Quyết tâm đưa xã Nậm Chày huyện Văn Bàn thoát nghèo bền vững

Nậm Chày là một xã miền núi có tiềm năng phong phú và đa dạng về tài nguyên đất đai, khí hậu ôn đới, phù hợp để phát triển trồng các loại cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu, và một số loại cây có vùng sinh thái dưới tán rừng tự nhiên. 

Tuy nhiên, Nậm Chày có địa hình đồi núi dốc hiểm trở, đất đai sử dụng chưa hợp lý, nhiều nơi thành đồi núi trọc nghèo chất dinh dưỡng, chất lượng và trữ lượng rừng thấp. Các đợt mưa lớn đã gây ra tình trạng xói lở, lũ lụt, gió Lào hạn hán, băng giá, mưa tuyết vào mùa khô, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông - lâm nghiệp. Do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, bị chia cắt nên việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi,… gặp nhiều khó khăn, hạn chế việc đi lại và lưu thông hàng hoá. Giao thông trên địa bàn xã còn nhiều khó khăn. Hầu hết các công trình thủy lợi, cấp nước chưa tổ chức quản lý, khai thác tốt; cán bộ quản lý thường xuyên thay đổi; các tổ chức được giao quản lý chưa quan tâm đến việc duy tu bảo dưỡng, sửa chữa và quản lý vận hành công trình. Thu nhập của người dân còn hạn chế, chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp thu nhập bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng/người/năm; Lương thực bình quân đầu người đạt thấp: 610kg/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao (hộ nghèo: 36,12%, hộ cận nghèo: 20,91%).

Để quyết tâm đưa Nậm Chày thoát nghèo bền vững, huyện Văn Bàn đã đề ra một số mục tiêu cụ thể:

Tập trung phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội gắn với nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân xã Nậm Chày; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông và ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10% - 15%/năm (theo chuẩn mới giai đoạn 2021-2025).  Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của xã: 40 triệu đồng/người /năm.

Trong thời gian tới, để quyết tâm đưa Nậm Chày thoát nghèo bền vững, Huyện Văn Bàn tập trung triển khai thực hiện một số nhóm giải phát, nhiệm vụ cụ thể, như sau:

Tăng cường công tác tuyên truyền, Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ và các tổ chức chính trị- xã hội cấp huyện, cấp xã; Ban Tuyên vận xã, Tổ tuyên vận các thôn trong công tác tuyên truyền, vận động, truyền tải chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước, hướng dẫn những kinh nghiệm và kiến thức về thực hiện giảm nghèo trực tiếp đến đoàn viên, hội viên và từng hộ dân trên địa bàn xã. Tập trung tuyên truyền, vận động người dân về công tác giảm nghèo, đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền tạo chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Nậm Chày về công tác giảm nghèo để người dân tự giác, có khát vọng vươn lên thoát nghèo từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình; đồng thuận ủng hộ, xóa bỏ tập quán lạc hậu, tích cực phòng, chống các tệ nạn xã hội, thực hiện cai nghiện ma túy thành công, hăng say lao động sản xuất nâng cao thu nhập cải thiện điều kiện sống.

Tập trung chỉ đạo chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế Nông - Lâm nghiệp của xã theo hướng sản xuất hàng hoá; đẩy mạnh đầu tư thâm canh tăng vụ, tăng nhanh thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Tập trung phát triển cây lương thực đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, mở rộng vùng trồng cây ăn quả (cây Sơn Tra, cây Mận chín sớm); cây chủ lực (Măng Sặt), cây dược liệu (Gừng trâu, atiso, chè dây…); phấn đấu giá trị thu nhập bình quân trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 80 triệu đồng vào năm 2025. Chủ động kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm củng cố, nâng cao năng lực Hợp tác xã dịch vụ nông, lâm nghiệp.  

Đầu tư phát triển mạnh đàn trâu, bò, ngựa sinh sản, nâng cao chất lượng đàn đại gia súc mở rộng các mô hình trang trại, gia trại trồng cỏ chăn nuôi, khắc phục triệt để tệ thả rông gia súc, thay đổi nhận thức của người dân về phát triển chăn nuôi bền vững, chăn nuôi có kiểm soát, chăn nuôi hàng hóa, vỗ béo trước khi xuất bán để nâng cao giá trị; Tăng nhanh đàn lợn, gia cầm, hỗ trợ phát triển giống lợn đen bản địa, quản lý phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học trong cộng đồng các thôn.

 Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển giao thông, bảo đảm tính đồng bộ hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn xã. Sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong đầu tư các công trình hạ tầng nông thôn đặc biệt trong công tác làm đường giao thông nông thôn cơ sự tham gia của Nhân dân trong các thôn. Kêu gọi vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư các công trình có quy mô lớn. Sử dụng vốn đầu tư theo chương trình xây dựng nông thôn mới, ngân sách Nhà nước và xã hội hóa một phần để xây dựng cầu đường giao thông nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng các công trình đảm bảo đến hết năm 2023 các tuyến đường trục xã được bê tông hóa, đi lại thuận tiện dễ dàng.

Phát triển mạng lưới trường lớp học, quy mô giáo dục phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh đồng thời là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Quy hoạch mạng lưới trường lớp, đảm bảo đủ các điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ công tác dạy và học. Chỉ đạo huy động các nguồn lực đầu tư trên địa bàn, nguồn lực tại chỗ cho xây dựng trường học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa; xây dựng cảnh quan trường lớp xanh - sạch - đẹp.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, truyền thông, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, hộ gia đình, các hoạt động đoàn thể; có các hình thức truyền thông linh hoạt, phù hợp với đặc điểm tình hình của xã về công tác phòng chống dịch bệnh, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và dự phòng các bệnh không lây nhiễm.

Chú trọng việc chỉ đạo xây dựng phát triển phong trào văn hóa, đi đôi với việc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, chú trọng đến đầu tư cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao cơ sở. Đẩy mạnh xã hội hoá, dựa vào sức dân để xây dựng phong trào. Đầu tư, hỗ trợ các thiết chế văn hóa cơ sở đảm bảo và duy trì 100% thôn đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội. Xây dựng mô hình “tự quản” ở khu dân cư nhằm thực hiện việc quản lý, giám sát trong cộng đồng khu dân cư, kịp thời phản ánh những vướng mắc để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

 Đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy tại nhà kết hợp với cai nghiện cộng đồng. Phấn đấu mỗi năm số người được cai nghiện từ 60-70 người. Đồng thời phối hợp với các trung tâm dạy nghề trong huyện, tỉnh tổ chức dạy nghề cho đối tượng cai nghiện tập trung tại cộng đồng.

 Chỉ đạo việc đào tạo nghề gắn với định hướng tìm việc làm và tự tạo việc làm tại chỗ. Đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, giới thiệu ngành nghề phù hợp để người dân theo học, tạo việc làm, tăng thu nhập, phấn đấu bình quân mỗi năm có tối thiểu 20 lao động/xã được giới thiệu, bố trí việc làm tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện.

 Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ủy xã đối với công tác nhân sự và tổ chức hoạt động của HĐND, UBND xã và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn; Phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên UBND xã; Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức xã.                                                         

Đỗ Quang Thắng
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn