Cán bộ giảng dạy lý luận chính trị với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Lý luận là một trong ba hình thái quan trọng của công tác tư tưởng. Công tác lý luận của Đảng bao gồm nghiên cứu lý luận và giáo dục, truyền bá lý luận. Nghiên cứu lý luận nhằm xây dựng, phát triển lý luận làm cơ sở cho việc xây dựng đường lối chung và xác định nhiệm vụ của cách mạng trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể. Giáo dục, truyền bá lý luận là hoạt động có mục đích, có tổ chức, theo chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ngay từ khi chuẩn bị các
điều kiện để thành lập Đảng, Bác Hồ đã từng dạy: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ
nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Báo
cáo Chính trị trình bày tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng đã khẳng
định: “Về lý luận, Đảng Lao động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lê nin”. Khi xác
định nền tảng tư tưởng của Đảng, Điều lệ Đảng do Đại hội II, tháng 2/1951 thông
qua nêu: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin làm nền tảng tư tưởng và xây dựng Đảng
theo nguyên tắc một đảng vô sản kiểu mới”. Tiếp đó Đại hội toàn quốc lần VII
của Đảng diễn ra vào tháng 6/1991 Đảng ta khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa
Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành
động”. Công tác giảng dạy lý luận chính trị hiện nay chính là truyền bá chủ
nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đây cũng đồng thời là nền tảng tư
tưởng của Đảng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là bảo vệ chủ nghĩa
Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, theo đó đội ngũ cán bộ giảng dạy lý luận
chính trị trở thành một trong những lực lượng đi đầu trong bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng.
Ở địa phương đội
ngũ cán bộ giảng dạy lý luận chính trị khá đông đảo gồm: giảng viên trường
chính trị tỉnh; giảng viên các trung tâm chính trị cấp huyện; giảng viên giảng
dạy phần lý luận Mác-Lê nin ở các trường chuyên nghiệp; giảng viên kiêm chức,
giảng viên thỉnh giảng ở tỉnh, huyện và báo cáo viên của cấp ủy các cấp thường
xuyên truyền đạt chỉ thị, nghị quyết của Đảng,…dù nhiệm vụ cụ thể có khác nhau,
nhưng đều thực hiện một nhiệm vụ chung đó là truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin và
tư tưởng Hồ Chí Minh đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Với vị trí là một trong những lực lượng đi
đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng do đó thiết nghĩ đội ngũ này cần
được cấp ủy các cấp thường xuyên chăm lo xây dựng ngày càng vững mạnh về cả số
lượng và chất lượng để họ ngày càng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ giảng dạy,
truyền bá lý luận chính trị, bởi đó là khâu đầu tiên, là tiền đề quan trọng
trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cùng với sự quan tâm của cấp ủy các
cấp, bản thân cán bộ được phân công giảng dạy lý luận chính trị cũng cần phải
nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ được phân công. Đây là một nhiệm vụ vô cùng quan
trọng mà Đảng, Nhà nước tin cậy giao phó; là nhiệm vụ không thể thiếu để bảo
vệ, tiếp tục duy trì sự lãnh đạo, quản lý đất nước của đảng cầm quyền; là nhiệm
vụ góp phần làm cho cán bộ, đảng viên, nâng cao hiểu biết về chính trị, thống
nhất hành động theo chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước; đồng thời làm cho dân tin Đảng, tự nguyện đi theo Đảng, sẵn sàng bảo
vệ Đảng của mình mà đã từ lâu nhân dân thường gọi bằng cái tên thân mật, gần
gũi là Đảng ta.
Không chỉ nâng cao nhận thức, nhận thức
đúng về nhiệm vụ mình được đảm nhận, mà cán bộ giảng dạy lý luận chính trị còn
phải không ngừng rèn luyện bản thân để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những
nội dung cần đặc biệt quan tâm đối với cán bộ giảng dạy lý luận chính trị đó
là: Phẩm chất đạo đức, lối sống phải thật sự trong sạch, sống mẫu mực để khi
đứng trước đông người giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
truyền đạt chỉ thị, nghị quyết của Đảng mới tạo được sự tâm phục, khẩu phục đối
với người nghe. Rèn luyện sự trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, trung thành với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và Nhân dân… Điều đó bảo đảm
cho người cán bộ giảng dạy lý luận chính trị trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng
giữ được kỷ luật phát ngôn, nói đúng, nói theo nguyên tắc, theo lý luận, có cơ
sở khoa học, kiên quyết không nói một cách tùy tiện, thiếu cân nhắc.
Song song với nhận thức là kỹ năng nghề
nghiệp (kỹ năng truyền thụ kiến thức đến người nghe), bởi kỹ năng nghề nghiệp
là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với cán bộ giảng dạy lý luận chính trị. Lý luận
chính trị là kiến thức được khái quát cao dưới dạng các mệnh đề, quan điểm,
khái niệm, định nghĩa, … do đó, nếu chỉ truyền thụ một cách máy móc, thiếu kiến
thức thực tiễn sẽ dẫn đến bài giảng khô khan, khó hiểu, trở nên giáo điều và
không thuyết phục được người nghe; nhưng ngược lại nếu chỉ nói thực tiễn mà
không gắn với những kết luận mang tính lý luận thì lại rơi vào chủ nghĩa kinh
nghiệm, phi lý luận, xem thường lý luận. Vì vậy, đòi hỏi người giảng dạy lý
luận chính trị phải lồng gắn một cách nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn,
đồng thời phải chỉ cho người nghe hiểu được những kết luận, mệnh đề, quan điểm
mang tính lý luận ở trong sách, trong nghị quyết là sự tổng kết, khái quát dựa
trên hàng trăm, hàng nghìn sự vật, hiện tượng thực tế trong cuộc sống. Dẫn dắt
người nghe đi từ những hiện tượng riêng lẻ của cuộc sống để hiểu được những
mệnh đề, quan điểm, khái niệm khá trừu tượng của lý luận.
Mặt khác cần phải tránh dùng quá nhiều từ
mới, từ lạ, từ hàn lâm mà nên dùng từ ngữ gần gũi, dễ hiểu, thậm chí dùng từ có
nghĩa tương đương để phân tích, giải thích; đồng thời lấy những ví dụ thực tiễn
sát với từng đối tượng người nghe, làm cho bài giảng thực tế hơn, sinh động hơn
giúp cho người nghe hiểu và liên tưởng đến những điều đang diễn ra trong cuộc
sống hằng ngày. Khi đó chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương,
nghị quyết của Đảng sẽ trở nên gần gũi, tin tưởng, dễ học tập và làm theo và
mới thực sự đóng vai trò hướng dẫn hoạt động thực tiễn đối với người nghe…
Giảng dạy lý luận chính trị là một công việc
không dễ, nhưng rất vinh quang; cán bộ giảng dạy lý luận chính trị rất vinh dự
được đặt vào vị trí đi đầu trong truyền bá, bảo vệ hệ tư tưởng chính trị chính
thống, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thiết nghĩ cùng với sự chăm lo của
cấp ủy các cấp bản thân mỗi người làm công tác giảng dạy lý luận chính trị ở
đia phương cần cố gắng hơn nữa để luôn xứng đáng với
vị trí được tin cậy giao phó góp phần không nhỏ vào việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị
khóa XII “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác
các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”./.