Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp
       Một trong những phương diện lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề dân chủ. Trong đó, quan điểm của Bác về việc bầu cử đại biểu đại diện cho nhân dân ở hai cơ quan: Quốc hội và Hội đồng quan trọng chiếm vị trí rất quan trọng. Nghiên cứu tư tưởng của Người về công tác bầu cử là một trong những cơ sở để thực hiện tốt công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
 

Đồng chí Vũ Xuân Cường – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại huyện Văn Bàn

Như chúng ta đã biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước. Ngay từ thơ bé, tư tưởng trọng dân, vì dân của đạo Nho đã thấm vào Người qua những bài học chữ Hán cùng cha: “Dân vi quý, Quân vi khinh” (Dân là vốn quý, vua là thứ yếu), hay “dĩ dân vi bản” (lấy dân làm gốc)... Lớn lên, khi vào học trường Quốc học Huế, Người cũng đã bắt đầu được tiếp xúc với nền giáo dục phương Tây qua cách giáo dục của thực dân của Pháp. Mặc dù thực dân pháp cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất những tư tưởng tự do dân chủ cho học sinh thuộc địa nhưng những thấp thoáng đâu đó là những khía cạnh về dân chủ của Montesquieu, Jean-Jacques Rousseau...  những nhà Khai sáng vĩ đại Pháp. Bác kể lại rằng: Khi thôi học ở trường Quốc học Huế, vào miền Nam khi nghe những từ: Tự do, Bình đẳng, Bác ái của khẩu hiệu Cách mạng tư sản Pháp, Bác muốn tìm hiểu ý nghĩa của những chữ ấy là gì. Khát khao độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc đã thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Sau hơn 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn bể, Bác đã tìm thấy con đường đưa đất nước đến độc lập, nhân dân đến Tự do. Cách mạng tháng tám năm 1945 đã đập tan xiềng xích 80 năm nô lệ, đập nát gông cùm của chế độ phong kiến mấy nghìn năm khoác lên đầu, lên cổ cuiar nhân dân ta. Tư tưởng trọng dân, gần dân, vì dân, lấy dân làm gốc của nho giáo đã được Bác đem đến nội hàm mới của thời đại dân chủ nhân dân, đó là: Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân; mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân; quyền lực chính trị thuộc về nhân dân và phục vụ cho lợi ích của nhân dân, v.v. Người cho rằng nhân dân đã “ủy thác” một phần quyền lực của mình cho nhà nước. Như vậy mọi quyền lực của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, từ Chủ tịch nước đến cán bộ xã đều do nhân dân “ủy thác”; khi hết nhiệm kỳ, Chính phủ sẽ phải trao lại quyền cho nhân dân và nhân dân sẽ “tuyển cử” để trao quyền cho một Chính phủ ở nhiệm kỳ mới do dân bầu ra.

Ngay sau khi Chính quyền Cách mạng ra đời, Ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba đình. Nhà nước lâm thời còn non trẻ đã phải đối mặt với thù trong giặc ngoài nhằm lật đổ chính quyền cách mạng. Trước tình hình đó, Bác Hồ và Đảng ta đã quyết tâm tổ chức Tổng uyển cử trong cả nước để nhân dân bầu ra Quốc hội, chính phủ. Đó là Nhà nước do nhân dân lựa chọn, làm ra Hiến pháp, thành lập chính phủ và hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương của nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ. Ngay phiên họp đầu tiên Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, tức là su 1 ngày tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị: “Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái từ mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...” Việc người dân cầm lá phiếu bầu ra người đại diện cho mình, thành lập chính phủ và chính quyền các cấp là sự thể hiện cao nhất quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời nó còn một ý nghĩa quan trọng, đó là: Đưa người dân từ vị trí nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Theo Người: bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân là một cuộc vận động chính trị quan trọng, nhằm phát huy vai trò làm chủ thật sự của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Một tuần sau phiên họp chính Phủ lâm thời đầu tiên,  ngày 08-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lầm thời ký sắc lệnh số 14 về việc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Sắc lệnh nêu rõ: Nhân dân Việt Nam do quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ cộng hòa. Trong tình thế hiện giờ, sự triệu tập quốc dân đại hội là rất cần thiết để cho toàn dân tham gia vào công cuộc củng cố nền độc lập chống ngoại xâm. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”. Bác khẳng định rõ “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết… Trong tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân chia trai, gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”. Ngày 5/1/1945 trước 1 ngày diễn ra Tổng tuyển cử đầu tiên, Hồ Chí Minh kêu gọi: “Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình... mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”. Đáp lại đề nghị đại diện các làng xã ở Hà Nội, suy tôn Hồ Chíí Minh là Chủ tịch nước vĩnh viễn, Bác đã khước từ đề nghị đó và đã trả lời: “Tôi rất cảm động được đồng bào quá yêu mà đề nghị: tôi không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi khắc cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tôi không thể vượt qua khỏi thể lệ của Cuộc Tổng tuyển cử đã định”. Những lời nói ấy, phản ánh rất trung thực tư tưởng của Hồ Chí Minh về bầu cử, ứng cử là những quyền quan trọng nhất của thực hành dân chủ. Bác đã được bầu trúng cử đại biểu Quốc hội với 98,4% số phiếu cùng với 403 đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên. Việc tổ chức Tổng tuyển cử năm 1945 là một quyết định táo bạo, dũng cảm, đúng đắn và hơn hết nó thể hiện quyết liệt tư tưởng trao quyền dân chủ cho nhân dân của Hồ Chí Minh.

 Hiện nay, cùng với cả nước, tỉnh Lào Cai đang hoàn thành những khâu cuối chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5/2021. Việc ôn lại, học tập những tư tưởng của Hồ Chí Minh về dân chủ về việc bầu cử có một ý nghĩa vô cùng to lớn mang tính thực tiễn sâu sắc. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, tỉnh Lào Cai luôn thực hiện đúng các quy trình của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 144/QĐ-UBND về việc thành lập ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tổng số 31 thành viên, do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch ủy ban bầu cử tỉnh, các Phó chủ tịch và các thành viên khác của ủy ban bầu cử tỉnh gồm đại diện Thường trực HĐND, UBND, ƯBMTTQVN, Sở, Ban, Ngành có liên quan ở tỉnh. Việc thành lập ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở tỉnh; ủy ban bầu cử đại biểu HĐND các huyện, thị xã, thành phố; ủy ban bầu cử đại biểu HĐND ở các các xã, phường, thị trấn đều được triển khai thực hiện đảm bảo đúng lịch thời gian quy định của pháp luật. Đồng thời tỉnh đã chỉ đạo thành lập các ban chỉ đạo bầu cử, cùng các tiểu ban, các tổ giúp việc ở các cấp; thanh lập các Ban bầu cử tại 2  đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội và 14 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Tiến hành tổ chức Hội nghị hiệp thương lần 1 và lần 2 đúng thời gian quy định. Công tác thông tin ttuyên truyền, nhận hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được thực hiện nghiêm túc dân chủ đúng pháp luật.

         76 năm đã trôi qua,  những tư tưởng về dân chủ về trao quyền quyết định cho nhân dân thông qua việc người dân cầm lá phiếu đi bầu ra cơ quan nhà nước các cấp vẫn còn nguyên giá trị. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được tiến hành một cách dân chủ, chặt chẽ, đúng Luật, đúng quy trình. Ngày bầu cử  thực sự là ngày hội của nhân dân, phát huy quyền và nghĩa vụ công dân trong việc lựa chọn ra những đại biểu ưu tú, xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân để đất nước, xây dựng Nhà của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Ngô Hữu Quyền – Phó Ban Dân tộc, HĐND tỉnh
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn