Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai
     Trong những năm qua Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã luôn quan tâm chỉ đạo sát sao, linh hoạt đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tại các địa phương trong tỉnh đã có sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện sáng tạo, đa dạng, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để phát triển văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa từ cấp tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng đã tạo điều kiện cho việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch lớn quy mô khu vực, toàn quốc và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Công tác trùng tu tôn tạo bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể được tăng cường, quan tâm. Tỉnh đã thực hiện trùng tu, tôn tạo nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hóa như: Đền Trung Đô xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà), Đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên), Đền Mẫu Sơn (huyện Sa Pa), Đền Chiềng Ken (huyện Văn Bàn), di tích chiến thắng Đồn Phố Lu (huyện Bảo Thắng); Di tích lịch sử văn hóa Đền Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà; tu bổ di tích đền Mẫu Lào Cai, đền Mẫu Trịnh Tường (huyện Bát Xát), đền Nghĩa Đô, đền Long Khánh (huyện Bảo Yên), đền Mẫu Simaicai (huyện Si Ma Cai). Công tác trùng tu, tôn tạo đảm bảo yêu cầu về cảnh quan, sinh thái. Công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích sau khi trùng tu, tôn tạo được quan tâm thực hiện triển khai phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó góp phần vào quá trình thu hút du khách đến với các di tích, nhiều di tích lịch sử văn hóa đã trở thành các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh đặc sắc của tỉnh. Sưu tầm hơn 300 hiện vật gồm các di vật, hiện vật về lịch sử, trang phục, đồ trang sức truyền thống, công cụ sản xuất, nhạc cụ và công cụ trong hoạt động tín ngưỡng của các người Bố Y, Pa Dí, Xá Phó, La Chí, Hà Nhì... phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ và trưng bày, quảng bá về lịch sử, văn hóa, tự nhiên tại Bảo tàng tỉnh.

Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể tiếp tục được triển khai thực hiện thường xuyên; Tỉnh đã hoàn thành việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tại 500 làng, bản, góp phần nhận diện các di sản văn hóa có giá trị để phục vụ cho việc lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và thế giới. hoàn thành việc lập hồ sơ của 16 di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 01 hồ sơ được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Nghi lễ và trò chơi kéo co” Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thông qua các nghi lễ truyền thống như: Nghi lễ Quét làng đầu năm của người Xá Phó, Lễ Quét làng dân tộc Bố Y, Lễ hội Xuống đồng của dân tộc Tày, Tết Cơm mới dân tộc Giáy, Lễ Cầu thọ “Ta pao phù” của người Bố Y, Lễ hội cúng rừng của người Pa Dí (huyện Mường Khương); Lễ hội cúng rừng dân tộc Dao, Hà Nhì (huyện Bát Xát), Lễ Khoi Kìm (cúng rừng) của người Dao đỏ tỉnh Lào Cai. Sưu tầm, bảo tồn văn hóa phi vật thể của các dân tộc có nguy cơ mai một cao như: Người Mông đen tỉnh Lào Cai; người Thu Lao, người Nùng Dín huyện Mường Khương; người Mông xanh (huyện Văn Bàn); Sưu tầm di sản phi vật thể người Dao họ tỉnh Lào Cai; Bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa của người Xá Phó huyện Sa Pa, nghệ thuật hát đồng dao của dân tộc Bố Y huyện Mường Khương, Hội Hát qua làng của người Dao tuyển huyện Bảo Thắng, nghệ thuật múa Khèn dân tộc Mông tỉnh Lào Cai. Tính đến tháng 12 năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 33 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy, Xá Phó, Hà Nhì, Bố Y, Pa Dí, Thu Lao.. .Trong đó, Lào Cai vinh dự có 02 di sản gồm: “Kéo co nghi lễ dân tộc Tày, Giáy” nằm trong hồ sơ liên quốc gia “Nghi lễ và trò chơi kéo co” (gồm 4 nước: Việt Nam, Campuchia, Philippines và Hàn Quốc) và hồ sơ “Nghi lễ Then dân tộc Tày” nằm trong Hồ sơ “Thực hành nghi lễ then Tày - Nùng - Thái” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc được tỉnh quan tâm. Trong đó, các lớp học viết chữ của dân tộc Dao rất được địa phương và cộng đồng quan tâm. Thống kê trên địa bàn tỉnh có khoảng 25 lớp truyền dạy chữ Nôm Dao, trong đó tiêu biểu có lớp truyền dạy chữ Nôm Dao của nghệ nhân ưu tú Tẩn Vần Siệu, thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa hàng năm truyền dạy cho hơn 30 học viên; lớp truyền dạy chữ Nôm Dao của ông Chảo Láo Sử thôn Phìn Hồ, xã Tả Phời (thành phố Lào Cai)... Tổ chức 28 lớp dạy tiếng truyền khẩu, 1.392 học viên. Lớp dạy tiếng Bố Y: 04 lớp với 200 học viên. Lớp dạy tiếng Phù Lá (Xá Phó): 24 lớp với 1.192 học viên. Nội dung truyền dạy: Lịch sử người dân tộc Phù Lá (Xá Phó), dân tộc Bố Y; Gia đình dòng tộc; Quê hương làng bản; Đất nước Việt Nam; Chính sách pháp luật; Khoa học giáo dục; Văn hóa dân tộc.

Công tác quản lý, tổ chức và phục dựng lễ hội theo quy định của pháp luật; đảm bảo an toàn, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả; phù hợp với thuần phong mĩ tục, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, hàng năm có gần 30 Lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc, tiêu biểu như “Lễ hội Xuống đồng” của đồng bào dân tộc Giáy, Tày, Nùng, các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc các dân tộc như: Lễ cấp sắc của người Dao; Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, huyện Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa và huyện Si Ma Cai; Lễ hội Pút Tồng (tết nhảy) dân tộc Dao; Hội Hát giao duyên dân tộc Dao, hội Xòe dân tộc Tày - huyện Sa Pa; Lễ hội Nhảy lửa của người Dao đỏ huyện Bắc Hà, Lễ hội Khô già già (cầu mùa) và cúng rừng Gạ Ma Do của người Hà Nhì; Lễ cúng rừng Khoi Kìm của người Dao Đỏ ... Các lễ hội dân gian truyền thống thường được tổ chức liên tục từ mùng 3 Tết - 15 tháng Giêng, ngoài ra còn một số lễ hội tổ chức vào tháng 6 âm lịch tại các địa phương. Các lễ hội thực sự trở thành sân chơi cho bà con nhân dân các dân tộc, là nơi giao lưu văn hóa, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm sản xuất, đồng thời tạo ra bầu không khí vui tươi, phấn khởi dịp đầu năm mới, cổ vũ động viên bà con các dân tộc hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Các lễ hội dân gian có nhiều hoạt động phong phú như: trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực; tổ chức các hoạt động, các môn thể thao truyền thống (đánh quay, đánh yến, ném còn, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo....). Một số lễ hội còn giữ được nét nguyên sơ, độc đáo của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy đã thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham dự, khám phá nét văn hóa độc đáo của các dân tộc như lễ hội Nhảy lửa của người Dao đỏ huyện Bắc Hà, lễ hội Gầu Tào của người Mông ở huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai... Các lễ hội dân gian đã thể hiện rõ những giá trị văn hóa bền vững trong quá trình khôi phục và tổ chức, phù hợp với truyền thống của địa phương, dân tộc. Gắn kết được các hoạt động văn hóa với quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và của Lào Cai nói riêng, góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng, lập danh sách đội văn nghệ tiêu biểu thôn, bản thuộc các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, xã phục vụ hoạt động du lịch, các đội văn nghệ giữ gìn và phát huy bản sắc các dân tộc có nguy cơ mai một cao để trình ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động khi chính sách được phê duyệt. Giai đoạn 2016 - 2020, đã xây dựng được 15 đội văn nghệ thôn, bản từ nguồn ngân sách tỉnh làm mô hình thí điểm để triển khai nhân rộng trong giai đoạn tiếp theo trên địa bàn toàn tỉnh. Triển khai bồi dưỡng nâng cao nhận thức và nghiệp vụ cho 240 lượt người làm công tác chỉ đạo, quản lý văn hóa văn nghệ của tỉnh; tập huấn nghiệp vụ cho 400 lượt cán bộ văn hóa xã, trưởng thôn, bản, người quản lý nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố.

Trong thời gian tới, để tiếp tục bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai một số nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể:

Một là, tiếp tục quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng và triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ Đề án của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch và hệ thống văn bản chỉ đạo góp phần nâng cao nhận thức đối với các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương; tạo động lực cho việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ. Tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức về lĩnh vực văn hóa được trong các cơ quan, đơn vị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Hai là, ưu tiên triển khai công tác bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao nhận thức, sự chủ động của người dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tạo thuận lợi để các địa phương phát huy nội lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai.

Ba là, tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở và ban hành Quy chế tổ chức hoạt động và quản lý nhà văn hóa cộng đồng khu dân cư trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nâng cao hiệu quả các phong trào văn hóa, thể thao cơ sở cả về số lượng và chất lượng.

 

Đỗ Quang Thắng
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn