Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
        Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục là nhiệm vụ quan trọng nhằm từng bước ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tăng cường đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền phù hợp với thực tế của từng địa phương, từng đối tượng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú về hệ lụy xấu của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 

Đã triển khai ký cam kết việc thực hiện công tác phòng, chống tảo hônhôn nhân cận huyết thống đối với chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; ký cam kết với ông mai, bà mối, thầy mo, thầy cúng, các thôn, bản không xem ngày cưới, không tham gia tổ chức cho các cặp nam - nữ chưa đủ tuổi về ở với nhau như vợ chồng, không hôn nhân cận huyết thống; hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật các cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về dân số, hôn nhân, gia đình; đưa nội dung phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào hương ước, quy ước thôn bản để tổ chức thực hiện. Cùng với đó, các đơn vị trường học trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh đã chủ động đưa nội dung giáo dục giới tính, Luật hôn nhân và Gia đình, hậu quả của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống lồng ghép vào các môn học, các buổi sinh hoạt chuyên đề, chào cờ và trong buổi sinh hoạt chi đoàn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho học sinh, từ đó lan tỏa trong các gia đình và trong cộng đồng dân cư.

Các cấp chính quyền đã nêu cao trách nhiệm trong thực hiện quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; đưa mục tiêu, nhiệm vụ về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào chương trình, kế hoạch hoạt động của chính quyền; xây dựng, đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, thực hiện đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh theo đúng quy định và bảo đảm thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em… với thực hiện hương ước, quy ước thôn bản, tiêu chuẩn gia đình văn hóa, làng bản văn hóa. Hàng tháng, đều tổng hợp báo cáo tình hình và công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và chấp hành chính sách pháp luật về hôn nhân, gia đình; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện xử lý các hành vi, vi phạm liên quan đến phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tăng cường nắm tình hình cơ sở, tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở thông qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân chấp hành pháp luật thông qua các buổi sinh hoạt, hội nghị tuyên vận, qua tiếp xúc, đối thoại, các buổi họp thôn... Phối hợp và giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh tại cơ sở; phát hiện và tổ chức tuyên truyền, vận động các gia đình có dấu hiệu tổ chức tảo hôn; xử lý vi phạm đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các hộ gia đình cho con, em tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống theo quy định của pháp luật và quy ước, hương ước thôn bản. Một số xã đã chủ động phối hợp tốt trong việc thông tin cho nhau khi người dân của xã này có dấu hiệu tảo hôn liên quan đến người dân của xã kia; để cùng nhau vào cuộc ngăn chặn, tuyên truyền, vận động không tảo hôn.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành phối hợp triển khai xây dựng các “Mô hình điểm” về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại 05 xã của các huyện, thị xã, thành phố.  Ngoài ra, còn phối hợp xây dựng và phát huy có hiệu quả các “Mô hình điểm” khác như: “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”; câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”; câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; đội tuyên truyền “Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; câu lạc bộ “Không cưới tảo hôn”; “Dòng họ tự quản - họ Châu”; diễn đàn “Thanh niên với vấn đề tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên”; mô hình “Ông mai, bà mối” tại một số xã của huyện Bát Xát, huyện Bảo Thắng, huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương... Thông qua hoạt động tại các “Mô hình điểm” đã giúp cho các hội viên được chia sẻ, giao lưu, tham gia học hỏi những kinh nghiệm hay để tuyên truyền, vận động nhân dân về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, qua đó nâng cao nhận thức trách nhiệm trong việc thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Tăng cường quản lý và xử lý vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thông qua việc quản lý chặt chẽ nhân khẩu trên địa bàn, kịp thời phát hiện các cặp chưa đủ tuổi kết hôn về chung sống với nhau như vợ chồng, từ đó có các biện pháp tuyên truyền, vận động và xử lý theo quy định của pháp luật. Trong thời gian qua, với các biện pháp cụ thể, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, phát hiện và xử lý 318 vụ, trong đó 313 vụ liên quan đến tảo hôn, 05 vụ liên quan đến hôn nhân cận huyết thống, xử lý hình sự 3 vụ về giao cấu với trẻ em (Mường Khương 02 vụ, Si Ma Cai 01 vụ). Tổ chức xét xử lưu động 53 vụ án liên quan đến hôn nhân và gia đình, trong đó có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...; đồng thời xây dựng các phiên tòa giả định tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Si Ma Cai với các chủ đề “Nhà trường, học sinh với phòng chống bạo lực học đường”, “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xâm hại tình dục trẻ em”, thông qua việc xét xử lưu động và các phiên tòa giả định đã có tác dụng lớn trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là Luật hôn nhân và gia đình.

Xác định nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao dân trí cho Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp căn bản để đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã quan tâm dành 60 - 65% nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc. Nhiều chương trình, dự án dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ; chính sách đối với người uy tín; Quyết định 2085/QĐ-TTg, Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được triển khai đạt hiệu quả, đến nay đời sống kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự chuyển biến tích cực

Qua 03 năm thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU ngày 30/10/2017 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai Các cấp, các ngành, các địa phương đã kịp thời phát hiện, tổ chức tuyên truyền, vận động ngăn chặn được 659 người có ý định tảo hôn. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh chỉ đạo, xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện. Công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được triển khai thường xuyên gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại các địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dân số và nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn./.

Đào Anh Tuấn
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn