Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng cho phát triển các ngành kinh tế
Xác định tập trung phát triển kết cầu hạ tầng kinh tế có ý nghĩa hết sức quan trọng, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, Lào Cai đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế và theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại.

Năm 2004, toàn tỉnh có 4 trạm thủy điện nhỏ hoạt động, với tổng công suất thực phát 1.915 KW. Hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 61 thủy điện phát điện hòa lưới điện quốc gia (tăng 56 thủy điện so với năm 2004) với tổng công suất lắp máy 979,15MW; Nguồn điện cung cấp trên địa bàn tỉnh hầu hết là từ lưới điện quốc gia; trong đó các nhà máy thủy điện của tỉnh đóng góp một phần.

Hệ thống điện cao áp với 231km đường dây 220 KV và 02 Trạm biến áp 220 KV với tổng dung lượng 750MVA; 450km đường dây 110 KV và 05 Trạm biến áp 110 KV với tổng dung lượng 626MVA; lưới điện hạ thế từ 35 Kv trở xuống có 1.620 trạm biến áp và 5.300 km đường dây. Sau 17 năm đầu tư mạng lưới điện quốc gia trên địa bàn tăng quy mô gấp 3,6 lần so năm 2004. Đến năm 2020, tỉnh Lào Cai đã có 152/152 xã, phường, thị trấn; 96,7% số hộ dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai được sử dụng điện lưới; 96,8% số tổ, thôn, bản có lưới điện quốc gia và 98/127 xã trong toàn tỉnh đạt tiêu chí về điện nông thôn, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, an ninh quốc phòng khu biên giới.

Khai thác, chế biến có hiệu quả khoáng sản của mỏ Apatit Lào Cai, Đồng Sin Quyền, Sắt Quý Sa; xây dựng các nhà máy sản xuất hóa chất, nhà máy tuyển quặng apatit Bắc Nhạc Sơn, Tổ hợp hóa chất Đức Giang (các sản phẩm Supe lân, MAP, Axítsufuríc, DCP); 7 nhà máy sản xuất Phốt pho vàng, công suất 99.800 tấn/năm đang hoạt động ổn định; 3 nhà máy sản xuất Axit sunfuric, công suất 140.000 tấn/năm; 3 nhà máy sản xuất Axit phốt pho ric 120.000 tấn/năm; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai; Nhà máy Luyện đồng Lào Cai; Nhà máy Gang thép Lào Cai...

 Công tác xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất luôn được quan tâm đầu tư. Giai đoạn 2004-2020, toàn tỉnh đầu tư 1.530 danh mục công trình, phục vụ tưới 14.292 ha, chiều dài kênh được sửa chữa kiên cố thêm 1.843,51km, tổng số vốn đầu tư 3.030,44 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 1.142 công trình thuỷ lợi đang khai thác sử dụng; 1.035 công trình đập dâng, thu nước với khoảng 4.580 km kênh các loại, trong đó có 3.411 km đã được đầu tư kiên cố đạt 74,45% tổng chiều dài kênh, tăng 1.843km kênh kiên cố so với năm 2004. Tỷ lệ tổng diện tích đất canh tác cần đầu tư thủy lợi, đã cơ bản được đáp ứng nước chủ động tưới đạt 93%, tăng 26% so năm 2004; Có 24 trình thủy lợi tiêu úng, trong đó có 05 công trình chỉ có chức năng tiêu, 19 công trình tưới tiêu kết hợp; tổng diện tích tiêu là 486,23 ha, trong đó tiêu cho khu dân cư là 31,4 ha.

 Các công trình kè biên giới được quan tâm đầu tư, xây dựng: Lào Cai có 182,086 km đường biên giới, trong đó đường biên giới trên sông suối là 131,7 km. Việc đầu tư các công trình chống sạt lở bờ sông suối những vị trí xung yếu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo ổn định đường biên mốc giới. Từ năm 2004 đến 2020, đã đầu tư được 28,029 km kè sông, suối biên giới, kinh phí đầu tư 1.539 tỷ đồng  (lũy kế tuyến biên giới có 31,2km kiên cố). Đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 24 dự án với tổng chiều dài 26,362 km, kinh phí đầu tư 1.403,3 tỷ đồng.

Giai đoạn 2004-2020 đã thực hiện đầu tư 55 chợ, tổng vốn đầu tư 636,1 tỷ đồng, đầu tư phát triển mới 17 chợ, cải tạo, nâng cấp 32 chợ; đầu tư xây dựng 01 trung tâm Thương mại đạt quy mô tiêu chuẩn loại II và 01 Trung tâm tổ chức tổ chức hội chợ triển lãm; 12 siêu thị (2 siêu thị hạng II, 10 siêu thị hạng III), tổng diện tích đất xây dựng của hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh trên 18.000 m2.

Phát triển kết cấu hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, hệ thống kho vận, hệ thống logistics..: Quy hoạch Khu Kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2012-2016 có tổng diện tích là 7.972 ha; công tác xây dựng, phát triển mở rộng khu kinh tế cửa khẩu đang tiếp tục triển khai, đến nay Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, với diện tích gần 16 nghìn ha, được TTCP phê duyệt tại Quyết định số 1627/QĐ-TTg  ngày 23/11/2018.

Về hạ tầng, tập trung xây dựng bốn cụm kinh tế trọng điểm, bao gồm trung tâm quản lý cửa khẩu, một khu thương mại và hai cụm công nghiệp chế xuất phụ trợ; điều chỉnh quy hoạch, di chuyển toàn bộ khu hành chính hiện tại về khu đô thị mới, dành không gian cho phát triển kinh tế cửa khẩu. Xây dựng khu nhà liên hợp với các trang thiết bị bảo đảm thực hiện tốt chức năng. Xây dựng cảng cạn nội địa ICD Phố Mới, kết nối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội, bảo đảm khả năng thông quan hàng hóa đạt công suất từ 130 nghìn đến 300 nghìn TEU/năm, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng. Xây dựng hai cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải diện tích 304 ha và Ðông Phố Mới diện tích 146 ha, hình thành khu công nghiệp tập trung, phát triển công nghiệp sạch, gia công, tái chế hàng xuất khẩu, kho trung chuyển hàng hóa. Ðiểm nhấn trong hợp tác phát triển kinh tế cửa khẩu là hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc) đã ký kết Ðề án Khu hợp tác kinh tế Lào Cai, Việt Nam - Hồng Hà (Trung Quốc). Hiện nay hai bên đang tích cực thúc đẩy xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc).

Phát triển các khu, điểm du lịch, trung tâm vui chơi, giải trí: Tập trung đầu tư xây các tuyến đường du lịch thuộc huyện Sa Pa, Bắc Hà, địa bàn có tiềm năng về du lịch. Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất chuyên ngành du lịch của tỉnh đã được củng cố, bao gồm: 12 tuyến, 18 điểm du lịch địa phương/cộng đồng; 1.310 cơ sở lưu trú...; xây dựng mới và nâng cấp hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn giao thông đến các điểm du lịch; xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các khu, tuyến, điểm và đô thị du lịch; mở rộng không gian du lịch ra một số địa phương như Bảo Yên, Mường Khương, Văn Bàn, Bát Xát... Đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, khu thương mại dịch vụ; khu du lịch (Hàm Rồng, Cát Cát...), khu di tích lịch sử văn hóa (Đền Bảo Hà, Đền Phúc Khánh, Đền Cô Tân An...) khảo sát các tuyến du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, gắn với các di tích lịch sử văn hóa...

Tuy được quan tâm đầu tư phát triển nhưng do xuất phát điểm thấp, nguồn vốn còn rất hạn chế so với nhu cầu, chưa đủ điều kiện để đầu tư tập trung nên hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế của tỉnh nhìn chung còn kém so với cả nước cả về tính hệ thống, chất lượng, hiện đại, trang thiết bị, quản lý, vận hành...

 Giai đoạn 2021 - 2025, dự báo kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định; tình hình chính trị, xã hội ổn định, vị trí địa kinh tế và môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được cải thiện, tiềm năng, thế mạnh được khai thác hiệu quả... là những điều kiện quan trọng để thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong giai đoạn tới. Tỉnh đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng là lĩnh vực đột phá; sẽ tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế theo hướng đồng bộ, hiện đại… làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển; tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, phấn đấu tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.

Trịnh Xuân Quyết
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn