỗi phường 21 người theo đúng tiêu chuẩn.

6. Việc giải quyết chế độ, chính sách chịu ảnh của việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường khi thành lập thị xã

Để đảm bảo các chế độ, chính sách đối với các xã trong phạm vi thành lập phường, UBND tỉnh xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về hỗ trợ kinh phí đầu tư cho người dân và chế độ đặc thù hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tại các phường trong thời gian từ khi thành lập thị xã đến hết năm 2023 gồm:

Chế độ đặc thù hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức gồm phụ cấp khu vực,  Phụ cấp thu hút theo NĐ 61/2006/NĐ-CP, NĐ 64/2009/NĐ-CP, phụ cấp thu hút theo NĐ 116/2010/NĐ-CP, phụ cấp ưu đãi ngành theo NĐ 61/2006/NĐ-CP, NĐ 64/2009/NĐ-CP của viên chức đang công tác tại các trường học và trạm y tế, phụ cấp lâu năm theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP;

Chế độ đối với học sinh gồm: Chính sách hỗ trợ tiền ăn cho trẻ Mầm non theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP ; Chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú theo nghị định 116/2016/NĐ-CP ; Chính sách hỗ trợ tiền mua dụng cụ thể thao cho học sinh bán trú theo nghị định 116/2016/NĐCP ; Chính sách hỗ trợ tiền mua tủ thuốc dùng chung cho học sinh bán trú theo nghị định 116/2016/NĐ-CP; Chính sách cấp bù học phí cho học sinh theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP Chính sách hỗ trợ hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP

 Chế độ đối với người dân gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hỗ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các thôn ĐBKK; Hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho theo Quyết định 293/QĐ-TTg; Chế độ BHYT cho người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

7. Đối với thông tin biến động cần thay đổi sau khi thành lập thị xã

Để đảm bảo các chế độ, chính sách đối với các xã trong phạm vi thành lập phường, các xã sát nhập, UBND tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ cho người dân thực hiện việc điều chỉnh lại lại các giấy tờ có liên quan gồm: 

Về thay đổi hộ tịch của công dân trên địa bàn: Từ ngày 25/9/2019, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sa Pa đã thực hiện đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử để chuẩn bị cho công tác bàn giao sổ và thực hiện tiếp nhận, bố trí sắp xếp hồ sơ về đơn vị hành chính mới. Dự kiến hoàn thành tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch xong trước ngày 10/12/2019. Thực hiện bàn giao Sổ, hồ sơ lưu trữ thuộc lĩnh vực Tư pháp về đơn vị hành chính mới xong trước ngày 31/12/2019. Riêng đối với Sổ, hồ sơ hộ tịch, chứng thực của năm 2019 vì theo quy định thời gian thực hiện khóa Sổ hộ tịch phải thực hiện vào ngày 31/12 nên sẽ thực hiện bàn giao bổ sung về đơn vị hành chính mới chậm nhất trước ngày 10/01/2020.

Thay đổi thông tin về giấy tờ đất đai: Thực hiện phân chia lại số tờ, số thửa tại các bản đồ địa chính mới sau khi thành lập thị xã Sa Pa. Hướng dẫn các đối tượng sử dụng đất được biết để làm thủ tục đăng ký biến động Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo quy định.

Thay đổi thông tin thẻ BHXH, BHYT của công dân: Thực hiện rà soát, cấp đổi thẻ BHXH, BHYT của công dân trên địa bàn, đảm bảo việc khám chữa bệnh ban đầu, thực hiện giải quyết chế độ chính sách liên quan.

8. Thực hiện tuyên truyền đến đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân

- Triển khai những nội dung chính của Nghị quyết 767/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường, xã thuộc thị xã Sa Pa tỉnh Lào Cai.

- Lồng gắn với tuyên truyền: Đối với các cơ quan trong khối tuyên truyền, MTTQ và các đoàn thể, ban tuyên vận các xã, thị trấn  thực hiện tuyên truyền đối với đảng viên, hội viên và nhân dân (đề nghị các tổ tuyên vận triển khai các nội dung của Nghị quyết đến người dân; tuyên truyền, vận động nhân dân vững tin vào chủ trương thành lập thị xã Sa Pa, không dao động trước những thông tin sai lệch; xuyên tạc của những phần tử bất mãn, cơ hội, không thỏa mãn về lợi ích, bị ảnh hưởng quyền lợi khi thành lập thị xã Sa Pa);

9. Kết luận

Việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường, xã thuộc thị xã Sa Pa là hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt xã hội, là đòn bẩy cho chương trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của tỉnh; xây dựng Sa Pa khu du lịch quốc gia, là địa bàn du lịch nghỉ dưỡng, nơi tổ chức các lễ hội văn hóa, thể thao của khu vực miền núi phía Bắc, là cầu nối giữa khu vực Tây Bắc với các vùng trong cả nước và quốc tế. Việc huyện Sa Pa trở thành thị xã Sa Pa là phù hợp với quy hoạch chung, là yêu cầu khách quan và cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Sa Pa trong những năm tới, đồng thời đáp ứng được tâm tư nguyện vọng và là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn