Ủy thác cho vay vốn một sáng tạo của tỉnh Lào Cai trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững
Là một tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc, của ngõ giao thương của miền Tây Bắc của Tổ quốc, Lào Cai là địa bàn cư trú của 25 dân tộc anh em cinh sống. Với địa hình miền núi hiểm trở, chia cắt mạnh, nên khó khăn cho phát triển kinh tế ở các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâm 2016, Lào Cai có tỉ lệ hộ nghèo cao thứ 6 cả nước (tính theo bảng xếp hạng chung quốc gia) với 27,41% hộ nghèo, tương đương 53.605 hộ, trong đó chủ yếu là các hộ người dân tộc thiểu số. Công tác xóa nghèo bền vững luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Lào Cai.

Trong giai đoạn 2016 – 2020” Tỉnh ủy ban hành Đề án số 09 “Giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020”, với mục tiêu “Cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở vùng khó khăn; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; tạo cơ hội để người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số ổn định và đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Huy động các nguồn lực đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo, giúp người nghèo giảm nghèo nhanh và bền vững.”. Công tác giảm nghèo bền vững đã được cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc với nhiều biện pháp, phương pháp cụ thể. Trong đó việc ủy thức vốn ngân sách nhà nước của tỉnh qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai cho vùng nghèo vay là một đột phá quan trọng, góp phần đưa tỉ lệhộ nghèo giảm mạnh từ 27,41% năm 2016 xuống còn 8,2% năm 2020. Từ năm 2016-2020 toàn tỉnh có hơn 39 nghìn hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 5,17%, (7.800 hộ/năm), vượt gần 30% kế hoạch so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đạt 103,4% kế hoạch Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỉ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, xét đến năm 2030, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 về việc sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế - xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019-2025. Đến hết quý I năm 2021, toàn tỉnh đã ủy thác 74,862 tỷ đồng từ ngân sách địa phương (trong đó ngân sách tỉnh là 34,489 tỷ đồng; ngân sách huyn, thành phố, thị xã là 40,373 tỷ đồng) để qua Ngân hàng CSXH tỉnh và các Phòng giao dịch của Ngân hàng CSXH tại các huyện cho vay hộ nghèo và thực hiện các chương trình, dự án của địa phương.  Chỉ riêng việc thực hiện Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019  cho thấy: Qua 2 năm thực hiện, tình hình thực hiện giải ngân vốn ủy thác cho vay như sau: Tổng nhu cầu đăng ký vay vốn luỹ kế đến quý I năm 2021 là 2.855 hộ, với nhu cầu là 232.110 triệu đồng. Số vốn ngân sách tỉnh uỷ thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cho các đối tượng cư trú tại 43 xã nghèo vay theo Nghị quyết 06 là 51.500 triệu đồng. Trong đó: Năm 2019: 21,5 tỷ đồng (đạt 100% KH); năm 2020: 10 tỷ đồng (đạt 27,02%KH); năm 2021: 20 tỷ đồng (đạt 54,05%KH). Sđã giải ngân cho vay là 47.287 triệu đồng. Trong đó: năm 2019: 5,3 tỷ đồng; năm 2020: 26,628 tỷ đồng; 2 tháng đầu năm 2021: 15,359 tỷ đồng. Tổng doanh số thu nợ: 574 triệu đồng, trong đó: Năm 2020 thu 436 triệu đồng; năm 2021 thu nợ 138 triệu đồng. Dư nợ đến 28/02/2021 đạt 46,413 tỷ đồng với 826 hộ vay vốn, đạt 28,9% so với nhu cầu vay, bình quân 1 hộ dư nợ 55,7 triệu đồng. Việc thực hiện Nghị quyết số 06 được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Chương trình cho vay phát triển kinh tế xã hội tại các xã nghèo theo Nghị quyết số 06/2019/NQ đến nay cơ bản đã đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ, làm thay đổi căn bản nhận thức của đối tượng thụ hưởng. Thông qua triển khai hoạt động tín dụng chính sách, chính quyền địa phương tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ cơ sở, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, từ đó khuyến khích người dân hưởng ứng tích cực phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Cùng với chính sách tổng thể thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, chính sách cho vay theo Nghị quyết số 06 đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của tỉnh và được thụ hưởng trong 5 năm để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên. Việc thực hiện tốt Nghị quyết 06 đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm từ 11,46% xuống còn 8,2%; Thu nhập bình quân đầu người trên 76,3 triệu đồng/người/năm; góp phần hoàn thành các tiêu trí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Mặc dù mới thực hiện chương trình cho vay theo Nghị quyết số 06 từ cuối năm 2019 nhưng nguồn vốn đã giúp cho nhân dân tại các xã có tỉ tệ hộ nghèo trên 40% thuộc các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa, Văn Bàn có vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế ổn định đời sống. Việc vay vốn để phát triển kinh tế tạo cơ hội để người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số ổn định và đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Phương thức ủy thác cho vay đã phát huy được những điểm mạnh của một bên là quản lý ngân hàng, trực tiếp quản lý, thực hiện các hoạt động cho vay và thu hồi vốn vay theo quy định; một bên là các tổ chức chính trị xã hội có mạng lưới ở tất cả các địa bàn, cùng góp sức tuyên truyền chủ trương, chính sách; bình xét cho vay; chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi đến các hộ dân có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn, hướng dẫn, giám sát sử dụng vốn hiệu quả. Thông qua việc ủy thác các tổ chức hội đoàn thể có thêm nguồn kinh phí hoạt động, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt hội. Một số địa phương đã gắn việc vay vốn theo Nghị quyết số 06 với định hướng quy hoạch phát triển sản xuất theo quy hoạch chung của toàn huyện, tạo được những vùng sản phẩm gắn với thị trường.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 06  vẫn còn một số khó khăn, tồn tại và vướng mắc cần có các biện pháp, giải pháp khắc phục, đó là: Công tác hướng dẫn, tư vấn phương án sản xuất cho các hộ dân còn hạn chế, một số địa phương định hướng cho người dân vay vốn trong sản xuất kinh doanh chưa thật sự rõ nét; việc vay với hạn mức của người nghèo (không quá 100 triệu đồng/hộ) nên hạn chế đến hiệu quả phát triển kinh tế của người dân nơi đây; một số xã của thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát và huyện Bắc Hà thực hiện sáp nhập, chia tách hoặc đổi tên, 43 xã nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 06 đến nay còn 37 xã, trong đó một số xã không đúng tên gây khó khăn trong việc xác định địa bàn thụ hưởng chính sách; tác động của dịch bệnh Covid-19 đến phát triển kinh tế, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách của tỉnh nên việc cân đối ngân sách địa phương chuyển cho Ngân hàng CSXH tỉnh chậm và muộn gây khó khăn cho việc giải ngân nguồn vốn ủy thác...

Qua giám sát, HĐND tỉnh đã kiến nghị với Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND về sự cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi bổ sung một số nội dung trong Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019  tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVI vào cuối năm 2021, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Việc ủy thác ngân sách địa phương qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho các xã nghèo vay vốn là một chủ trương đúng đắn, thực sự trở thành đòn bẩy, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế xã hội của những xã nghèo và nhất là sự vươn lên thoát nghèo bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn của tỉnh.                      
Ngô Quyền – Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn