Ngành Y tế quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn tới
       Trong thời gian qua, bằng sự quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo, ngành Y tế đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổ chức bộ máy cơ bản được sắp xếp hợp lý, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; Cơ sở vật chất được tăng cường: Xây mới và đưa vào hoạt động Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện đa khoa Thành phố Lào Cai. Nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa các huyện: Bảo Thắng, Bát Xát, Si Ma Cai, Văn Bàn; Cải tạo, nâng cấp, xây mới các trạm y tế đã xuống cấp. Trang thiết bị y tế tiếp tục được bổ sung đồng bộ, từng bước hiện đại; thực hiện lộ trình tự chủ chi thường xuyên bệnh viện; diện bao phủ Bảo hiểm y tế năm 2020 là trên 98% dân số. Triển khai có hiệu quả hoạt động chuyển giao kỹ thuật, công nghệ từ các Bệnh viện Trung ương thông qua Đề án Bệnh viện vệ tinh (Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương; Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội,…). Chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh và phòng bệnh. Công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên, hiệu quả; chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch, không để hậu quả nghiêm trọng xảy ra, khống chế kịp thời dịch bệnh Covid-19 với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Tăng cường quản lý nhà nước đối với hành nghề y, dược, y học cổ truyền; bảo đảm đủ thuốc cho phòng bệnh và chữa bệnh. Đạo đức, phong cách, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế tiếp tục được nâng cao (qua khảo sát, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với y tế đạt trên 80%).

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, ngành Y tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Cơ sở vật chất một số đơn vị, nhất là các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế tuyến huyện còn chưa đáp ứng với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh còn hạn chế, các dịch vụ kỹ thuật cao và chuyên sâu thực hiện chưa được nhiều dẫn đến tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên còn cao; Việc thanh quyết toán bảo hiểm y tế còn nhiều vướng mắc. Chưa phát huy được lợi thế về y, dược cổ truyền, dược liệu của tỉnh. Cơ chế hoạt động chưa đổi mới mạnh mẽ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai đề án tự chủ tài chính của các bệnh viện công lập. Công tác dân số, chất lượng dân số chưa cao (tỷ lệ sinh con trong độ tuổi vị thành niên, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi chết còn cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…), một số chỉ tiêu còn thấp hơn so với các tỉnh trong vùng và cả nước (tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi thể thấp còi còn cao; tầm vóc thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số chậm được cải thiện; tuổi thọ trung bình và số năm sống khoẻ…).

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế; thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, trong thời gian tới, ngàng Y tế cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể:

Bám sát sự phát triển của tỉnh, các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Đề án số 07-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số tỉnh Lào Cai trong tình hình mới, giai đoạn 2020 – 2025, xây dựng kế hoạch hàng năm, 5 năm triển khai thực hiện; Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác và đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được giao.  Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn trong toàn ngành Y tế. Chủ động nghiên cứu, tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực Y tế trong giai đoạn tới. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành (Bệnh án điện tử, Hồ sơ sức khỏe cá nhân, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt…). Nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm kết nối liên thông dữ liệu (dữ liệu hành chính, dữ liệu chuyên môn...) giữa các đơn vị trực thuộc với Sở Y tế và Bộ Y tế; hình thành mạng lưới thông tin ngành Y tế đồng bộ, thông suốt góp phần phục vụ người dân và công tác quản lý, chỉ đạo điều hành.

Củng cố hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Triển khai đồng bộ các phương án, kế hoạch bảo đảm phòng, chống các bệnh lây nhiễm. Khuyến khích phát triển cơ sở y tế dự phòng ngoài công lập tại khu vực đô thị (thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai,...). Phối hợp các lực lượng, thực hiện tốt chương trình kết hợp quân dân y. Thường xuyên, chủ động cập nhật diễn biến và tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước tình hình dịch bệnh Covid-19; tiếp tục tập trung thực hiện các phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19.

     Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tăng cường năng lực hệ thống khám chữa bệnh, phục hồi chức năng ở tuyến tỉnh, tuyến huyện để người dân được thuận tiện tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Bảo đảm tính hệ thống và tính liên tục giữa các tuyến điều trị và sự phát triển cân đối, hợp lý giữa các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa; khuyến khích phát triển y học cổ truyền. Duy trì, phát triển các bệnh viện vệ tinh, có sự hỗ trợ, tương tác về chuyên môn nghiệp vụ giữa các tuyến; tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, tiến tới bảo đảm chất lượng từng dịch vụ kỹ thuật đồng đều giữa các tuyến. Phát triển đồng bộ, tạo môi trường bình đẳng giữa các cơ sở khám, chữa bệnh công và tư. Đẩy mạnh xã hội hoá, hợp tác công – tư, nghiên cứu triển khai các mô hình khám chữa bệnh chất lượng cao theo yêu cầu như: Bác sỹ gia đình; du lịch chữa bệnh, điều dưỡng kết hợp nghỉ dưỡng…

Tăng cường Truyền thông, vận động thực hiện công tác dân số trong tình hình mới. Tổ chức hiệu quả chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ Sức khỏe sinh sản/Kế hoạch hóa gia đình; truyền thông tăng cường tại những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngăn ngừa và tiến tới loại bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đẩy mạnh các dịch vụ chăm sóc, nâng cao chất lượng giống nòi: Tư vấn, giáo dục dân số, giới tính, sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình cho thanh niên, vị thành niên; mở rộng dịch vụ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của hệ thống chính trị, toàn xã hội về chăm sóc, nâng cao sức khoẻ; tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Lào Cai. Quan tâm bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân ở vùng nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa; Tăng cường công tác y tế học đường, triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng xấu từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu tới sức khoẻ. Đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, thể thao; xây dựng nếp sống văn minh, lối sống lành mạnh, hợp vệ sinh.

Bảo đảm thuốc đủ, có chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng của các cơ sở y tế và người bệnh; bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả. Khuyến khích phát triển cơ sở  nghiên cứu, sản xuất, chế biến thuốc cổ truyền. Khuyến khích phát triển, mở rộng quy mô hệ thống cơ sở sản xuất, kinh doanh dược trên địa bàn. Ngành Y tế chủ trì phối hợp với ngành Nông nghiệp và các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai chương trình phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Củng cố, nâng cao năng lực trong quản lý, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện tốt công tác phối hợp tốt giữa các ngành liên quan với các cấp uỷ, chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Tăng cường truyền thông về an toàn thực phẩm với nhiều hình thức phù hợp với từng vùng, dân tộc; kết hợp giữa truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng với truyền thông trực tiếp tại cộng đồng.

 Tiếp tục phát triển hệ thống y tế từ tuyến tỉnh tới cơ sở; mở rộng quy mô các Bệnh viện tuyến tỉnh theo hướng có các trung tâm trực thuộc, các trung tâm kỹ thuật cao. Nâng cao chất lượng hoạt động của các trạm y tế xã, phường, thị trấn, các phòng khám đa khoa khu vực bảo đảm công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân. Đầu tư hoàn thành Bệnh viện Đa khoa tỉnh giai đoạn II, Bệnh viện đa khoa các huyện: Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà, các trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, trạm y tế đã xuống cấp. Các bệnh viện xây dựng mới phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tăng cường liên kết đào tạo với các Trường Đại học; đào tạo theo địa chỉ đặt hàng; triển khai tư vấn, phân luồng, định hướng học sinh PTTH để phát triển nhân lực ngành y tế; nghiên cứu cơ chế, chính sách tuyển dụng nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu theo tuyến chuyên môn, theo chức năng nhiệm vụ. Ưu tiên nhân lực y tế tuyến xã, các bệnh viện tuyến huyện và đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ y tế tuyến tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn kỹ thuật giỏi, trách nhiệm cao, có phong cách và tinh thần thái độ phục vụ tốt, có năng lực trong công tác tham mưu, quản lý, góp phần phát triển ngành y tế Lào Cai bền vững.

Đỗ Quang Thắng
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn