Đảng bộ huyện Văn Bàn tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn

Văn Bàn là một huyện miền núi nằm ở phía Nam của tỉnh Lào Cai, có diện tích tự nhiên là 141.978,15 ha; có 21 xã và 01 thị trấn, trong đó có 10 xã khu vực III; Có 80 thôn ĐBKK/195 thôn, tổ dân phố; Dân số toàn huyện trên 92 nghìn người, gồm 11 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số 77.370 người chiếm 84,6% dân số toàn huyện; Trong những năm qua, Đảng bộ huyện Văn Bàn luôn tập trung lãnh chỉ đạo công tác dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TU, ngày 28/3/2014 của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Các dân tộc đã luôn nêu cao ý thức chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; cần cù trong lao động sản xuất, đoàn kết gắn bó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của huyện. 

Công tác giáo dục, đào tạo luôn được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm, chỉ đạo, được cụ thể hóa bằng các đề án, kế hoạch để triển khai thực hiện, do đó sự nghiệp giáo dục trên địa bàn huyện nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc dạy tăng cường tiếng Việt tại các trường mầm non, tiểu học; chính sách cử tuyển học sinh người dân tộc thiểu số; chính sách đặc thù cho học sinh dân tộc thiểu số luôn được trú trọng. Công tác cử tuyển con em là người dân tộc thiểu số đi học các trường chuyên nghiệp của tỉnh và Trung ương từ năm 2014 đến nay đã cử tuyển 66 con em dân tộc thiểu số đi đào tạo tại các trường Trung ương. Thực hiện tốt các chế độ chính sách hỗ trợ sách vở, hỗ trợ tiền ăn, gạo, thuê cấp dưỡng nấu ăn, quản lý học sinh bán trú và các điều kiện học tập cho học sinh trong các trường PTDT bán trú, các trường có học sinh bán trú theo các quy định hiện hành.

Công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tại địa phương đã được thực hiện đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tộc thiểu số có việc làm trong các cơ quan, đơn vị. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số là 1.258 người, chiếm 50,9%. Người dân tộc thiểu số là lãnh đạo chủ chốt tại các cơ quan, đơn vị, xã thị trấn là 197/543 người, chiếm 36,2% (cấp huyện 51 người; cấp xã 146 người); đại biểu hội đồng nhân dân huyện là người dân tộc thiểu số có 24/35 người, chiếm 68,6% trên tổng số đại biểu HĐND cấp huyện; đại biểu HĐND cấp xã là người dân tộc thiểu số có 369/454 người, chiếm 81,3% trên tổng số đại biển HĐND cấp xã. Công tác tuyển dụng được thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chế độ, chính sách ưu tiên trong công tác tuyển dụng đối với công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Từ năm 2014 đến nay đã thực hiện tuyển dụng 254 công chức, viên chức trong đó có 159 công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số làm việc tại các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn thuộc huyện.

Để phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo đặc biệt trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, Huyện ủy Văn Bàn ban hành Quyết định số 307-QĐ/HU ngày 24/12/2015 về việc phê duyệt Đề án "Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế Nông, Lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa huyện Văn Bàn giai đoạn 2016 - 2020". Kết quả triển khai thực hiện đề án đã thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm nhanh (bình quân 4 - 5% /năm. Hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2020 là 1.890 hộ/ 20.316 chiếm tỷ lệ 9,3%: Hộ cận nghèo 2.237/ 20.316 hộ chiếm tỷ lệ 11,01%). Đảm bảo lương thực tại chỗ cho đồng bào dân tộc trong giai đoạn giáp hạt, vận động người dân thâm canh sản xuất tăng vụ, đưa các giống mới có năng suất cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Các xã Nậm Xây, Nậm Xé, Nậm Chày và các thôn vùng cao của đồng bào dân tộc thiểu số như Nà Nheo xã Khánh Yên Hạ, Nậm Tùn trên, Tùn Dưới của xã Dương Quỳ đã đưa một số diện tích ruộng từ 1 vụ lên 2 vụ lúa/năm. Từ chỗ hàng năm nhà nước phải hỗ trợ lương thực để cứu đói lúc giáp hạt nay các xã, thôn vùng cao đồng bào dân tộc thiểu số đã tự cân đối được lương thực tại chỗ. Bước đầu đã khai thác lợi thế của địa phương tạo ra sản phẩm hàng hóa với 14 sản phẩm OCOP (trong đó có 12 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt 4 sao).

Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, chương trình xuất khẩu lao động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục đăng tăng cường, triển khai thực hiện. Từ  năm 2014 - 2020 huyện mở lớp dạy nghề cho người lao động nông thôn, lái xe A1, B2 + C: 49 lớp với  2.540 người. Trong 07 năm qua các học viên sau khi học nghề được các doanh nghiệp bố trí khoảng trên 300 lao động chủ yếu tại nhà máy thép Việt Trung, công ty may Nguyễn Hoàng -Hà Nội, nhà máy phân lân nung chảy tại xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn. Xuất khẩu lao động đi các nước được 26 người, trong đó xuất khẩu lao động làm việc tại Công ty Khoa học Huệ hồng Trung Quốc 06 người; 03 người đi Ả-rập-xê-út, Nhật Bản và Đài Loan 02 người. Chủ yếu lực lượng lao động trẻ của Văn Bàn tập trung vào các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc...

Cùng với đó, huyện Văn Bàn đã tập trung, tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện tương đối thuận lợi, có các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, giao thông nông thôn kết nối các vùng, cụm xã thuận tiện cho việc thông thương, giao lưu hàng hóa phát triển kinh tế xã hội của huyện. Đến nay 100% các xã có đường ô tô đến được trung tâm đã được rải nhựa và bê tông xi măng mặt đường. Với tổng đầu tư 542,568 tỉ đồng cho đường giao thông nông thôn.

Bên cạnh các nhiệm vụ về phát triển kinh tế, huyện Văn Bàn đã tập trung phát triển văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa được quan tâm chỉ đạo với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", được triển khai đồng bộ trên địa bàn toàn huyện. Tính đến năm 2020 toàn huyện đã có 21/21 xã có Trung tâm văn hóa - Thể thao xã diện tích quy hoạch xây dựng trên 10.000 m2, 171/195 nhà văn hóa thôn được đầu tư trang thiết bị bao gồm bàn, ghế, sân khấu, âm thanh; có sân tập thể dục thể thao đơn giản và khu thể thao phục vụ cho các cuộc họp và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Các công trình trên thường xuyên tổ chức hoạt động, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong huyện. Công tác bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thông được chú trọng, phong trào văn hoá - văn nghệ ở cơ sở được phát triển đến các vùng nông thôn; hàng năm các xã, phường đều tổ chức ngày hội văn hóa dân tộc, thành lập nhiều câu lạc bộ văn nghệ và văn nghệ bản sắc, tổ chức nhiều hội thi, hội diễn nhằm khai thác, bảo tồn và phát huy vốn dân ca, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục đạo cụ của đồng bào các dân tộc, đến năm 2020 đã có 195/195 thôn, bản xây dựng  được đội văn hóa, CLB thể thao chiếm 100%, đạt  100% so mục tiêu kế hoạch; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được triển khai đồng bộ và đã mang lại hiệu quả thiết thực, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã dần đi vào nề nếp.

 Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào dân tộc trong những năm qua bệnh viện đa khoa đã thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, đảm bảo công tác thường trực 24/24 giờ, đáp ứng tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân. Thông qua chính sách cụ thể, các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số được tiếp cận với dịch vụ khám chưa bệnh, từ đó cải thiện và nâng cao sức khỏe nhân dân.

          Để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, trong thời gian tới huyện Văn Bàn tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:

Một là, tăng cường chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, sự điều hành trong công tác triển khai thực hiện chính sách dân tộc của chính quyền, nâng cao vai trò tham mưu, sự phối hợp các cấp, các ngành trong công tác dân tộc. Thực hiện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, giải quyết kịp thời ý kiến đề xuất, kiến nghị của nhân dân

Hai là, quan tâm ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, trường học, điện...); các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội; các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba là, tiếp tục làm tốt công tác bố trí, sử dụng cán bộ là người dân tộc, từ đó giúp cho cấp ủy, chính quyền nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân vùng đồng bào dân tộc để kịp thời điều chỉnh những chương trình, chính sách cho phù hợp.

Bốn là, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên tuyên truyền vận động nhân dân vùng dân tộc chấp hành tốt chủ trương đường lối của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong phát triển kinh tế xã đói giảm nghèo, an ninh trật tự xã hội ở địa phương.

          Năm là, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực bám nắm cơ sở, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; làm tốt công tác tuyên tuyền, vận động, nâng cao nhận thức nhân dân, cải tạo tập quán lạc hậu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ý thức tự vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.                            
Đỗ Quang Thắng
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn