Đưa Du lịch thành ngành kinh tế đột phá
      Lào Cai có vị trí thuận lợi, là “Cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam); Tài nguyên phong phú, văn hóa đa dạng với 25 nhóm ngành dân tộc, có Khu du lịch quốc gia Sa Pa với lịch sử hình thành và phát triển trên 110 năm với tài nguyên du lịch nổi bật, đặc sắc và hơn 50 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, khí hậu mát mẻ quanh năm, đặc biệt có đỉnh núi Fansipan cao 3.143m được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương; với những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất trên thế giới. Đây là nguồn tài nguyên vô giá, lợi thế lớn để Lào Cai phát triển các loại hình du lịch.

Để phát huy, tận dụng các tiềm năng lợi thế thúc đẩy du lịch tỉnh Lào Cai phát triển nhanh, bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, có trọng tâm, trọng điểm, thực sự là lĩnh vực đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghị quyết đã đề ra một số mục tiêu chủ yếu như: Phấn đấu đến năm 2030, Du lịch Lào Cai là ngành kinh tế mũi nhọn đột phá, tạo tiền đề đến năm 2050 trở thành ngành kinh tế chủ đạo quan trọng, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hoá, trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, cạnh tranh được với các trung tâm du lịch lớn trong nước và khu vực, đáp ứng các tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế; Đến năm 2025: Phấn đấu đón từ 10 triệu lượt khách du lịch trở lên. Tổng thu từ khách du lịch: Đạt 44.750 tỷ đồng; đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 22 - 23%. Tạo ra khoảng 40.000 - 42.000 việc làm trong lĩnh vực du lịch (trong đó 18.000 lao động trực tiếp, 24.000 lao động gián tiếp); Đến năm 2030: Phấn đấu đón từ 13 triệu lượt khách du lịch trở lên. Tổng thu từ khách du lịch: Đạt 63.540 tỷ đồng; đóng góp vào GRDP của tỉnh ước đạt 25%. Tạo ra khoảng 50.000 - 55.000 việc làm trong lĩnh vực du lịch (trong đó 30.000 việc làm trực tiếp, 25.000 việc làm gián tiếp). Đến năm 2050: Phấn đấu đón từ 18 triệu lượt khách du lịch trở lên. Tổng thu từ khách du lịch: Đạt 121.600 tỷ đồng; đóng góp vào GRDP ước đạt khoảng 30%. Tạo ra khoảng 80.000 - 100.000 việc làm trong lĩnh vực du lịch (trong đó 50.000 việc làm trực tiếp, 30.000 việc làm gián tiếp). Hoàn thiện phát triển không gian du lịch theo 03 vùng du lịch trọng điểm: Vùng I - Tây Bắc (Sa Pa - Bát Xát - Thành phố Lào Cai); Vùng II - Đông Bắc (Bắc Hà - Mường Khương - Si Ma Cai); Vùng III - Phía Nam (Bảo Yên - Bảo Thắng - Văn Bàn). Định hướng mở rộng không gian du lịch của Sa Pa kết nối với Y Tý, Trung tâm kinh tế cửa khẩu Thành phố Lào Cai; đồng thời phát triển không gian du lịch mới tại Bảo Hà, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng, Văn Bàn và Si Ma Cai,...; tạo ra hệ thống các sản phẩm du lịch đa dạng phục vụ thị trường nội địa, quốc tế, hình thành hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng tại 3 vùng trọng điểm du lịch.

Nghị quyết đã đề ra một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, cụ thể:

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, người đứng đầu, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các ngành các cấp; trọng tâm là nghiên cứu đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy Đảng đối với sự nghiệp phát triển du lịch tại địa phương. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, tạo đồng thuận, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong tham gia xây dựng và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch. Xác định du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên kết vùng, xã hội hóa cao và mang nội dung văn hóa sâu sắc, có giá trị kinh tế cao, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội,  bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Có cơ chế, chính sách để huy động sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.

 Tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức về phát triển du lịch có trách nhiệm, bảo vệ môi trường; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, các đơn vị kinh doanh du lịch và khách du lịch tham gia bảo vệ môi trường sinh thái, tham gia xây dựng môi trường du lịch văn minh, lịch sự, an toàn, nhất là tại Khu du lịch quốc gia Sa Pa và các Trung tâm du lịch của tỉnh.

 Tập trung chỉ đạo rà soát hoàn chỉnh và thực hiện Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có tích hợp quy hoạch phát triển du lịch, bảo đảm tầm nhìn chiến lược, ổn định và mang tầm nhìn quốc tế. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch về du lịch (từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch vùng, quy hoạch các khu, điểm du lịch và quy hoạch từng dự án cụ thể) bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Chú trọng khảo sát, điều tra, phân loại đánh giá, tổng hợp các nguồn tài nguyên du lịch để làm cơ sở hoạch định chủ trương, chính sách phát triển du lịch, thu hút đầu tư. Tập trung hoàn thiện và phát triển không gian 3 vùng trọng điểm du lịch gắn với tiềm năng lợi thế, nhất là phát triển du lịch cộng đồng, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao của tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch, trong đó quan tâm đến chính sách về phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển du lịch và đào tạo nghề du lịch,...

 Huy động và sử dụng lồng ghép các nguồn lực từ nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tại các địa bàn du lịch trọng điểm; nâng cao khả năng kết nối giao thông giữa các khu điểm du lịch trong tỉnh và các địa phương trong nước; đồng thời tăng cường huy động, đa dạng hóa các hình thức đầu tư trong và ngoài nước nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu, quy mô lớn phục vụ du lịch, đặc biệt tại khu du lịch quốc gia Sa Pa, khu du lịch Bắc Hà, khu du lịch Bảo Hà (Bảo Yên) và thành phố Lào Cai, các thiết chế văn hóa, công viên văn hóa,…

 Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch. Đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý du lịch; đào tạo, bồi dưỡng thực hành nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lao động ngành du lịch. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với chủ trương lấy con người là chủ thể, là trung tâm, là nguồn lực, động lực phát triển du lịch.

 Khai thác tối đa lợi thế tuyến hành lang Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) để kết nối du lịch núi với du lịch biển; mở rộng liên kết với các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa,… để khai thác các loại hình du lịch nghỉ dưỡng núi cao cấp; tiếp tục chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Giang - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình khai thác tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc, Vòng cung Tây Bắc - Đông Bắc kết nối với thành phố Hồ Chí Minh; liên kết với thành phố Luang Prabang (Lào), Chiềng Mai (Thái Lan) để phát triển các sản phẩm du lịch chuyên biệt; phát triển tuyến du lịch ruộng bậc thang liên quốc gia: Mù Cang Chải (Yên Bái) - Sa Pa (Lào Cai) - Nguyên Dương (Vân Nam, Trung Quốc); nghiên cứu, đề xuất các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tại một số thị trường trọng điểm quốc tế. Hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả với các tập đoàn lớn, nhà đầu tư chiến lược phát để phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cao cấp, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.

 Xây dựng chiến lược phát triển thị trường du lịch đa dạng, chú trọng phát triển mạnh thị trường khách du lịch nội địa với các sản phẩm du lịch độc đáo (du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; văn hóa, cộng đồng; sinh thái, nông nghiệp, làng nghề; du lịch thể thao; hội thảo, sự kiện; mua sắm; ẩm thực, du lịch thực tế ảo - du lịch thông minh; du lịch biên giới), đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển thị trường khách quốc tế. Tập trung thu hút thị trường khách có khả năng chi trả cao với các sản phẩm du lịch về đêm. Mở rộng liên doanh, liên kết với các đối tác trong nước và nước ngoài, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động phát triển thị trường, liên kết các chương trình và sản phẩm du lịch. Hình thành sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp kết hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với các sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm, sản xuất các sản phẩm mang đặc trưng phục vụ khách du lịch.

         Đẩy nhanh việc hoàn thiện đề án chuyển đổi số trong ngành du lịch; phát triển du lịch thông minh; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Lào Cai - Sa Pa (đặc biệt là công tác quản lý khách du lịch tại Khu du lịch quốc gia Sa Pa). Cải tiến hệ thống thu phí thông minh và tăng cường nguồn thu ngân sách lĩnh vực du lịch, quản lý tốt tài nguyên du lịch, kiểm soát, giám sát và thông tin cảnh báo về các vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch, môi trường, an ninh trật tự, giao thông,… trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và nền tảng công nghệ số. Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thanh toán dịch vụ du lịch hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt. Ứng dụng công nghệ thông tin để hoàn thiện hệ thống thống kê du lịch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch./.                                                         

Đỗ Quang Thắng
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn