Bát Xát tập trung lãnh chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao
Với các tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, cửa khẩu, khoáng sản, du lịch và biên giới; trong những năm qua, đặc biệt là năm 2020 và 03 tháng đầu năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh nhưng với tinh thần chủ động, đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm cao Huyện ủy Bát Xát đã bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy để tập trung lãnh chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. 

Tình hình kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ổn định; sản xuất nông, lâm nghiệp đảm bảo tiến độ; chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ vẫn duy trì được tốc độ phát triển. Quản lý tài nguyên đất đai, quy hoạch đã được chỉnh đốn và bước đầu đi vào nền nếp. Công tác y tế chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng, chống dịch bệnh được đảm bảo; giáo dục đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác đối ngoại đã có chủ động, duy trì mối quan hệ láng giềng, hữu nghị với các huyện Kim Bình và Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; đường biên, mốc giới của Quốc gia được bảo vệ tốt. Quốc phòng được đảm bảo, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trong thời gian tới Huyện ủy Bát Xát tập trung, chủ động, sáng tạo, sát sao, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI, Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIII nhiệm kỳ 2020-2025. Triển khai. Phát huy tối đa các lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để quy hoạch, đầu tư phát triển các loại cây trồng phù hợp gắn với liên kết vùng, ngành/lĩnh vực. Đẩy mạnh việc chuyên đổi đất trồng ngô và cây trồng kém hiệu quả khác sang các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao; phát triển vùng cây trồng chủ lực, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đủ cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho thị trường và công nghiệp chế biến; phát huy thế mạnh về sản xuất rau an toàn, rau trái vụ. Tiếp tục kêu gọi, thu hút nhà đầu tư đến khảo sát xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm chủ lực của địa phương, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Nghiên cứu, đầu tư vườn ươm cây giống nông nghiệp, chủ động sản xuất giống đạt tiêu chuẩn chất lượng (giống cây ăn quả, cây dược liệu, rau hoa, chè, cây lâm nghiệp…), đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất. Quan tâm đến công tác quản lý chất lượng giống lúa đặc sản của huyện, chủ động lưu giữ, chọn lọc, tiến tới tự sản xuất giống. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình chăn nuôi lợn hàng hóa (đặc biệt là lợn đen bản địa), ngựa hàng hóa; chú trọng phòng dịch cho vật nuôi. Khai thác bền vững nguồn nước lạnh ở các xã vùng cao để phát triển, mở rộng mô hình nuôi cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao (cá Tầm, cá Hồi…). Tiếp tục thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển rừng; rà soát, quy hoạch phân định ranh giới các loại rừng, quy chủ quản lý; hỗ trợ nhân dân trồng, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng; tạo nguồn sinh thủy, gắn phát triển lâm nghiệp với dịch vụ, du lịch. Trồng rừng sản xuất theo hướng trồng cây gỗ lớn kết hợp với cây lâm sản ngoài gỗ đặc thù của địa phương, gắn với chế biến để nâng cao giá trị kinh tế, tăng tỷ lệ che phủ rừng, tạo cảnh quan thu hút, phát triển du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đặc biệt ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; phát huy sự chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở, khơi thông nguồn lực, quyết tâm xây dựng nông thôn mới đem lại lợi ích thiết thực, cải thiện đời sống cho nhân dân; giảm dần sự chênh lệch phát triển giữa các xã vùng thấp và vùng cao. Ưu tiên sắp xếp dân cư xen ghép, theo quy hoạch, gắn với đất sản xuất và hệ thống kết nối giao thông, công trình hạ tầng. Quy hoạch các điểm sắp xếp dân cư nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hạn chế người người dân ở phân tán gây khó khăn cho đầu tư phát triển hạ tầng.

Tập trung đầu tư, phát triển tiềm năng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá của huyện. Phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc của huyện; với gìn giữ cảnh sắc thiên nhiên, bảo vệ rừng tự nhiên hiện có. Tiếp tục nghiên cứu mở rộng không gian quy hoạch khu du lịch Y Tý (A Lù, Ngải Thầu cũ…); quy hoạch, định hướng đầu tư phát triển khu du lịch tâm linh Trịnh Tường - Lũng Pô tầm cỡ quốc gia; mở rộng kết nối du lịch với các địa phương khác như Sa Pa, Bắc Hà, thành phố Lào Cai; hợp tác trong nước và quốc tế. Tập trung khai thác lợi thế phát triển thương mại, dịch vụ tại khu kinh tế cửa khẩu. Chủ động xây dựng kịch bản, tính toán, dự báo nhu cầu phát triển tại khu du lịch Y Tý và khu kinh tế cửa khẩu để chủ động về quy mô, đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội thời điểm hiện tại và trong tương lai khi khu du lịch Y Tý, khu kinh tế cửa khẩu Kim Thành - Bản Vược hoàn thành, đi vào hoạt động. Thương mại, dịch vụ đóng vai trò hỗ trợ để các ngành như nông nghiệp, du lịch, công nghiệp phát triển. Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển dịch vụ cửa khẩu bao gồm logistic, lưu trú...

Tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghiệp sạch với dây chuyền công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường đến từ các công ty, tập đoàn lớn trong nước, quốc tế; quan tâm quy hoạch các khu công nghiệp để bố trí, sắp xếp các nhà máy đúng ví trí quy hoạch, thuận lợi cho quản lý, xử lý môi trường và sử dụng hiệu quả các công trình hạ tầng. Hỗ trợ phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp địa phương gắn với hỗ trợ khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống (Thổ cẩm, Đan lát người Hà Nhì, Chạm Bạc…); xây dựng và giữ được thương hiệu các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp (rượu Shan Lùng, Miến Đao…), sản xuất với số lượng đủ lớn để cung cấp ra thị trường.

Tiếp tục nghiên cứu, mở rộng quy hoạch Khu du lịch Y Tý ra các vùng lân cận như A Lù, Ngải Thầu để tận dụng lợi thế về không gian, cảnh quan, thuận lợi cho phát triển du lịch trong tương lai. Mở rộng quy hoạch thị trấn Bát Xát dọc theo sông hồng ngược lên các xã Bản Qua, Bản Vược, Cốc Mỳ, Trịnh Tường; trước mắt nghiên cứu, đề xuất mở tuyến đường mới ven sông Hồng nối thị trấn Bát Xát, Bản Vược, Cốc Mỳ, Trịnh Tường tạo liên kết không gian cho thị trấn Bát Xát. Quy hoạch đô thị của Bát Xát cũng cần có sự nhất quán với chiến lược, quy hoạch phát triển chung của tỉnh. Đẩy mạnh việc thực hiện quy hoạch đất ở nông thôn, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các hộ làm nhà trên đất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ưu tiên đầu tư đồng bộ hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện Bát Xát, bảo đảm kết nối du lịch, cửa khẩu như: Bản Vược - A Mú Sung; A Mú Sung - A Lù; Trịnh Tường - Y Tý; nghiên cứu phương án nâng cấp thành đường Quốc lộ đối với đường Tỉnh lộ 158 để kết nối từ xã Sàng Ma Sáo - huyện Bát Xát với tỉnh Lai Châu. Tiếp tục triển khai, thực hiện tốt công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; huy động tối đa nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách; có các giải pháp cụ thể để huy động nguồn lực trong nhân dân tham gia đầu tư phát triển sản xuất. Rà soát quỹ đất (khu vực thị trấn Bát Xát, trung tâm Bản Vược, Trịnh Tường, Y Tý…) để khai thác tạo nguồn thu ngân sách từ đất.

        Tiếp tục xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của huyện nhằm nâng cao sức khỏe, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận (Lễ hội Gạ Ma Gio, Lễ hội Khô già già, Lễ cúng của người Dao Đỏ…), bảo tồn các di sản văn hóa còn lưu giữ trong cộng đồng (Ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả, Đền mẫu Trịnh Tường, Văn hóa dân tộc Hà Nhì…). Duy trì và nâng cao tiêu chí phổ cập giáo dục các cấp học. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe nhân dân, duy trì các xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế.

Nắm chắc tình hình, quản lý, bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở, xuất nhập khẩu, giữ gìn an ninh, trật tự vùng biên giới. Chủ động thực hiện tốt quan hệ hợp tác hữu nghị với huyện Hà Khẩu, Kim Bình trong hòa bình hữu nghị; duy trì đối ngoại đảng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân và phát triển kinh tế biên giới. Nâng cao năng lực lãnh đạo điều hành của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Làm tốt công tác phát triển đảng đặc biệt tại các xã vùng cao, trong các trường trung học phổ thông. Tăng cường kiểm tra giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi, những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm. Thực hiện sắp xếp, kiện toàn, đẩy mạnh kỷ cương, kỷ luật, dân chủ trong Đảng tạo niềm tin, đồng thuận trong đội ngũ đảng viên và nhân dân./.

Đào Anh Tuấn
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn