Phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho hợp tác xã
Với khát vọng xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại của Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc; Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu: đến năm 2025 Lào Cai tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng Trung du, Miền núi phía Bắc, năm 2030 Lào Cai trở thành tỉnh khá của cả nước, năm 2045 là tỉnh phát triển của cả nước. Để phấn đấu đạt được mục tiêu này, tỉnh Lào Cai lựa chọn 7 nhiệm vụ trọng tâm và 2 lĩnh vực đột phá, đó là đột phá về kết cấu hạ tầng (trong đó có đột phá về hạ tầng thông tin, viễn thông, hạ tầng số) và đột phá về phát triển du lịch.

Việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế số góp phần thực hiện thành công 2 lĩnh vực đột phá, 7 nhiệm vụ trọng tâm trọng phát triển kinh tế - xã hội trong đó việc thúc đẩy chuyển đổi số cho hợp tác xã cũng là một nhiệm vụ được tỉnh chú trọng quan tâm trong chiến lược phát triển nền kinh tế số của tỉnh.

Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã còn nhiều hạn chế; Hầu hết các hợp tác xã đang hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Hoạt động hợp tác xã quy mô còn nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất kinh doanh truyền thống. Năng lực tài chính yếu nên khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Năng lực, trình độ của cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật còn rất hạn chế. Lực lượng lao động, thành viên của hợp tác xã nhìn chung thiếu kỹ năng cơ bản trong quá trình làm việc, thiếu kỹ năng phục vụ quá trình chuyển đổi số như tiếp cận thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin…Kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin của hợp tác xã còn lạc hậu, nhiều hợp tác xã chưa có máy tính, thiết bị kết nối mạng.

Xác định mục tiêu của giai đoạn tới là phát triển công nghệ thông tin chuyển đổi số hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, tạo động lực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Với một số chỉ tiêu chủ yếu: Đường internet cáp quang được kéo đến từng hộ gia đình ở những nơi có điều kiện; đa số người dân đều có điện thoại thông minh.  Trên 80% thủ tục hành chính được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia đối với các dịch vụ thiết yếu. 100% các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố xem được truyền hình Lào Cai, nghe được phát thanh Lào Cai và đọc được báo Lào Cai trên thiết bị thông minh.

Như vậy, chuyển đổi số hợp tác xã trong thời gian tới là tất yếu nếu chúng ta muốn có những bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Để chuyển đổi số thành công, cần phải có sự đầu tư nguồn lực, quyết tâm thực hiện của tất cả các thành phần trong xã hội, đặc biệt phải khắc phục ngay được những hạn chế hiện nay. Để đạt được những mục tiêu chủ yếu nêu trên, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, Tập trung tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức về quá trình chuyển đổi số trong phát triển hợp tác xã cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác các cấp; cán bộ chủ chốt, thành viên của Hợp tác xã. Tổ chức các chuyên đề, hội thảo về chuyển đổi số; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình hợp tác xã trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công. Thường xuyên thông tin, truyền thông, tuyên truyền, quảng bá về các hoạt động và nội dung của chuyển đổi số doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua mạng internet nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp.

Hai là, xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn chuyển đổi số và môi trường số; phát triển, vận hành Cổng thông tin, ứng dụng điện thoại thông minh của Chương trình nhằm tạo môi trường số triển khai các hoạt động, tăng cường tương tác giữa các đối tượng của Chương trình trên môi trường số; xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn dùng chung.

Ba là, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh; xây dựng và tổ chức triển khai các khóa đào tạo, đặc biệt các bài giảng trực tuyến mở trên môi trường số; hỗ trợ đào tạo tại cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến (do đây là nhóm đối tượng trong lĩnh vực ưu tiên, có các nghiệp vụ chuyển đổi số phức tạp hơn các cơ sở sản xuất kinh doanh lĩnh vực khác như thương mại, dịch vụ).

Bốn là, Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký và sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số; Xây dựng tài liệu, ấn phẩm truyền thông về chuyển đổi số doanh nghiệp. Phát triển hạ tầng số, hạ tầng cáp quang băng rộng, dịch vụ Internet cáp quang băng rộng đến khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã phục vụ triển khai các ứng dụng số; Kết nối, lựa chọn các nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; Thúc đẩy chuyển đối số, ứng dụng công nghệ số vào toàn bộ quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất.

Năm là, thực hiện mô hình điểm và chính sách hỗ trợ mô hình điểm cho doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi số.

Trịnh Xuân Quyết – Phòng Tổng hợp
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn