Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội…Thời gian qua, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được quan tâm, có bước chuyển biến và đạt được một số kết quả bước đầu nhất định

 Hết năm 2020, có 100% các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp áp dụng công nghệ xử lý chất thải đạt Quy chuẩn môi trường; 100% các dự án thực hiện thẩm định công nghệ và các hồ sơ pháp lý về môi trường đối với công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải; cơ bản 100% nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị loại IV trở lên được thu gom xử lý qua hệ thống xử lý nước thải của các hộ gia đình và các hộ kinh doanh (nhà hàng, khách sạn, khu đô thị…) và công trình xử lý nước thải tập trung đô thị; có 2/3 khu công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Tỷ lệ chất thải rắn thông thường được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường đến năm 2020 đạt 95%; Tỷ lệ chất thải rắn chất thải nguy hại phát sinh trong hoạt động y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường đến năm 2020 đạt 100%, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã đầu tư mới hoặc nâng cấp hệ thống xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu

Trên địa bàn tỉnh có 05 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh, có 16 ga rác; xác định và đang xây dựng 13 vị trí đổ rác trên địa bàn các xã, thị trấn. Có 2 đô thị được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung (thành phố Lào Cai với công xuất 4.500 m3/ngày.đêm; thị xã Sa Pa đang triển khai xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất 7.500m3/ngày.đêm). Có 2/3 khu công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất xử lý trên 5.000 m3/ngày đêm.

Để thực hiện thắng lợi quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, các cấp ngành ở tỉnh đã tập trung ban hành các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động trong đó xác định rõ quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ định hướng đối với lĩnh vực BVMT để các cấp ủy đảng, Chính quyền địa phương triển khai thực hiện. Các cấp ngành cũng đẩy mạnh các hoạt tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường đến các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản với nhiều hình thức như: Xây dựng các chuyên mục, phóng sự về môi trường, tổ chức các hội nghị, mít tinh, tuyên truyền hưởng ứng các ngày lễ về môi trường; nhằm nâng cáo nhận thức bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong xử lý chất thải lĩnh vực công ích (chất thải rắn, nước thải sinh hoạt đô thị, nông thôn)...

Tài nguyên đất đai được quản lý chặt chẽ, khai thác sử dụng đúng mục đích. Với cơ chế, chính sách phù hợp, công khai, dân chủ, công bằng đã cơ bản giải quyết được những tồn tại trong những năm trước đây và những vấn đề mới nảy sinh. Hình thức giao đất được chuyển đổi dần từ xét cấp sang đấu giá, từ thuê sang giao đất có thu tiền. Tình trạng vi phạm pháp luật, tranh chấp, khiếu nại về đất đai được xử lý và giải quyết tốt. Người sử dụng đất hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình nên đã thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính, nguồn thu từ đất tăng mạnh qua các năm, góp phần quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở và phát triển đô thị của tỉnh. Tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên rừng… được kiểm kê, đánh giá đưa vào dữ liệu quản lý, cấp phép khai thác, sản xuất đúng quy định, phù hợp với quy hoạch và yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Ngành công nghiệp khai khoáng được xác định là ngành đột phá phát triển công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2015-2020; việc khai thác, chế biến khoáng sản; xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất phù hợp với khả năng tài nguyên. Thực hiện lập quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản phù hợp với quy hoạch của Trung ương, trong đó đã quy hoạch và thực hiện việc khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản, hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô, chưa qua chế biến; đã xây dựng 01 khu công nghiệp nặng tại Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng để chế biến sâu nguồn khoáng sản.

Tỉnh đã tổ chức lập và thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Lào Cai giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn đến năm 2030 có hiệu quả. Thực hiện tốt việc cấp giấy phép khai thác sử dụng nước các loại, thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy hoạch.

Với địa hình miền núi, vùng cao, địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, rét đậm, rét hại, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp. Thực hiện Chương trình Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực để nâng cao năng lực và khả năng ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh đến năm 2020; Triển khai lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động; bố trí, huy động nguồn vốn đầu tư các công trình hạn chế tác động của BĐKH. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích người dân áp dụng công nghệ thích hợp để giảm phát thải khí nhà kính như xử lý chất thải bằng hầm biogas để tận dụng khí đốt. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được khoảng 3.000 công trình bể biogas. Bên cạnh việc đẩy mạnh các biện pháp trồng, bảo vệ rừng, quan tâm chỉ đạo thực hiện chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua các biện pháp chống mất rừng, suy thoái rừng và tạo sinh kế cho cộng đồng(REDD+). Nhìn chung công tác ứng phó với BĐKH được triển khai lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch phát triển KTXH của tỉnh. Các công trình kè được tích cực triển khai, phát huy hiệu quả chống sạt lở, bảo vệ sông, suối, biên giới, cơ sở hạ tầng, khu dân cư. Chính quyền các cấp đã chủ động hơn trong phòng, tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, giảm thiểu những thiệt hại do BĐKH gây ra.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số khu, cụm, cơ sở sản xuất công nghiệp chưa được xử lý triệt để. Một số địa bàn trọng điểm như khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng; xã Bản Lầu, huyện Mường Khương… vẫn xảy ra sự cố gây ô nhiễm, ảnh hưởng chất lượng môi trường, đời sống và sản xuất của người dân. Khả năng dự báo biến đổi khí hậu còn hạn chế, hậu quả thiên tai nặng nề; việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học triển khai chưa đồng bộ…

          Để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường thời gian tới cần tập trung thực hiện:

          Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng chồng lấn đất đai, tranh chấp đất đai, sử dụng đất sai mục đích. Khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất nâng cao hiệu suất sử dụng đất nông nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước của tỉnh. Khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên nước, khoáng sản, nâng cao giá trị, hiệu quả khai thác, chế biến sâu khoáng sản; thực hiện cấp giấy phép khai thác thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Nâng cao năng lực giám sát về môi trường, đánh giá tác động môi trường. Kiểm soát ô nhiễm môi trường, khắc phục cơ bản tình trạng hủy hoại, làm cạn kiệt tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và của các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tập trung xử lý môi trường tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng. Rà soát, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuyển đổi công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, xây dựng bản đồ ngập lụt, bản đồ rủi ro thiên tai, khí hậu theo các kịch bản. Phát triển mạng lưới quan trắc và công nghệ dự báo khí tượng thủy văn để cảnh báo, dự báo sớm các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh và hạn chế tác động của thiên tai, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và sự biến đổi bất lợi của môi trường.

 Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc tiếp tục đầu tư kè sông suối chống sạt lở đất; bảo đảm an toàn hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, an ninh nguồn nước; tập trung trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng./.                                       

Trịnh Xuân Quyết – Chuyên viên phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn